Saturday, May 4, 2024

154 người Rohingya vượt biên, tàu Việt Nam ‘cứu’ rồi trả về Miến Điện

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Báo VTC News được ghi nhận chỉ viết một nửa sự thật khi đưa tin “Tàu dịch vụ dầu khí của Việt Nam cứu 154 người gặp nạn ở biển Andaman.”

Theo bản tin hôm 8 Tháng Mười Hai, tàu Hải Dương 29 của công ty Hàng Hải Dầu Khí Hải Dương (Haduco), Việt Nam, một ngày trước đang trên đường kéo giàn khoan dầu khí từ Singapore đến Miến Điện thì gặp “tàu lạ” chở theo 154 người trong tình thế nguy hiểm.

154 người Rohingya, trong đó hầu hết là nam giới và trẻ em, được cứu lên tàu Hải Dương. (Hình: VTC News)

Thời điểm đó tàu chở 154 người này bị chết máy, nước tràn vào khoang. Tàu Hải Dương nhanh chóng tiếp cận, đưa những người này lên tàu an toàn. Con tàu chở người gặp nạn được ghi nhận chìm một giờ sau đó.

VTC News cho biết thêm, tàu Hải Dương sau đó đã bàn giao nhóm người này cho tàu 771 của Hải Quân Miến Điện.

Trang Facebook Haduco cũng đưa lại tin này và nhận được hàng trăm bình luận tán dương theo kiểu “Cứu một người hơn xây bảy tòa tháp, thật tuyệt vời!”

Tuy vậy, hãng Reuters của Anh ngay sau đó cho biết toàn bộ sự thật trong vụ này là nhóm 154 người được cứu là người Rohingya.

Người Rohingya là một nhóm thiểu số bị đàn áp trong nhiều năm ở Miến Điện và nhiều người trong số này, đã mạo hiểm mạng sống để vượt biên đến Malaysia và Indonesia trên những chiếc thuyền ọp ẹp.

Cuộc tháo chạy của người Rohingya khỏi Miến Điện và từ các trại tị nạn ở nước láng giềng Bangladesh, đã gia tăng sau cuộc đàn áp chết người hồi năm 2017 của quân đội, lực lượng hiện đang nắm quyền ở Miến Điện sau cuộc đảo chính hồi năm ngoái.

Như vậy, việc tàu Hải Dương trao trả nhóm người Rohingya cho Hải Quân Miến Điện chẳng khác nào “giao trứng cho ác.”

Trong một diễn biến khác, theo báo South China Morning Post của Hồng Kông hôm 10 Tháng Mười Hai, trong những năm qua, Việt Nam đã “nhắm mắt làm ngơ” trước vấn đề Rohingya và hậu quả là cuộc khủng hoảng nhân đạo và tị nạn bên ngoài biên giới Miến Điện.

Sự ủng hộ của Việt Nam đối với quân đội Miến Điện có thể được giải thích một phần do những cân nhắc về kinh tế và chính trị. Là một quốc gia độc đảng do đảng Cộng Sản lãnh đạo, Việt Nam kiên quyết bảo vệ nguyên tắc “không can thiệp nội bộ” của ASEAN vì chế độ này lo ngại sự chỉ trích từ bên ngoài đối với hệ thống chính trị và hồ sơ nhân quyền của chính mình. Phản ứng của Việt Nam đối với vấn đề Miến Điện được coi là “nhà nước độc tài này ủng hộ một nhà nước độc tài khác.”

Tàu Hải Dương trao trả nhóm người Rohingya cho tàu 771 của Hải Quân Miến Điện. (Hình: VTC News)

Cũng theo South China Morning Post, Miến Điện là quốc gia lớn thứ năm của đầu tư trực tiếp ra ngoại quốc của Việt Nam sau Lào, Cambodia, Venezuela và Nga. Tính đến cuối năm 2021, tổng vốn đầu tư ghi danh của Việt Nam tại Miến Điện đạt $1.4 tỷ.

Tổ hợp công nghiệp-quân sự của Việt Nam được cho là sẽ bị thiệt hại nặng nề nếu nền kinh tế Miến Điện lao dốc. Đơn cử Mytel, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ điện thoại di động liên quan đến quân đội Miến Điện, được Viettel, tập đoàn thuộc sở hữu của Bộ Quốc Phòng Việt Nam, hiện nắm giữ 49% cổ phần. (N.H.K) [qd]

MỚI CẬP NHẬT