Friday, April 26, 2024

Tàu Cảnh Sát Biển Việt Nam đối đầu tàu Hải Cảnh Trung Quốc

HỒNG KÔNG (NV) – Tàu Cảnh Sát Biển Việt Nam và tàu Hải Cảnh Trung Quốc đối đầu ở Bãi Tư Chính trên Biển Đông trong lúc bà Nguyễn Thị Kim Ngân, chủ tịch Quốc Hội Việt Nam đang thăm Bắc Kinh bàn “tăng cường tin cậy chính trị.”

Báo South China Morning Post (SCMP) ở Hồng Kông hôm Thứ Sáu, 12 Tháng Bảy, 2019 cho hay, trong suốt cả tuần qua, có 2 chiếc tàu Hải Cảnh Trung Quốc và 4 tàu Cảnh Sát Biển Việt Nam, đều được võ trang mạnh, ghìm nhau ở khu vực Bãi Tư Chính (tên quốc tế là Vanguard Bank) thuộc quần đảo Trường Sa.

Khu vực này phía Việt Nam đã đặt một số nhà giàn gọi là DK có một số lính canh giữ ngày đêm. Một số nhà giàn có cả bãi đáp trực thăng trên nóc. Ngoài các tàu vừa kể, còn có cả chục tàu quân sự khác cũng hiện diện gần đó.

Nguyên nhân dẫn tới sự đối đầu là Trung Quốc đưa giàn khoan nước sâu Hải Dương (Haiyang Dizhi) đến dò tìm dầu khi tại khu vực Việt Nam và Trung Quốc đều tuyên bố chủ quyền. Đây là cuộc đối đầu không thấy cả báo chí chính thống của Việt Nam cũng như Trung Quốc đề cập hay đưa tin.

Tháng Năm, 2014, Bắc Kinh đưa giàn khoan nước sâu khổng lồ Hải Dương 981 đến dò tìm dầu khí ở phía Nam quần đảo Hoàng Sa, trong vùng thềm lục địa đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam. Cuộc đối đầu căng thẳng kéo dài hai tháng rưỡi với một số tàu Cảnh Sát Biển và Kiểm Ngư của Việt Nam bị tài Hải Giám, Hải Cảnh Trung Quốc lớn hơn, đâm hư hại nghiêm trọng. Người dân Việt Nam đã giận dữ đốt phá hàng trăm cơ sở đầu tư sản xuất của Trung Quốc tại Bình Dương, Sài Gòn.

Theo SCMP, từ Thứ Tư tuần trước, tàu thăm dò dầu khí có tên là Haiyang Dizhi 8 (Marine Geology 8) đến gần khu vực có nhà giàn DK của Việt Nam để thực hiện khảo sát địa chấn. Nguồn tin thuật theo một cái tin nhắn hôm Thứ Sáu trên twitter của ông Ryan Martinson, một giáo sư phụ khảo tại Học viện Hải quân Hoa Kỳ (USNI), thành phố Newport tiểu bang Rhode Island. Ông Martinson dựa vào dữ liệu theo dõi tàu biển quốc tế để đưa tin.

Hộ tống cho chiếc tàu khảo sát, có chiếc tàu hải cảnh mang số 3901, lớn nhất của Trung Quốc, trọng tải tới 12,000 tấn. Tàu này có cả trực thăng. Đồng thời, còn có chiếc tàu hải cảnh 2,200 tấn mang số 37111.

Khi được báo SCMP phỏng vấn, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, Cảnh Sảng, không xác nhận có chuyện đối đầu giữa hai nước Cộng Sản anh em tại Bãi Tư Chính, mà chỉ nói chung chung là Bắc Kinh cương quyết bảo vệ lợi ích của họ trên Biển Đông.

“Chúng tôi cam kết quản lý các bất đồng xuyên qua đàm phán với các nước liên quan,” lời ông Cảnh Sảng được dẫn lại trên SCMP.

Khi có cuộc đối đầu trên biển thì bà chủ tịch Quốc Hội Việt Nam có mặt ở Bắc Kinh hội đàm với nhiều chức sắc cấp cao Trung Quốc, gồm cả Chủ Tịch Tập Cận Bình. SCMP thuật lời ông Tập Cận Bình nói với bà Nguyễn Thị Kim Ngân hôm 12 Tháng Bảy, 2019, là hai nước nên “bảo vệ hòa bình, ổn định trên biển bằng những hành động cụ thể.”

Trước khi được ông Tập Cận Bình tiếp kiến, bà Nguyễn Thị Kim Ngân ngày 11 Tháng Bảy, 2019, đã ngồi họp với Chủ Tịch Quốc Hội Trung Quốc Li Zhanshu (Lật Chiến Thư). Tân Hoa Xã dẫn lời ông họ Lật nói hai bên nên “cùng nhau bảo bệ hòa bình ổn định trên biển cũng như luôn luôn cải thiện tình bằng hữu giữa hai dân tộc.”

“Về vấn đề trên biển, hai bên cam kết sẽ tiếp tục tuân thủ nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai đảng, hai nước, “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc”; kiên trì giải quyết vấn đề trên biển bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế. Hai bên tăng cường trao đổi các biện pháp nhằm giữ ổn định trên biển, thực hiện tốt Tuyên bố về Ứng Xử của Các Bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đi đến ký kết Bộ Quy Tắc về Ứng Xử của Các Bên ở Biển Đông (COC) nhằm giữ hòa bình, ổn định ở khu vực,” TTXVN tường thuật cuộc họp của bà Ngân với ông Lật Chiến Thư.

Khi loan tin chuyến thăm viếng Trung Quốc của bà Nguyễn Thị Kim Ngân, TTXVN đã dạo đờn khi bà bắt đầu lên đường rằng bà đi Bắc Kinh để “củng cố sự tin cậy chính trị.” Nhưng những gì diễn ra trên biển khác với những lời nói của các lãnh tụ cấp cao ở trên bàn họp.

Hai năm trước, cũng vào dịp Tháng Bảy, 2017, công ty dầu khí Repsol của Tây Ban Nha đã phải bỏ ngang cuộc dò tìm và khai thác dầu khí tại lô 136-03 với tên gọi là Cá Rồng Đỏ, thuộc khu vực bồn trũng Tư Chính-Vũng Mây. Bắc Kinh đe dọa nếu Việt Nam không dừng lại, họ sẽ xua quân đánh chiếm các đảo tại Trường Sa.

Trước đó một tháng, tướng Phạm Trường Long, phó chủ tịch Quân Ủy Trung Ương Trung Quốc, đã bỏ ngang chuyến thăm chính thức Việt Nam, sau hội đàm ngắn ngủi với quan chức cấp cao của Hà Nội mà người ta tin ông ta có thể đã có những lời đe dọa CSVN. (TN)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT