Friday, May 17, 2024

Thủy điện tàn phá rừng, CSVN mới tính ‘không phát triển bằng mọi giá’

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Các trận lũ lụt liên tiếp xảy ra ở miền Trung những ngày qua khiến nhà nhà chìm trong biển nước, lũ quét và sạt lở đất, cuốn theo cây cối, đất đá, cả tính mạng, tài sản của con người. Tới nay, CSVN mới “xem lại” việc ồ ạt phát triển các thủy điện nhỏ – nguyên nhân chính khiến lũ lụt diễn ra tàn khốc.

Hôm 24 Tháng Mười, báo VNExpress dẫn phát ngôn của ông Trần Hồng Hà, bộ trưởng Tài Nguyên-Môi Trường CSVN, nói rằng Quốc Hội CSVN thời gian qua đã quyết định cắt giảm hơn 400 các dự án thủy điện nhỏ và quan điểm của Bộ Tài Nguyên-Môi Trường là “không khuyến khích phát triển bằng mọi giá các dự án thủy điện nhỏ.”

Hiện trường vụ sạt lở chết người ở thủy điện Rào Trăng 3 ở tỉnh Thừa Thiên-Huế. (Hình: Dân Trí)

Tuy vậy, phát ngôn của ông Hà tương phản với ghi nhận thực tế trên tờ Thanh Niên hôm 16 Tháng Mười về mật độ xây thủy điện dày đặc ở tỉnh Thừa Thiên-Huế: “Cùng với thủy điện A Lin B1, B2 từ sông A Lin, thủy điện Rào Trăng 4 ở bên dưới, thủy điện Rào Trăng 3 tạo thành hệ thống ‘thủy điện bậc thang’ công suất nhỏ trên hệ thống thượng nguồn sông Bồ. Giữa thủy điện Rào Trăng 3 và 4 cách nhau khoảng hơn 10 kilomet.”

Báo Lao Động hôm 1 Tháng Mười dẫn chứng: “Trong hơn một thập niên gần đây, Quảng Nam được xem là ‘xứ sở thủy điện’ ở khu vực miền Trung, với hơn 30 dự án thủy điện được quy hoạch phân bố trên khắp 10 huyện miền núi của tỉnh với tổng công suất lắp máy lên tới hơn 1,500 MW. Trong đó, để xây dựng Thủy Điện Sông Bung 4, cả một diện tích rừng gần trăm hécta tại huyện Nam Giang tại địa bàn này đã ‘biến mất.’”

“Rừng bị lấy đi quá nhiều là nguyên nhân làm cho lũ lụt ngày càng gia tăng. Thủy điện có thể không làm tăng lũ, nhưng thủy điện đã làm rừng bị mất đi, khiến lũ dữ hơn và tàn phá nặng nề hơn. Lũ lụt xảy ra thường xuyên và tàn khốc hơn còn do các nhà máy thủy điện xả lũ vì nguy cơ vỡ đập trong mùa mưa bão. Các trận lũ từ năm 2009 trở lại đây đã chứng minh điều này. Chẳng hạn, tại Quảng Nam, trong cơn bão lũ Tháng Mười Một, 2013, huyện Đại Lộc đã phải hứng chịu đồng loạt cả bốn thủy điện đầu nguồn sông Vu Gia-Thu Bồn là A Vương, Đăk Mi 4, Sông Bung 4, Sông Bung 5 xả lũ, khiến cả huyện ngập sâu trong nước,” vẫn theo báo Lao Động.

Trong lúc công luận suy đoán nguyên nhân bão lũ trầm trọng là do miền Trung đang bị “quá tải” về hàng loạt thủy điện nhỏ, người ta không thấy Bộ Trưởng Hà cũng như ông Trần Tuấn Anh, bộ trưởng Công Thương CSVN, đứng ra nhận trách nhiệm hay giải trình. Thay vào đó, dường như hai ông này để cho thuộc cấp lên tiếng biện hộ và trấn an dư luận rằng họ “đã làm hết trách nhiệm,” còn bão lũ xảy ra là vì “các nguyên do khách quan” như mưa nhiều, biến đổi khí hậu…

Ông Trần Hồng Hà, bộ trưởng Tài Nguyên-Môi Trường CSVN. (Hình: Hoàng Phong/VNExpress)

Báo VNEconomy vài ngày trước dẫn lời ông Tô Xuân Bảo, cục phó Kỹ Thuật An Toàn và Môi Trường Công Nghiệp, Bộ Công Thương CSVN: “Thời gian tới, bộ sẽ rà soát, chỉ đạo các địa phương, ứng phó thiên tai để đảm bảo chủ động, lường được các tình huống có thể xảy ra. Bộ tiếp tục hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về hồ chứa để giám sát vận hành các hồ chứa thủy điện.”

Ông này cũng nói: “Trong các mùa lũ, bộ đều có các văn bản chỉ đạo điều hành vận hành các hồ đúng quy định, thông báo tới hạ du, phối hợp với chính quyền địa phương để giảm thiểu tác động tới hạ du. Bộ Công Thương cũng liên tục theo dõi mực nước, lưu lượng nước về hồ để có báo cáo với Ban Chỉ Đạo Phòng Chống Thiên Tai về điều hành các hồ chứa.”

Trang web của Bộ Công Thương CSVN hiện đăng phát ngôn của Bộ Trưởng Trần Tuấn Anh trong lúc kêu gọi thuộc cấp góp tiền cứu trợ bão lụt: “Những đóng góp thiết thực, ủng hộ đồng bào của các đồng chí sẽ góp phần ổn định lại cuộc sống, giúp người dân giảm bớt những khó khăn, vượt lên số phận để chống chọi với thiên tai lũ lụt.”

Không thấy vị bộ trưởng đề cập gì về mối liên quan giữa bão lụt và các dự án thủy điện do bộ của ông cấp phép. (N.H.K) [qd]

MỚI CẬP NHẬT