Sunday, April 28, 2024

Trung Quốc đòi tàu nước ngoài khai báo khi vào vùng biển chủ quyền

BẮC KINH, Trung Quốc (NV) – Trung Quốc đòi các loại tàu nước ngoài phải khai báo, một lệnh mới bắt đầu có hiệu lực vào lúc căng thẳng gia tăng tại các vùng biển tranh chấp chủ quyền.

Từ Thứ Tư, 1 Tháng Chín, Trung Quốc đòi tất cả các loại tàu nước ngoài khi vào vùng biển “chủ quyền” của Trung Quốc phải khai báo cho Cục Hải Sự tên tàu, danh hiệu liên lạc, tọa độ và khai báo các loại hàng nguy hiểm đang chở, theo luật hàng hải mới của họ.

Trung Quốc đòi tàu nước ngoài phải khai báo khi vào vùng biển chủ quyền của họ. (Hình: STR/AFP/Getty Images)

Nếu ở các vùng biển không có tranh chấp với nước ngoài thì không thành vấn đề. Vấn đề sẽ trở thành phức tạp và nguy cơ dẫn đến chiến tranh tại những vùng biển mà Bắc Kinh ngang nhiên tuyên bố chủ quyền trong khi các nước khác cũng có những tuyên bố chủ quyền ngược lại. Riêng tại Biển Đông, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền hơn 80% đến 90% nuốt luôn phần của các nước phía Nam.

Cục Hải Sự Trung Quốc, trong một loan báo mới đây, đòi hỏi tất cả các loại tàu nước ngoài bao gồm luôn những loại như “tàu ngầm, tàu nguyên tử, tàu chở các loại vật liệu phóng xạ, tàu chở dầu, tàu chở hóa chất, tàu chở ga hóa lỏng, và các chất độc hại,” mà họ coi là “đe dọa an toàn hàng hải” của nước họ. Nếu không tuân hành, họ có những luật lệ liên quan để chế tài, bản thông báo đe dọa.

Những tháng qua, Trung Quốc liên miên tập trận quy mô, khoe sức mạnh quân sự để chứng tỏ họ không sợ bất cứ sự đe dọa nào. Mỹ và đồng minh đã mở nhiều cuộc tập trận phối hợp hành động khi thấy Bắc Kinh càng ngày càng ra dấu hiệu quân sự hóa và tham vọng muốn khống chế toàn bộ Biển Đông.

Không ít lần, Bắc Kinh khoe chiến hạm của họ đã “xua đuổi” chiến hạm của Mỹ xâm nhập các vùng biển “chủ quyền” của họ tại vùng biển các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong khi Mỹ nói ngược lại. Mỹ coi các vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa là vùng biển quốc tế, không chấp nhận bị giới hạn 12 hải lý của Công Ước Quốc Tế về Luật Biển (UNCLOS) ràng buộc.

Theo một số nhà phân tích, việc Bắc Kinh ra đòi hỏi mới như trên nhằm đối phó lại sự thất lợi pháp lý. Tuyên bố chủ quyền ngang ngược theo hình “lưỡi bò” trên Biển Đông bị Tòa Trọng Tài Quốc Tế bác bỏ hồi năm 2016 theo đơn kiện của Philippines. Họ áp dụng luật lệ không được các nước khác công nhận sẽ dẫn đến đâu, thiên hạ chờ xem diễn biến thời sự.

Chiến hạm Trung Quốc tập trận bắn đạn thật trên Biển Đông hồi Tháng Sáu, 2021. (Hình: ChinaMil)

Tuần trước, Phó Tổng Thống Mỹ Kamala Harris đến Hà Nội kêu gọi CSVN liên tay với Washington chống lại các trò “bắt nạt” trên Biển Đông. Không có nguồn tin nào tiết lộ phản ứng của CSVN đối với đề nghị đó. Người ta chỉ thấy guồng máy tuyên truyền của chế độ đưa tin Thủ Tướng Phạm Minh Chính cam kết với Đại Sứ Trung Quốc Hùng Ba là CSVN “không liên minh với nước này để chống nước khác.”

Ngày 22 Tháng Giêng, Trung Quốc thông qua Luật Hải Cảnh mới, cho phép lực lượng này bắn tàu nước ngoài gây phẫn nộ trong dư luận quốc tế. Hà Nội cho phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao lặp lại lời tuyên bố không hề thay đổi bao năm qua là “Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.”

Tảng lờ các lời phản đối của CSVN, tàu Hải Cảnh, tàu khảo sát và tàu “dân quân biển” Trung Quốc vẫn ngang nhiên hoạt động trên các vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam. CSVN nhiều lần phải hủy bỏ các hoạt động dò tìm dầu khí trên thềm lục địa vì bị Bắc Kinh đe dọa. (TN) [qd]

MỚI CẬP NHẬT