Friday, April 26, 2024

Việt Nam hoãn điện hạt nhân vì sợ thảm họa giống Nhật Bản

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Việt Nam bỏ kế hoạch xây dựng điện hạt nhân hồi năm ngoái vì sợ hậu quả có thể xảy đến tương tự như thảm họa đã xảy ra tại Fukushima bên Nhật Bản hồi năm 2011.

“Tình hình thế giới đã thay đổi”. Ông Trương Tấn Sang, cựu chủ tịch nước CSVN năm nay 68 tuổi, nói với báo Nhật Japan Times trong cuộc phỏng vấn tại Sài Gòn hôm Thứ Năm tuần qua.

‘Vì sự thay đổi của tình hình thế giới, người Việt Nam rất âu lo, đặc biệt là những người dân khu vực có nhà máy điện hạt nhân. Họ phản ứng. Do vậy, chúng tôi phải tạm hoãn kế hoạch điện hạt nhân.’

Đây là cuộc phỏng vấn đầu tiên mà ông dành cho báo chí ngoại quốc sau khi không còn ngồi ở ghế chủ tịch nước, thay thế bởi ông đại tướng công an Trần Đại Quang từ Tháng Tư năm 2016.

Hồi tháng 11 năm ngoái, nhà cầm quyền Việt Nam loan báo đình hoãn kế hoạch tiến hành dự án điện hạt nhân đầu tiên tại tỉnh Ninh Thuận và do công ty Nga xây dựng, lấy cớ kẹt tiền vốn. Dịp đó, nhà cầm quyền nói rằng vấn đề an toàn của nhà máy không phải là lý do chính để đình hoãn.

Dự án điện hạt nhân của Việt Nam đã bị lùi lại rất nhiều lần từ hơn chục năm qua. Tháng 6-2016, hãng thông tấn Nga Tass cho hay ông Hoàng Anh Tuấn, cục trưởng Cục Năng Lượng Nguyên Tử của Việt Nam nói với báo Vietnamnet là, nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam sẽ bắt đầu khởi công khoảng 2022 hay 2023. Đến lời loan báo cuối năm thì không biết đến bao giờ.

Tuy nhiên, ngày 31 tháng 5, 2016, hãng tin Sputnik của Nga cho hay tập đoàn công nghệ hạt nhân quốc doanh Rosatom “có kế hoạch hoàn thành xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam vào năm 2027,” theo lời phó tổng giám đốc tập đoàn là Kirill Komarov cho biết tại cuộc hội thảo “Atomexpo-2016.”

“Từ quan điểm của chúng tôi, dự án đang tiến triển chậm hơn so với khả năng có thể tiến hành. Năm ngoái đã hoàn tất nghiên cứu tính khả thi của dự án. Hiện tại kế hoạch đang được chính phủ Việt Nam xem xét,” Sputnik dẫn lời ông Komarov.

Ông này cũng biết rằng ban đầu nhà máy dự định bắt đầu vận hành vào những năm 2021-2022 và bây giờ hoãn lại đến giai đoạn 2027-2028. Theo dự trù ban đầu, nhà máy điện hạt nhân đầu tiên với hai tổ máy công suất 2,000MW bắt đầu khởi công vào năm 2014 để hoàn tất và bắt đầu phát điện vào năm 2020. Phần lớn tốn phí xây dựng sẽ do Nga cấp tín dụng khoảng $8 tỷ.

Những năm gần đây đều có những tin tức lùi thời gian xây dựng vì nhiều lý do từ thiếu chuyên viên đủ trình độ điều hành nhà máy điện đến vấn đề an toàn nếu chẳng may xảy ra tai nạn bên cạnh là khả năng tài chính. Thảm họa xảy ra tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima năm 2011 ở Nhật Bản được dùng như một thí dụ để cảnh tỉnh.

Đầu năm 2014 thì có tin dự án điện hạt nhân đầu tiên được dời khởi công xây dựng đến năm 2020. Nhưng đến ngày 30 tháng 8, 2015, báo Doanh Nghiệp Việt Nam lại nói: “Dự kiến Việt Nam sẽ có nhà máy điện hạt nhân đầu tiên hoạt động vào khoảng năm 2023, cung cấp thêm cho nguồn điện ít nhất là 10,000 Mgw với sự giúp đỡ của liên bang Nga,” báo này nói: “Cục Quản Lý Giá (Bộ Tài Chính) dẫn thông tin từ Bộ Công Thương cho biết như thế.

Chuyên viên của công ty điện xây dựng một lớp tường bằng nước đá để ngăn chặn nước nhiễm phóng xạ từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima chảy xuống biển sau tai nạn năm 2011. (Hình: Getty Images)

Ngày 3 tháng 7, 2015, liên doanh ASE-NIAEP trực thuộc Tập Đoàn Năng Lượng Nguyên Tử Quốc Doanh của Nga (ROSATOM) và Tập Đoàn Điện Lực Việt Nam (EVN) đã ký kết thỏa thuận khung cho việc thực hiện giai đoạn đầu xây dựng Nhà Máy Điện Hạt Nhân Ninh Thuận 1. Thỏa thuận này quy định về việc xây dựng 2 tổ máy của Nhà Máy Điện Hạt Nhân Ninh Thuận, với công suất của mỗi tổ máy đạt 1,200 MW.

Nhiều chuyên viên điện hạt nhân từng khuyến cáo Việt Nam không nên làm điện hạt nhân vì vừa quá tốn kém so với các loại nhà máy điện phi hạt nhân, vừa quá nguy hiểm. Sau thảm họa xảy ra tại Nhật Bản, nhiều nước tại Âu Châu có nhà máy điện hạt nhân đã loan báo sẽ từ từ loại bỏ các nhà máy này để sản xuất năng lượng từ các nguồn khác, gồm cả gió đến mặt trời.

Nhưng tạp chí ‘Khám Phá’ của Sở Khoa Học Công Nghệ ở Sài Gòn ngày 26 tháng 4, 2016 lại cả quyết “Xây dựng điện hạt nhân là bước đi cần thiết của Việt Nam nhằm đảm bảo an ninh năng lượng cho quá trình phát triển.” Tạp chí này nói: “Đó là chia sẻ của nhiều đại biểu tại hội thảo truyền thông phát triển điện hạt nhân và ứng dụng năng lượng nguyên tử do Cục Năng Lượng Nguyên Tử phối hợp cùng Viện Nghiên Cứu Hạt Nhân Đà Lạt tổ chức ngày 26 tháng 4, 2016.

Ngày 6 tháng 9, 2013, đài BBC phỏng vấn Giáo Sư Nguyễn Khắc Nhẫn, nguyên cố vấn chiến lược Tập Đoàn Điện Quốc Gia Pháp (EDF) được ông nêu ý kiến rằng nếu có một tai nạn điện hạt nhân tại Ninh Thuận thì nước Việt Nam “bị cắt làm đôi.”

Ông cũng cảnh báo Việt Nam có thể sẽ phung phí hàng chục, hàng trăm tỷ đô la mà không đem lợi ích gì cho đất nước trong khi sẽ để lại cho hàng chục thế hệ con cháu nguồn chất thải phóng xạ mà theo ông “ngàn đời vẫn còn nguy hiểm.” (TN)

MỚI CẬP NHẬT