Saturday, May 18, 2024

Tranh chấp Biển Đông khó hạ nhiệt trong năm 2020

Malaysia: ‘Thật là quái đản khi Trung Quốc tuyên bố chủ quyền tất cả Biển Đông’

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Có nhiều chỉ dấu cho thấy tranh chấp Biển Đông giữa các nước nhỏ phía nam với Trung Quốc vẫn khó giảm căng thẳng trong năm 2020 khi Việt Nam làm chủ tịch luân phiên Hiệp Hội ASEAN.

Ngày 12 Tháng Mười Hai, 2019, Malaysia nộp hồ sơ tại Ủy Ban Về Giới Hạn Thềm Lục Địa (CLCS) trực thuộc Liên Hiệp Quốc thông báo xin công nhận thềm lục địa mở rộng theo Điều 76 của Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), liên quan đến ranh giới thềm lục địa nằm ngoài 200 hải lý tính từ đường cơ sở.

Theo các nguồn tin tin tức quốc tế thuật lại, Malaysia cho hay đây là bản đệ trình cho phần còn lại của thềm lục địa Malaysia nằm ngoài 200 hải lý ở phía bắc Biển Đông. Malaysia và Việt Nam mười năm trước đó, ngày 6 Tháng Năm, 2009, cũng đã cùng đệ trình về phần thềm lục địa của hai nước ở phía nam Biển Đông.

“Tôi nghĩ thật là quái đản khi Trung Quốc tuyên bố chủ quyền chiếm tất cả Biển Đông.”

Báo Express của Anh Quốc hôm 30 Tháng Mười Hai, 2019, dẫn lời ngoại trưởng Malaysia, ông Saifuddin Abdullah, bình luận.

Dĩ nhiên, trước sự việc như thế, Bắc Kinh liền lên án chính quyền Kuala Lumpur là “xâm phạm chủ quyền lãnh thổ” của Trung Quốc, đồng thời thúc giục UNCS không cứu xét đơn của Malaysia.

Trước đó chưa đầy ba tuần lễ, ngày 25 Tháng Mười Một, 2019, nhà cầm quyền CSVN công bố bản “Sách Trắng Quốc Phòng” qua đó lên án Bắc Kinh dù không chỉ đích danh “hành động đơn phương, áp đặt dựa trên sức mạnh, bất chấp luật pháp quốc tế và các hoạt động quân sự hóa, làm thay đổi nguyên trạng, xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam theo luật quốc tế…” trên Biển Đông.

Tàu của lực lượng Cảnh Sát Biển Việt Nam tại cảng Tiên Sa, Đà Nẵng. (Hình: Getty Images)

Việt Nam lập đi lập lại rất nhiều lần tuyên bố chủ quyền “với các bằng chứng lịch sử không thể tranh cãi” đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và các vùng biển phụ cận, dù hiện nay quần đảo Hoàng Sa đã bị Bắc Kinh cướp đoạt từ năm 1974. Bắc Kinh chỉ xua tàu tới cướp một số bãi đá ngầm tại quần đảo Trường Sa từ năm 1988, hiện đã bồi đắp và xây dựng 7 đảo nhân tạo thành 7 căn cứ quân sự quy mô khổng lồ.

Bắc Kinh muốn bồi đắp bãi cạn Scarborough thành một đảo nhân tạo khổng lồ như 7 đảo nhân tạo đã bồi đắp nhưng trước áp lực của Mỹ và cũng để lôi kéo ông tổng thống Duterte của Philippines ra khỏi tầm ảnh hưởng của Hoa Kỳ, kế hoạch hiện đã bị treo lại.

Biến cố thời sự nổi bật nhất trong năm 2019 là chuyện đối đầu của các tàu cảnh sát biển, kiểm ngư của Việt Nam với nhóm tàu hải giám, hải cảnh, dân quân biển của Trung Quốc hộ tống tàu nghiên cứu địa chất Haiyang Dizhi 8 ở khu vực bãi Tư Chính và các vùng biển phụ cận, nằm trong phạm vi đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam.

Kéo dài hơn ba tháng từ đầu Tháng Bảy đến giữa Tháng Mười, cuộc đối đầu chỉ chấm dứt khi giàn khoan Hakuryu-5 mà liên doanh Petro Vietnam – Rosnef (Nga) thuê của Nhật rời khu vực.

Nhóm tàu Haiyang Dizhi 8 không những xâm phạm vùng biển Tư Chính mà còn đi tới gần bờ biển miền Trung Việt Nam, điểm gần bờ biển Phan Rang Việt Nam nhất chỉ khoản 83 hải lý hay 153km.

Song song với nhóm tàu Haiyang Dizhi 8 quấy rối, kiếm chuyện với Việt Nam, Bắc Kinh còn cho khảo sát địa chất khác xâm phạm vùng biển đặc quyền kinh tế của Malaysia, Philippines, như để chứng minh họ hoạt động trong phạm vi chủ quyền “Lưỡi bò” ngang ngược, không ai chấp nhận.

Việt Nam là chủ tịch luân phiên Hiệp hội các nước ASEAN năm 2020. Một số nhà phân tích cho rằng Hà Nội sẽ thúc đẩy các nước thành viên khác trong hiệp hội cứng rắn hơn đối với tham vọng bá quyền bành trướng của Bắc Kinh trên Biển Đông. Tuy nhiên, ASEAN đã nhiều lần lộ rõ sự phân hóa nội bộ do bị Bắc Kinh mua chuộc.

“Tôi hy vọng rằng khi chúng tôi nhận chức chủ tịch luân phiên của Hiệp Hội ASEAN, Trung Quốc sẽ chứng tỏ kiềm chế với những hoạt động này.”

Thứ Trưởng Ngoại Giao CSVN Nguyễn Quốc Dũng được hãng thông tấn Reuters dẫn lời ông phát biểu tại Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á ở Singapore ngày 17 Tháng Mười Hai.

“Những gì Trung Quốc đã làm gây lo lắng và đồng thời như đe dọa không những Việt Nam mà cả những nước khác cũng thấy nguy cơ bị đe dọa trong tương lai,” ông Dũng nói với Reuters.

Ngư dân Việt Nam mỗi khi ra khơi phải đối mặt với sự hiểm nguy từ các tàu tuần tra của Trung Quốc trên Biển Đông. (Hình: Getty Images)

Sau khi bị Tòa Án Quốc Tế tại The Hague, Hòa Lan, hồi Tháng Bảy, 2016 bác bỏ tuyên bố chủ quyền gần hết Biển Đông theo 9 cái vạch nối lại giống như hình “Lưỡi bò,” Bắc Kinh cậy sức mạnh quân sự ăn trùm các nước nhỏ phía nam, giở giọng nói càn rằng phần lớn Biển Đông là của “tổ tiên” để lại từ ngàn xưa.

Ngày 11 Tháng Mười Hai, 2019, đại diện Việt Nam tham dự phiên họp toàn thể Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc về chủ đề “Đại Dương và Luật Biển” tại New York, Mỹ, đã “bày tỏ quan ngại về một số sự kiện diễn ra gần đây tại Biển Đông, xâm phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.”

Trong khi ông Nguyễn Quốc Dũng phát biểu ở Singapore thì Bộ Trưởng Quốc Phòng Nhật Bản Taro Kono cáo buộc trên diễn đàn Doha Forum tại Qatar hôm Chủ Nhật là “Trung Quốc đang có những hành động đơn phương và chèn ép nhằm thay đổi nguyên trạng dựa trên chủ trương của mình nhưng lại không tương ứng với trật tự quốc tế đang hiện hữu” tại Biển Đông cũng như vùng biển Hoa Đông.

Hai ngày trước đó, Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ Mark Esper thêm một lần nữa lên án Trung Quốc hà hiếp các nước nhỏ, ngang ngược tại Biển Đông, tham vọng khống chế toàn khu vực. Trong một bài phát biểu tại Hội Đồng Quan Hệ Đối Ngoại (Council on Foreign Relations) ở New York hôm 13 Tháng Mười Hai, 2019, ông Esper lại một lần nữa cáo buộc Bắc Kinh “ngang ngược tuyên bố chủ quyền bất hợp pháp trên biển” đồng thời đe dọa chủ quyền trên Biển Đông” của các nước nhỏ láng giềng phía Nam trong khu vực.

Với những chỉ dấu như thế, vấn đề tranh chấp Biển Đông sẽ khó lòng hạ nhiệt khi Bắc Kinh vẫn nhăm nhe muốn nuốt cả. (TN)

MỚI CẬP NHẬT