Thursday, April 25, 2024

Trung Quốc xây đập chặn dòng Mekong để trữ nước

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Trung Quốc vẫn đang tiếp tục xây dựng nhiều đập thủy điện trên dòng Mekong, nhưng không phải để khai thác nguồn điện mà tính toán cho việc trữ nước trong vài thập niên tới.

Theo báo The Leader của Hội Các Nhà Quản Trị Doanh Nghiệp Việt Nam, đập Tiểu Loan (Xiaowan) ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, gây choáng ngợp với công suất 4,200MW lớn thứ ba thế giới và trở thành đập thủy điện lớn nhất trên sông Mekong.

Không chỉ có con đập này, hàng loạt đập thủy điện khác đã và đang được Trung Quốc tiếp tục xây dựng tại khu vực sông Mekong. Tại thượng nguồn, 11 đập đã được hoàn thành trong tổng số 19 đập.

Điều đáng chú ý là mặc dù các đập thủy điện nổi lên với công suất phát điện cực lớn, nhưng lượng điện được tạo ra lại không được Trung Quốc sử dụng. Vậy Trung Quốc xây đập thủy điện để làm gì?

Tại hội thảo “Tác động từ những chính sách của Trung Quốc đối với sông Mekong,” do chương trình nghiên cứu Kinh Tế Trung Quốc, thuộc Viện Nghiên Cứu Kinh Tế và Chính Sách, phối hợp cùng Viện Friedrich Naumann Việt Nam tổ chức ngày 8 Tháng Mười tại Hà Nội, ông Brian Eyler, giám đốc Chương Trình Đông Nam Á thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Stimson (Hoa Kỳ), cho biết năm 2018, có tình trạng lãng phí điện tại các đập thủy điện của Trung Quốc trên thượng nguồn.

Tại tỉnh Vân Nam, lượng điện “bỏ không” thậm chí còn gấp đôi sản lượng điện tiêu thụ của toàn Thái Lan. Những nhà máy nằm tại khu vực đường bờ biển của Trung Quốc không sử dụng lượng điện trên mà lại dùng điện than thay thế.

“Vì sao Trung Quốc vẫn xúc tiến kế hoạch xây đập? Tôi cho rằng Bắc Kinh đang muốn tích trữ nước cho tương lai,” ông Eyler nhận định.

Ông Eyler suy luận rằng, việc xây thêm các đập nhằm mục tiêu tích trữ nước cho lục địa này, bởi theo dự đoán trong khoảng ba thập kỷ tới, Trung Quốc có thể đối mặt với tình trạng thiếu nước ngọt từ băng tan trên dãy Himalaya do cạn dần.

Báo VNExpress cho biết, dự kiến có khoảng 374 đập thủy điện sẽ được xây dựng tại hạ nguồn sông Mekong, trong đó có hơn 300 đập tại Lào. Trung Quốc và Thái Lan sẽ tham gia với tư cách nhà đầu tư tại các dự án này.

Cồn cát lộ ra trên sông Mekong đoạn chảy qua Thái Lan do mực nước xuống thấp. (Hình: Chiang Rai Times)

Ông Brian Eyler nhấn mạnh: “Các đập thủy điện dọc sông Mekong không chỉ cắt giảm lượng nước chảy xuống hạ nguồn mà còn khiến giảm dòng phù sa, giảm luồng cá di cư cũng như làm mất tính đa dạng sinh học của dòng sông.”

Mặc dù những dòng chảy sẽ kết thúc tại Việt Nam, nhưng một viễn cảnh khác sẽ diễn ra nếu Trung Quốc tiến hành khơi nguồn nước chảy sang sông Dương Tử. Khi đó, tại Đồng Bằng Sông Cửu Long, việc thiếu nước từ thượng nguồn, thiếu phù sa bù đắp cùng với xâm nhập mặn của nước biển gia tăng sẽ dẫn đến tình trạng bị thu hẹp diện tích. Ước tính cứ một mét nước biển dâng sẽ làm mất 30% diện tích đất.

“Tôi dự báo Đồng Bằng Sông Cửu Long sẽ còn mất nhiều đất,” ông Eyler nói với báo VNExpress.

Trước tình trạng trên, ông Eyler gợi ý cơ chế Lan Thương-Mekong cần được sử dụng để bàn về điều tiết nước từ thượng nguồn xuống hạ nguồn. Theo đó, Việt Nam có thể hợp tác với Lào và Cambodia điều chỉnh theo hướng giảm số lượng đập thủy điện.

Trong khi Thái Lan không tham gia hợp đồng xây mới hay mua điện từ Lào và Cambodia, thì Việt Nam trở thành khách hàng chính. Từ đó có thể “đặt hàng” để Lào và Cambodia phát triển các năng lượng sạch khác như năng lượng mặt trời, năng lượng gió, hóa sinh.

Đề cập đến việc Việt Nam có Nghị Quyết 120 về “phát triển bền vững Đồng Bằng Sông Cửu Long” hồi năm 2017, ông Eyler cho rằng Việt Nam nên chú trọng hợp tác với các nước lớn trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản… để phát triển các sản phẩm nông nghiệp có giá trị cao.

“Khi thành công với các mô hình kinh tế đó, các nước như Lào, Cambodia, Myanmar sẽ chú ý đến hợp tác với Việt Nam,” ông Eyler nói.

Nói với báo chí Việt Nam tại hội thảo về “Động Thái Tài Nguyên Nước Và Xâm Nhập Mặn Trong Điều Kiện Sụt Lún Đồng Bằng Sông Cửu Long,” diễn ra ở Cần Thơ hôm 8 Tháng Mười, ông Đỗ Đức Dũng, viện trưởng Viện Quy Hoạch Thủy Lợi Miền Nam, cho biết những thách thức đặt ra cho vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long không hề nhỏ, phù sa từ thượng nguồn sụt giảm, khai thác cát, xói lở bờ sông, bờ biển và suy thoái lòng đất diễn ra ngày càng nghiêm trọng.

Theo dự báo đến năm 2050, khoảng 60% diện tích của bán đảo Cà Mau sẽ thấp hơn mực nước biển. “Ngoài nguyên nhân chính là do chính quyền Việt Nam thả nổi việc khai thác nước ngầm, gây ra ngập úng, xâm nhập mặn, suy thoái đất… thì việc xây hàng loạt các đập thủy điện chặn dòng chảy tự nhiên của sông Mekong từ phía Trung Quốc đã gây ra tác động không nhỏ.” (Tr.N)

MỚI CẬP NHẬT