Thursday, April 25, 2024

Tòa Thánh Vatican sẽ có đại diện thường trú tại Việt Nam ‘trong tương lai gần’

VATICAN (NV) – Giáo Hội Công Giáo sẽ có đại diện thường trú tại Việt Nam “trong tương lai gần” theo sự thỏa thuận giữa nhà cầm quyền CSVN và Tòa Thánh Vatican mới đạt được.

Bản tin của Tòa Thánh Vatican loan báo hôm Thứ Năm, 20 Tháng Mười Hai, 2018, loan báo kết quả cuộc họp Ban Công Tác Hỗn Hợp vòng VII diễn ra hôm Thứ Tư tại Hà Nội giữa thứ trưởng ngoại giao Tòa Thánh và đại diện nhà cầm quyền CSVN với sự cải thiện mối quan hệ đáng kể là một đại diện thường trú tại Việt Nam.

Bản tin của Tòa Thánh viết rằng: “Họ chia sẻ tự tin tưởng đây là bước đi giúp mối quan hệ giữa hai bên gia tăng và phát triển hơn nữa.”

Theo bản tin Tòa Thánh: “Hai bên đồng ý các mối quan hệ giữa Việt Nam và Tòa Thánh Vatican nên tiếp tục duy trì trên những nguyên tắc đã thỏa thuận và kết quả các cuộc đối thoại nhằm xây dựng niềm tin tưởng và cải thiện mối quan hệ dựa trên lợi ích của hai bên và cộng đồng Công Giáo tại Việt Nam.”

Trong cuộc họp kể trên, hai bên đã thảo luận “và đạt thỏa thuận trên những vấn đề liên quan hướng tới nâng cấp các mối quan hệ trong tương lai gần giữa Việt Nam và Tòa Thánh Vatican từ đại diện không thường trú thành đại diện thường trú” của Tòa Thánh tại Việt Nam.

Hiện giữa Việt Nam và Tòa Thánh Vatican chưa thiết lập bang giao dù các phái đoàn cấp cao của CSVN cũng như của Vatican đã họp khá nhiều lần trong những năm qua. Sau nhiều lần đàm phán, Hà Nội chỉ thỏa thuận để Tòa Thánh đạt một đại diện không thường trú từ năm 2011.

Năm 2009, tại Tòa Thánh, Đức Giáo Hoàng Benedict XVI đã tiếp chủ tịch nước thời đó là ông Nguyễn Minh Triết. Hai năm trước đó ngài đã tiếp Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng. Đến năm 2013, ngài tiếp Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng. Sau đó, Đức Giáo Hoàng Francis tiếp Chủ Tịch Nước Trần Đại Quang năm 2016 và gần đây là Phó Thủ Tướng Trương Hòa Bình.

“Hai bên cũng thảo luận các vấn đề liên quan đến sự phân chia các giáo phận và sự cắt cử các giám mục tại Việt Nam,” bản tin của Tòa Thánh viết, không có đi sâu vào chi tiết.

Nhà cầm quyền CSVN vẫn chưa chịu trả trụ sở Tòa Khâm Sứ cũ tại Hà Nội cho Giáo Hội Công Giáo. (Hình: Aude GENET/AFP/Getty Images)

Các vấn đề gai góc khác là các tài sản của Giáo Hội Công Giáo bị nhà cầm quyền CSVN cưỡng đoạt dưới nhiều hình thức từ chiếm đoạn tới ký giấy mượn rồi không trả lại trên cả nước, vấn đề quyền tự do tôn giáo của người dân hiện vẫn chỉ có trên giấy. Nhà cầm quyền chỉ công nhận những giáo hội và tổ chức tôn giáo chịu nằm trong sự chỉ huy của họ, thường được gọi là “tôn giáo quốc doanh.” Nếu không chấp nhận nằm trong cái túi quốc doanh thì sẽ phải chịu đủ mọi thứ hình thức đàn áp.

“Người Công Giáo Việt Nam có vẻ quan ngại từ đầu năm 2019 tới đây khi Luật An Ninh Mạng bắt đầu có hiệu lực.” Bản tin Công Giáo AsiaNews ngày 17 Tháng Mười Hai viết. “Dưới chiêu bài này, có những điều luật buộc các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội như Google, Facebook phải cung cấp dữ kiện của khách hàng cho nhà cầm quyền CSVN.”

Thêm nữa, nhà cầm quyền CSVN “cấm người sử dụng Internet để tổ chức ‘chống chính quyền,’ dùng các từ ngữ ‘xuyên tạc lịch sử’ hay ‘phản cách mạng.’” Trong viễn ảnh này, AiaNews nói người Công Giáo rất quan ngại nhiều thứ thông tin Công Giáo sẽ bị ngăn cấm khi họ không ca tụng sự “chinh phục của cách mạng xã hội chủ nghĩa.”

Linh Mục Paul Văn Chi, phát ngôn viên của Liên Đoàn Truyền Thông Công Giáo Việt Nam, nói với AsiaNews rằng: “Người sử dụng Internet tại Việt Nam phải giảm bớt sử dụng vì sợ bị lôi ra tòa kết án. Các điều khoản của Luật An Ninh Mạng sắp có hiệu lực sẽ giúp nhà cầm quyền CSVN dễ dàng hơn để xác định và kết tội người ta dù là các hoạt động ôn hòa trên mạng.”

Trong cuộc họp vòng thứ VI diễn ra hồi Tháng Mười, 2016, bản tin AsiaNews nói rằng điểm chính yếu được nêu ra là những quan tâm của Tòa Thánh Vatican về sự tự do tôn giáo tại Việt Nam. Bản phúc trình hằng năm của Ủy Hội Tự Do Tôn Giáo của Hoa Kỳ (USCIRF) đều đòi hỏi chính phủ Hoa Kỳ đưa tên nước Việt Nam vào danh sách “Các nước cần quan tâm đặc biệt” vì quyền tự do tôn giáo của người dân vẫn bị hạn chế nghiêm khắc.

Đầu Tháng Mười Hai vừa qua, 17 linh mục thuộc Tổng Giáo Phận Hà Nội đến trụ sở Quận Hoàn Kiếm đòi nhà cầm quyền trả lại tài sản của giáo hội đang bị nhà cầm quyền chiếm dụng, không chịu trả lại. Mấy năm trước giáo dân Công Giáo tại Hà Nội đã biểu tình rất dữ dội đòi nhà cầm quyền CSVN trả lại Tòa Khâm Sứ, tài sản của Dòng Chúa Cứu Thế nhưng vẫn bị lờ đi. (TN)

MỚI CẬP NHẬT