Friday, April 26, 2024

Trạm BOT Hòa Lạc bị dân ‘phong tỏa’ 4 ngày liên tiếp

HÒA BÌNH, Việt Nam (NV) – Người dân đỗ năm xe tải và một xe đò tại khu vực soát vé của trạm thu phí BOT Hòa Lạc, tiếp tục làm tê liệt trạm BOT này trong suốt bốn ngày qua.

Báo VNExpress cho biết, chiều 14 Tháng Sáu, 2019, trạm thu phí BOT Hòa Lạc không thể hoạt động vì nhiều người dân hai xã Yên Quang và Phúc Tiến (huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình) dùng xe tải chắn ngang làn thu phí. Đây là ngày thứ tư liên tiếp trạm thu phí này bị chặn.

Do thời tiết nắng nóng, người dân không còn tập trung ở trạm BOT để phản đối như ba hôm trước. Họ đỗ năm xe tải và một xe đò tại khu vực soát vé của trạm thu phí và căng thêm hai tấm biểu ngữ ở đây.

Các xe cộ qua trạm sẽ đi vào làn dành cho xe hai bánh và không phải trả tiền phí dù có khoảng năm nhân viên soát vé làm việc tại đây. Xung quanh trạm không có công an xuất hiện.

Một số người dân cho biết, các xe tải tham gia phản đối luân phiên đỗ tại khu vực quầy thu phí. “Chúng tôi sẽ để xe ở đây cho đến khi chính quyền đưa ra được phương án hợp lý nhất,” một người dân xã Yên Quang nói.

Trước đó từ ngày 10 Tháng Sáu, người dân hai xã Yên Quang và Phúc Tiến, huyện Kỳ Sơn không đồng tình với chính sách miễn giảm giá vé của nhà đầu tư. Theo phương án đưa ra, nhà đầu tư giảm 50% cho các chủ xe là tổ chức, cá nhân nằm trong phạm vi bán kính năm cây số của trạm thu phí, miễn thu phí 100% với xe buýt.

Nói với báo Zing, ông Lê Văn Điệp (ở xã Yên Quang, huyện Kỳ Sơn) đưa ra yêu cầu hoặc là hoàn trả tuyến đường 446 cũ, nếu không thì miễn 100% phí cho những người dân quanh khu vực.

Các xe tải đậu trong trạm thu phí Hòa Lạc. (Hình: VNExpress)

Theo ông Điệp, tuyến đường Hòa Lạc-Hòa Bình được xây mới hoàn toàn. Tuy nhiên, khi đường chạy ngang qua khu vực xóm Văn Minh, xã Yên Quang (huyện Kỳ Sơn) lại đè lên tỉnh lộ 446 trước nay người dân vẫn sử dụng khoảng hơn một cây số. Đáng nói, ở đoạn đường đè lên này, nhà đầu tư đã cho đặt trạm thu phí, tạo thành thế độc đạo, khiến xe cộ nào cũng phải đi qua và trả phí oan.

“Trạm thu phí cắt đôi xóm Văn Minh, Ủy Ban Nhân Dân xã, trường học, trạm y tế nằm ở phía bên kia. Giờ chúng tôi muốn đưa con đến trường hay đi đâu dù chỉ vài trăm mét cũng phải mất phí. Cả đi và về là 34,000 đồng ($1.4) rất tốn kém,” ông Điệp bực tức nói.

Phần đường còn lại của tỉnh lộ 446 xuống cấp nghiêm trọng cũng khiến người dân bất bình. Theo người dân địa phương, trong quá trình thi công cao tốc Hòa Lạc – Hòa Bình, nhà đầu tư đã sử dụng đường 446 để vận chuyển nguyên vật liệu.

“Họ nói thi công xong sẽ hoàn trả tỉnh lộ 446 đẹp hơn, tuy nhiên đến nay vẫn không làm gì,” ông Nguyễn Minh Hợp, người dân xóm Văn Minh, nói.

“Cháu tôi sang năm đi học lớp 1, tôi tính xin cho nó học trường làng thay vì ra ngoài xã. Trường xã nằm trên đường 446 khó đi quá, ngày mưa thì nước ngập, người lớn đi còn trơn ngã, nắng thì mịt mù bụi, rồi ổ voi, ổ gà, nguy hiểm lắm,” bà Tuyết, người dân xóm Văn Minh, cho biết.

Ông Bùi Quang Bát, giám đốc Công Ty Trách Nhiệm Hữu Hạn BOT quốc lộ 6 Hòa Lạc-Hòa Bình, chủ đầu tư dự án xác nhận từ đầu Tháng Sáu, 2019, hoạt động thu phí của dự án đã gặp khó khăn khi người dân liên tục phản đối. “Bốn ngày vừa qua chúng tôi ước tính thiệt hại khoảng 950 triệu đồng ($40,711). Công ty đã gửi văn bản đề nghị các cấp có thẩm quyền sớm giải quyết,” ông Bát nói.

Tin cho biết, hồi cuối Tháng Tư, 2019, Bộ Giao Thông Vận Tải cho phép doanh nghiệp đầu tư dự án tổ chức thu tiền dịch vụ đường bộ tại trạm thu phí Hòa Lạc-Hòa Bình từ 0 giờ ngày 3 Tháng Năm “để hoàn vốn đầu tư cho dự án đầu tư xây dựng đường Hòa Lạc-Hòa Bình và cải tạo nâng cấp quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai-Hòa Bình.” Mức phí thấp nhất là 35,000 đồng/lượt xe ($1.5) và cao nhất là 180,000 đồng ($ 7.7) một lượt xe.

Sau hơn bốn ngày thu phí, do nhiều tài xế tập trung chống đối, trạm BOT Hòa Lạc-Hòa Bình phải xả trạm trong chiều 7 Tháng Năm. (Tr.N)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT