Wednesday, May 15, 2024

Việt Nam cân nhắc kiện Trung Quốc về Biển Đông ra tòa quốc tế

WASHINGTON, DC (NV) – Việt Nam sẽ cân nhắc kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế về một loạt vụ đụng độ ở Biển Đông nếu nỗ lực ngoại giao thất bại, đài VOA dẫn lời các chuyên gia cho hay hôm Thứ Tư, 26 Tháng Tám.

Trong sáu năm qua, Trung Quốc đặt giàn khoan dầu trong vùng biển đang tranh chấp, còn Việt Nam bắt đầu thăm dò tài nguyên dưới biển ở những nơi mà Bắc Kinh xem là nhạy cảm.

Tàu Việt Nam bám theo tàu Trung Quốc gần giàn khoan Hải Dương mà Trung Quốc đặt ở vùng biển tranh chấp năm 2014. (Hình minh họa: Hoang Dinh Nam/AFP via Getty Images)

Hồi Tháng Tư, tàu khảo sát Trung Quốc đâm chìm tàu đánh cá của Việt Nam. Hà Nội tuyên bố chủ quyền đối với Quần Đảo Hoàng Sa ở Biển Đông, mặc dù Bắc Kinh kiểm soát quần đảo này từ những năm 1970 đến nay.

Philippines, quốc gia tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc đối với một số nơi khác ở Biển Đông, thắng kiện ở tòa án quốc tế năm 2016. Tòa xác nhận Trung Quốc không có cơ sở pháp lý khi giành chủ quyền khoảng 90% vùng biển giàu tài nguyên này, bao gồm một số nơi phía Đông Việt Nam. Trung Quốc bác bỏ phán quyết của tòa và vẫn giữ quan điểm của họ, nhưng sang năm 2017, tìm cách cải thiện quan hệ kinh tế ở Đông Nam Á.

“Theo tôi, với Việt Nam, có lẽ kiện là một trong những cách dễ chấp nhận hơn,” theo ông Derek Grossman, chuyên gia phân tích của viện nghiên cứu Rand Corp. ở Mỹ.

Ông Grossman nói, mỗi lần Trung Quốc tấn công Việt Nam ở Biển Đông xong, “họ cảm thấy rất rất hối tiếc, rồi bắt đầu nghĩ cách tránh xảy ra trường hợp tương tự.”

Việt Nam và Trung Quốc đụng độ với nhau về Biển Đông cũng như biên giới trên bộ nhiều chục năm nay, khiến quan hệ giữa hai bên căng thẳng. Vụ Trung Quốc đặt giàn khoan dầu ở Biển Đông năm 2014 bị người dân Việt Nam biểu tình rầm rộ.

Tại hội nghị quốc tế Tháng Mười Một năm ngoái, ông Lê Hoài Trung, thứ trưởng Bộ Ngoại Giao Việt Nam, cho hay kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế là một trong những biện pháp mà Việt Nam đang nghiên cứu. Năm nay, Việt Nam thuê nhóm chuyên gia luật biển quốc tế để cố vấn cho chính phủ.

Ông Grossman cho biết, trong năm nay, ông nghe một giới chức Việt Nam nói chính phủ nước này đang dự tính kiện Trung Quốc.

Chủ Nhật vừa qua, bộ trưởng ngoại giao hai bên gặp gỡ nhau nhân kỷ niệm hiệp ước biên giới song phương, cho thấy nỗ lực ngoại giao vẫn còn, theo ông Nguyễn Thành Trung, giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Tế thuộc Đại Học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn ở Sài Gòn.

“Theo tôi, họ vẫn muốn dựa vào cơ chế song phương lẫn đa phương để giải quyết tranh chấp giữa hai nước,” ông Trung nhận xét.

Biểu tình ở Bình Dương chống Trung Quốc đặt giàn khoan dầu ở vùng biển tranh chấp năm 2014. (Hình minh họa: VNExpress/AFP via Getty Images)

Việt Nam có lẽ sẽ chứng tỏ họ không còn sử dụng được con đường ngoại giao nữa mới làm đơn kiện, theo Giáo Sư Carl Thayer, chuyên gia Đông Nam Á của University of New South Wales ở Úc. Hà Nội cũng sẽ chờ đến “thời cơ chín muồi,” ông nói.

Với Việt Nam, làm đơn kiện sẽ rất phù hợp nếu Trung Quốc công bố vùng phòng không trên Biển Đông, vì như vậy cũng đe dọa hoạt động của các quốc gia Á Châu khác.

Tuy nhiên, con đường ngoại giao “ngày càng không hiệu quả” vì “Trung Quốc không chịu lắng nghe,” theo Giáo Sư Alexander Vuving của Trung Tâm Nghiên Cứu An Ninh Á Châu-Thái Bình Dương Daniel K. Inouye ở Hawaii. Về quân sự thì Việt Nam không thể địch lại Trung Quốc, ông cho biết thêm.

“Do đó, Việt Nam không còn nhiều biện pháp để lựa chọn,” ông Vuving nói.

Việt Nam phải thật cẩn trọng khi kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế vì một số thực thể mà Việt Nam kiểm soát ở Quần Đảo Trường Sa là quá nhỏ, không đủ điều kiện để thiết lập vùng đặc quyền kinh tế xung quanh, các chuyên gia cảnh báo.

Nếu bị kiện, Trung Quốc sẽ phẫn nộ, theo ông Trung. Bắc Kinh có thể sẽ giảm quan hệ kinh tế và trở nên hung hăng hơn với Việt Nam trên biển, các chuyên gia nhận xét.

Theo Công Ước Luật Biển Liên Hiệp Quốc (UNCLOS), cơ sở để kiện ra tòa án quốc tế, không bên nào bị buộc phải thi hành phán quyết của tòa.

Tuy nhiên, ASEAN có thể dùng phán quyết có lợi cho Việt Nam để ép Trung Quốc tuân thủ, Giáo Sư Thayer, cho hay. Các “cường quốc biển” bên ngoài, như Mỹ và Nhật, sẽ dùng phán quyết đó làm cơ sở pháp lý để phản đối Trung Quốc, theo ông Thayer. (Th.Long) [qd]

MỚI CẬP NHẬT