Friday, April 26, 2024

Tòa Đại Sứ Mỹ ‘im lặng’ vụ blogger Phạm Đoan Trang bị bắt

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Một ngày sau khi tin blogger, nhà báo tự do Phạm Đoan Trang bị bắt, hôm 8 Tháng Mười, Tòa Đại Sứ Mỹ ở Hà Nội được ghi nhận “giữ im lặng” về vụ việc.

Đáng nói là vụ bắt giữ xảy ra ngay trong thời điểm sự kiện “Đối Thoại Nhân Quyền Mỹ-Việt” thường niên lần thứ 24 được tổ chức trên mạng hôm 6 Tháng Mười.

Những cuốn sách của bà Phạm Đoan Trang phát hành không qua sự kiểm duyệt của nhà nước CSVN. (Hình: Facebook Phạm Đoan Trang)

Đây là lần thứ ba liên tiếp việc Sứ Quán Mỹ không tỏ bày quan điểm về sự kiện chính trị ở Việt Nam, sau hai vụ lấy Hoàng Sa, Trường Sa ra khỏi bản đồ Việt Nam trong một post đăng trên fanpage, và trước đó là phán quyết phiên tòa vụ Đồng Tâm với hai án tử hình dành cho hai con trai ông Lê Đình Kình.

Trong vụ gỡ hình bản đồ có Hoàng Sa, Trường Sa hồi giữa Tháng Chín, nhật báo Người Việt đã gửi email cho bà Rachael Chen, tùy viên báo chí Đại Sứ Quán Mỹ tại Việt Nam, nhưng bà hứa “phản hồi nhanh nhất” rồi không hồi đáp các câu hỏi hay bình luận gì về vụ việc.

Trước năm 2020, thời điểm Việt-Mỹ kỷ niệm 25 bang giao, việc Tòa Đại Sứ Mỹ là cơ quan đại diện ngoại giao đầu tiên ở Việt Nam lên tiếng đầu tiên ngay sau các vụ bắt giữ, xét xử nhà hoạt động, người bất đồng chính kiến tại Việt Nam được cho là điều bình thường. Nhưng nay, sự im lặng từ phía cơ quan ngoại giao Mỹ trước các vụ việc như vậy là chỉ dấu cho thấy giữa hai nước có thể đã có thỏa thuận về việc Washington không chỉ trích mặt xấu về nhân quyền của Hà Nội.

Đổi lại, giới xã hội dân sự ghi nhận việc các trang của “dư luận viên” được cho là có sự bảo trợ của Hà Nội như “Đơn Vị Tác Chiến Điện Tử Comcom” hiện cũng đã ngừng “chửi Mỹ” như trước.

Trong lúc phía Mỹ im tiếng về vụ bắt bà Phạm Đoan Trang, tính đến thời điểm hiện tại, một số tổ chức nhân quyền quốc tế đã lên tiếng về vụ này. Trong số đó, ông Phil Robertson, phó giám đốc khu vực Châu Á của tổ chức Theo Dõi Nhân Quyền (HRW), phát đi thông cáo ghi: “Bất chấp nhiều năm bị chính quyền sách nhiễu có hệ thống, bao gồm cả việc hành hung nghiêm trọng, bà ấy [Phạm Đoan Trang] vẫn trung thành với các nguyên tắc vận động ôn hòa cho nhân quyền và dân chủ. Cách tiếp cận thấu đáo của bà đối với cải cách và yêu cầu có sự tham gia thực sự của người dân vào việc điều hành đất nước, là những thông điệp mà Chính Phủ CSVN nên lắng nghe và tôn trọng, không nên trấn áp.”

Cùng thời điểm, bà Ming Yu Hah, đại diện tổ chức Ân Xá Quốc Tế (Amnesty) được dẫn lời trên tờ The Guardian của Anh Quốc: “Đây là một vụ bắt giữ tàn nhẫn. Bà Phạm Đoan Trang là một nhân vật hàng đầu trong cuộc đấu tranh cho nhân quyền ở Việt Nam. Bà đã truyền cảm hứng cho vô số nhà hoạt động trẻ lên tiếng vì một Việt Nam công bằng và tự do hơn.”

Nhóm công an thành phố Hà Nội bắt bà Phạm Đoan Trang đêm 6 Tháng Mười tại Sài Gòn. (Hình: Thanh Niên)

Bà Hah cũng bình luận thêm rằng rằng quyết định của Facebook về việc tuân theo các yêu cầu kiểm duyệt của nhà cầm quyền CSVN vào đầu năm nay khiến mạng xã hội này “đồng lõa với việc nhà cầm quyền đàn áp tự do ngôn luận một cách khắc nghiệt.”

“Chúng tôi ghi nhận sự gia tăng liên tục trong việc kiểm duyệt các bình luận về các vấn đề xã hội và chính trị trên nền tảng này [Facebook] kể từ năm 2018, với sự gia tăng đặc biệt mạnh mẽ vào năm 2020. Những post chia sẻ thông tin về nhiều vấn đề nhân quyền nghiêm trọng của Việt Nam, từ tranh chấp đất đai đến án tử hình, hiện thường xuyên bị Facebook kiểm duyệt tùy tiện,” theo The Guardian.

Luật Sư Vũ Đức Khanh, ở Canada, nêu suy đoán trên trang cá nhân về ba lý do chính để nhà cầm quyền CSVN bắt bà Phạm Đoan Trang trong thời điểm này. Một trong những lý do được ông diễn giải là “lợi dụng Hoa Kỳ đang bối rối trong mùa bầu cử Tháng Mười Một và cũng đang có những khó khăn nhất định trong nước nên Hà Nội nghĩ rằng sẽ không có những áp lực lớn về nhân quyền đối với họ vì người Mỹ hiện đang có những ưu tiên khác, đặc biệt với Việt Nam.” (N.H.K) [qd]

MỚI CẬP NHẬT