Wednesday, May 15, 2024

Ăn vặt trên vỉa hè Sài Gòn: ‘Nào phải cao sang mới gọi là’

Văn Lang/Người Việt

SÀI GÒN (NV) – Nhắc tới “bức tranh toàn cảnh ẩm thực” ở Sài Gòn, mà quên nhắc tới thú vui “ăn vặt” từ những quán nhậu “cóc” trên vỉa hè là một thiếu sót vô cùng lớn

Quán xá,  nhà hàng cao sang, dĩ nhiên có những thứ thuộc hàng “cao lương mỹ vị.” Nhưng tranh chức “đệ nhất khoái khẩu,” chưa chắc quán cóc vỉa hè đã chịu… lép vế.

Nhiều món mới chỉ nhắc tên thôi đã thấy… thèm. Và hơn thế nữa, người ăn có thể thong thả thưởng thức mỗi thứ một ít, chẳng những nóng hổi, thơm ngon mà không hề bị ngán như trong nhà hàng, khi nhiều món dọn ra… ê hề.

Đầu tiên khi ngồi vô quán cóc vỉa hè; quý ông, quý bà, quý cô, quý cậu hay là các quý… em nhỏ đều có thể thong thả thưởng thức món “khai vị” là món hột vịt lộn. Là vì, các quán cóc – nhậu, dọn ra buổi ban chiều bao giờ cũng có một nồi hột vịt lộn đã luộc sẵn nóng hôi hổi. Nhất là trong bối cảnh chiều hôm, khi nắng vừa tắt, đèn đường vừa lên, mưa bay lất phất, lại thêm “cơn gió hoang vu, thổi buốt… xuân thì…” Thì thôi, cha chả – Coi chừng nóng phỏng tay, khi háu ăn mà vội vàng bóc lớp vỏ trên đầu trái hột vịt.

Nhiều người đã ăn hột vịt lộn nhiều lúc, nhiều nơi… Nhưng để ăn cho đúng cách, nghĩa là cho đầu hột vịt đặt vô cái “chung” nhỏ sao cho đúng đầu, trước khi dùng cái muỗng nhỏ để “khỏ” nhè nhẹ. Không ít người cười khẩy mà cho rằng: Đầu nào mà chẳng được, trước sau cũng vô bụng.

Hột vịt lộn 7 ngàn đồng/1 trứng; Bò bía 3 ngàn đồng/1 cái; Xoài sống 10 ngàn đồng/1 trái. (Hình: Văn Lang/Người Việt)

Đặt đầu nhỏ xuống dưới (thế mới vững), đầu to lên trên, vì khi khỏ vỏ xong thì cũng dễ dàng cho chiếc muỗng nhỏ vô để thong thả thưởng thức. Dĩ nhiên là nhâm nhi cùng với chút muối tiêu chanh, vài ba cọng rau răm… Đúng là “nghề ăn cũng lắm… công phu.” Lai rai vỉa hè phải thong thả mới thú, hột vịt lộn đi cùng ly rượu đế, rượu thuốc, chai bia Sài Gòn đều được. Quý cô, quý em nhỏ thì có thể dùng với xá-xị hay ly trà đá, cũng “hổng sao.”

Thủa cách đây chưa lâu, sò huyết là món ngon, bổ, rẻ lại dễ chế biến nên được nhiều người đưa vô danh sách “thú lai rai” khi ngồi  ăn-nhậu nơi quán cóc vỉa hè. Nay thì món sò huyết trở thành món đắt tiền, nên nhiều quán cóc vỉa hè phải thay bằng món sò lông nướng. Dù trước kia sò lông là món ít ai ăn, không phải vì không ngon mà do mất công làm, trong khi sò huyết thì không biết làm sao… ăn cho hết.

“Cái khó ló cái… khôn!,” thời người đông của hiếm. Nên món sò lông nướng dần được thực khách nơi vỉa hè tận tình chiếu cố.

Con sò lông được tách vỏ ra, giữ lại cái vỏ bên dính với thịt sò, đặt lên bếp than hồng nướng cho tới khi vỏ cháy sém, bốc mùi thơm. Rưới lên thịt sò một chút mỡ hành đã phi thơm, rắc lên đó vài ba hột đâu phọng rang đã được đập dập. Dĩa sò lông nướng mà bà chủ quán khéo tay, hiếu khách mới đưa ra, mới chỉ nhìn thôi mà thực khách đã… tứa nước miếng.

Trong khi chờ nướng sò, một con khô mực được “lật qua, lật lại” trên bếp lửa hồng. Rồi được đặt lên thớt gỗ, dùng chày đập dập, cho ra dĩa. Thực khách tự tay xé mực nướng, chấm với tương ớt để đưa cay, lai rai cho câu chuyện thêm phần rôm rả. Những cô, cậu nhỏ được cưng lắm thì mới cho theo… phá mồi. Nhiều khi các cô, cậu bé con vừa trệu trạo nhai cái râu mực vừa “thó” được trong dĩa mồi của cha, lại chảy nước mắt vì “bày đặt” học đòi quẹt tí tương ớt…

Nồi ốc bươu hấp sả, 30 ngàn đồng/1 nồi. (Hình: Văn Lang/Người Việt)

Chưa hết, để “đưa cay”cho quý ông hay “đưa ngọt” cho quý cô, quý bà, quý em…Mấy quán nhậu-cóc vỉa hè không quên đưa ra dĩa xoài sống chấm muối ớt. Vừa ăn vừa hít hà trong cái thú cay cay, chua chua, rồi chẳng mấy chốc dĩa xoài giòn ngon ngọt-chua thanh, đã vội… bốc hơi, bởi những bàn tay gân guốc gầy guộc, cũng như thon thả nuột nà.

Nói tới thú vui ăn vặt, nơi quán nhậu-bình dân kiểu quán cóc mà quên nhắc tới “kính thưa các loại ốc” thì đúng là chưa phải là dân chơi… vỉa hè.

Ốc thì có các loại ốc, ốc gạo, ốc đắng… nhưng có lẽ không gì bằng dĩa ốc len xào dừa.

Ốc len xào dừa, tay bốc kê lên miệng, “nút” đến “chụt” một cái, vị ngon vị béo khoái khẩu tới tận tì-vị-tâm-can. Món này có thể nói ngay tới cao lương mĩ vị chốn nhà hàng chưa chắc sánh bằng.

Có khi để thay đổi chút khẩu vị, thì dĩa ốc bươu hấp chung với xả dọn ra còn bốc khói.

Những con ốc bươu to mập, được khều ra khỏi vỏ, chấm ngập trong chén nước mắm gừng, hòa cùng vị thơm của chanh, vị cay của ớt xay thì tha hồ mà hít hà, chảy nước mắt trong vị của ly rượu thuốc thơm lừng.

Không chỉ là hương vị của các loại ốc, mà quán nhậu-cóc-vỉa hè còn vô số hương vị của các loại khô.

Dĩa nghêu hấp sả nóng hổi thơm lừng, nơi quán vỉa hè chỉ 30 ngàn đồng/1 dĩa. (Hình: Văn Lang/Người Việt)

Như khô cá đuối, khô cá khoai… nướng lên thơm lừng, đập dập chấm với chén nước mắm me “ngào”ớt. Chưa nếm mà nghe lòng đã… say.

Kể hoài, thì e rằng biết khi nào… dứt. Thôi thì “gút” lại bằng dĩa nghêu hấp xả.

Nghêu hấp xả, thong thả dùng chính vỏ còn chứa nguyên “trự” nghêu trắng nuột, múc trong chén nước mắm ớt-chua-ngọt. Đưa lên miệng như là húp một muỗng canh, thì cảm nhận được tất cả mùi vị hỗn hợp của vị béo-ngọt của thịt nghêu, chua cay của ớt chanh đường,vị thơm của xả, của gừng… Mới thấy rằng thiên nhiên ưu đãi con người của một vùng đất, có biển, có sông, có ao, có hồ. Lại được tiền nhân chắt chiu bao kinh nghiệm chế biến nhưng món ăn ngon lưu truyền lại cho con cháu đời đời.

Ăn rồi, bụng thì no say mà khi tính tiền “hầu bao” xem ra cũng chẳng hao là mấy. Vì cái hột vịt lộn chỉ 6-7 ngàn đồng/1 hột; trái xoài 10 ngàn, dĩa nghêu, dĩa ốc, con khô thì cũng không món nào quá 30 ngàn đồng/1 món. Chai bia chưa tới 10 ngàn, xị rượu cũng chỉ 5-7 ngàn/1 xị…

Trả tiền xong, đứng lên “vuốt bụng,” có thể còn cảm khái trong men say là là, mà “lẩy” một câu Kiều: “Nào phải cao sang mới gọi là!” (Văn Lang)   

MỚI CẬP NHẬT