Tuesday, March 19, 2024

VTV bị chỉ trích vì để hàng triệu người ‘coi cọp’ đá banh ASIAD 2018

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Cộng đồng mạng Việt Nam đang dấy lên làn sóng chỉ trích Đài Truyền Hình Quốc Gia VTV “ăn tiền thuế của dân nhưng để hàng triệu người phải coi cọp các trận đá banh ASIAD (Á Vận Hội) 2018.”

Lâu nay, VTV vẫn được coi là kênh chính thức phát sóng tại Việt Nam các trận đấu bóng tròn quốc tế, từ các giải tầm khu vực Châu Á đến World Cup.

Thế nhưng lần này, giải đấu ASIAD 2018 đang diễn ra tại Indonesia và có đội tuyển Olympic Việt Nam tham dự nhưng người ta cho rằng VTV không chi tiền mua bản quyền để phát sóng.

Do vậy, bỗng nhiên hàng triệu người hâm mộ bóng đá và đội tuyển Olympic Việt Nam phải lên mạng xã hội để coi cọp các trận đấu của đội nhà được truyền hình trực tiếp qua kênh Xoilac.tv.

Vào lúc cao điểm phát sóng các trận có đội Việt Nam thi đấu, kênh này được ghi nhận thu hút hơn 300,000 lượt người xem trực tuyến. Không rõ kênh này lấy nguồn phát sóng ở đâu, nhưng chắc chắn họ không phải là kênh chính danh có bản quyền phát sóng các trận đấu của giải nêu trên.

Theo báo điện tử Dân Việt, hôm 30 Tháng Bảy, 2018, VTV chính thức công bố không mua bản quyền phát sóng các trận đá banh ASIAD 2018 vì giá bán do phía đối tác KJSMWORLD Corp, công ty có trụ sở tại Nam Hàn – “quá cao.”

“Công ty KJSMWORLD hét một giá ‘siêu đắt’ lên đến vài triệu đô la, chưa kể các chi phí khác như là phí đường truyền, khiến nhóm đàm phán của VTV choáng váng. Nhà đài VTV quyết không mua giá cao, không chịu bị ép giá, để tránh tạo tiền lệ xấu cho việc đàm phán bản quyền sau này,” tờ báo viết.

Cũng liên quan đến vụ này, hồi Tháng Sáu, 2018, VTV gây xôn xao khi nhận $5 triệu tài trợ từ Tập Đoàn Vingroup để VTV mua bản quyền World Cup.

Tại Việt Nam, VTV không còn là kênh phát hình miễn phí, vì người dân phải trả tiền dịch vụ truyền hình cáp để xem các kênh của đài này. Mặt khác, VTV không phải là doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ truyền hình mà được định danh là “đơn vị sự nghiệp có thu, thực hiện nhiệm vụ chính trị.” Nhà đài này hoạt động dựa trên sự khai thác hạ tầng, thiết bị, tài nguyên của nhà nước và đội ngũ nhân lực do nhà nước trả lương.

Nhà báo độc lập Trương Duy Nhất ở Đà Nẵng bình luận trên trang Facebook cá nhân: “Trở thành một hiện tượng những ngày qua, ‘Xôi Lạc TV (Xoilac.tv),’ kênh truyền hình tự tạo trên YouTube, Facebook, với chất lượng không thua kém VTV. Thậm chí, phong cách và tư duy bình luận của các chàng Xôi Lạc đem đến cho người xem nhiều cảm tình và sự hứng khởi, hơn là nỗi ức chế, khó chịu từ những ‘hội đồng bình loạn’ trên VTV.”

“Nếu chỉ tính đếm vào lợi ích… quảng cáo để lắc đầu, không phục vụ nhu cầu được xem của dân chúng, thì VTV đã thực sự tự biến mình thành một ‘con buôn’ đúng nghĩa. Ngay cả cái tư duy ‘con buôn’ đó, cũng rất hạ cấp. Nếu là một đài (doanh nghiệp) cổ phần, VTV sẽ chết tươi sau vài nốt nhạc.

Ngẫm sang một nghĩa khác, sẽ thấy sự nhạy cảm chính trị và ý thức truyền thông của VTV là cực dốt, ở mức zero, với vai trò và tư thế của họ là đài truyền hình quốc gia, ôm sóng quốc gia,” ông Trương Duy Nhất viết. (T.K.)

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT