Friday, April 26, 2024

Việt Nam và Indonesia muốn phân định nhanh chóng ranh giới biển

JAKARTA, Indonesia (NV) – Việt Nam và Indonesia đồng ý tiến hành nhanh chóng việc phân định ranh giới biển và đưa ra các hướng dẫn để tránh những vụ bắt giữ ngư dân bị cáo buộc là khai thác thủy sản bất hợp pháp.

Thông Tấn Xã Việt Nam trích dẫn một câu vắn tắt nói rằng, “Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp Tổng Thống Indonesia Joko Widodo bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN tại Bangkok tuần lễ vừa qua.”

Không có câu chữ nào nói hai bên có thảo luận gì, nhưng báo Jakarta Post hôm 24 Tháng Sáu, 2019, thuật lời Ngoại Trưởng Retno LP Marsudi nói hai bên đã đồng ý tăng tốc các cuộc đàm phán về phân định các vùng đặc quyền kinh tế trên biển (EEZ – Exclusive Economic Zone).

“Cuộc đàm phán đã kéo dài quá lâu nên hai nhà lãnh đạo xác nhận nên nỗ lực tiến hành nhanh để giải quyết, nếu không chúng ta sẽ còn thấy những tai nạn như đã từng xảy ra.” Lời bà Ngoại Trưởng Marsudi nói với báo Jakarta Post.

Phân định vùng đặc quyền kinh tế trên biển là một trong 5 vấn đề đàm phán biên giới mà Indonesia thảo luận với nước láng giềng, đến nay vẫn chưa đạt thỏa thuận nào. Việt Nam và Indonesia từng ký thỏa thuận phân định vùng thềm lục địa giữa hai nước từ năm 2003 sau 30 năm đàm phán.

Một trong những khu vực bất đồng ý kiến là vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn ở gần nhóm đảo Natuna của Indonesia. Hai năm trước, Indonesia đã đổi tên vùng biển gần Natuna thành biển Bắc Natuna trong chủ trương khẳng định chủ quyền trên Biển Đông. Do quan điểm vận dụng nguyên tắc phân định biển và điểm cơ sở để tính chiều rộng lãnh hải khác nhau nên giữa Indonesia và Việt Nam tồn tại một vùng chồng lấn khoảng 98,000 km2.

Cuối Tháng Tư, 2017, phía Việt Nam nói tàu Hải Quân Indonesia đã bắt giữ trái phép 12 ngư dân Việt Nam trong khi đang khai thác thủy sản trong vùng biển Việt Nam. Nhưng phía Indonesia thì cáo buộc rằng tàu Cảnh Sát Biển Việt Nam đã lao vào đâm tàu tuần biển của họ làm áp lực cứu ngư dân trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Indonesia.

Trong khi chờ kết quả từ các đàm phán chính thức, giới chuyên viên cho rằng hai nước nên thiết lập những quy tắc tạm thời để đối phó với các hoạt động tại khu vực đang có những tuyên bố EEZ chồng lấn, theo Jakarta Post.

Việt Nam cũng có những quy định, luật lệ cho ngư dân khai thác thủy sản trên biển. Nhà cầm quyền Việt Nam buộc ngư dân khi đánh bắt ở vùng biển phía Đông và phía Tây Nam bộ “không vượt quá ranh giới trên sơ đồ hoặc vào vùng biển nước khác, trừ trường hợp Việt Nam có thỏa thuận với các nước đó. Các tàu cá đánh bắt theo hình thức liên doanh với nước ngoài phải mang đầy đủ các giấy tờ cần thiết do cơ quan có thẩm quyền cấp để xuất trình khi được yêu cầu.” Theo tạp chí Thủy Sản Việt Nam ngày 13 Tháng Mười Một, 2017.

Hàng ngàn ngư dân Việt Nam đã bị tàu tuần các nước trong khu vực, đặc biệt là Indonesia, Malaysia, Thái Lan, bắt giữ trong những năm qua. Nhiều ngư dân còn bị cáo buộc mang các giấy phép đánh cá giả mạo của nước họ.

Nhà cầm quyền CSVN cũng buộc các tàu đánh cá xa bờ phải gắn máy định vị để tránh xâm phạm các vùng biển của nước khác.

Theo quy định của ‘Luật Thủy Sản 2017’ có hiệu lực từ ngày 1 Tháng Giêng, 2019, tất cả tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên phải gắn thiết bị giám sát hành trình để quản lý trong quá trình khai thác thủy sản trên biển.

Đường phân định thềm lục địa Việt Nam-Indonesia. (Hình: Thủy Sản Việt Nam)

“Nghị định 26/2019/NĐ- CP của nhà cầm quyền Hà Nội có hiệu lực từ ngày 25 Tháng Tư, 2019, quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy Sản cũng quy định cụ thể về lộ trình lắp đặt hệ thống giám sát tàu cá. Theo đó, đối với tàu cá có chiều dài từ 24 m trở lên phải được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trước ngày 1 Tháng Bảy, 2019; tàu cá làm nghề lưới kéo, câu cá ngừ đại dương có chiều dài từ 15 m đến dưới 24 m phải được lắp đặt trước ngày 1 Tháng Giêng, 2020; tàu cá có chiều dài từ 15 m đến dưới 24 m phải được lắp đặt trước ngày 1 ThángTư, 2020,” theo tạp chí Thủy Sản Việt Nam.

Hơn 500 chiếc thuyền các nước đã bị chính phủ Indonesia ra lệnh đánh chìm, trong đó có 284 tàu đánh cá của cá Việt Nam kể từ Tháng Mười, 2014 đến nay, tức từ khi ông Widodo lên làm tổng thống, sau khi bị bắt với cáo buộc khai thác thủy sản lậu trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Indonesia.

Vụ mới nhất diễn ra ngày 4 Tháng Năm, 2019, Indonesia đã cho đánh chìm 51 tàu cá ngoại quốc bị nước này bắt giữ. Trong số này có 38 tàu của ngư dân Việt Nam, 6 tàu Malaysia, 2 tàu Trung Quốc và 1 tàu Philippines. Số còn lại là những thuyền có chủ người ngoại quốc nhưng treo cờ Indonesia.

Việc Indonesia đánh chìm một số lượng lớn tàu đánh cá ngoại quốc diễn ra chỉ một tuần sau cuộc đụng độ giữa lực lượng Hải Quân Indonesia với một số tàu kiểm ngư của Việt Nam tại vùng biển đặc quyền kinh tế (EEZ) chồng lấn chủ quyền giữa hai nước.

Theo báo chí Malaysia, chỉ trong vòng hai tuần lễ đầu Tháng Năm, 2019, Malaysia đã bắt giữ 123 ngư dân Việt với 25 chiếc tàu đánh cá bị cáo buộc khai thác thủy sản bất hợp pháp trong vùng biển đặc quyền nước họ.

Cơ quan Malaysian Maritime Enforcement Agency (MMEA) tương ứng với Cảnh Sát Biển của các nước, loan báo như trên về chiến dịch hoạt động kiểm soát trên các vùng biển đặc quyền kinh tế của nước họ từ ngày mùng 2 đến 16 Tháng Năm, 2019.

Chỉ trong khoảng thời gian ngắn ngủi hai tuần lễ, họ kiểm tra 226 tàu và bắt giữ 25 tàu, tất cả đều là của Việt Nam. Tất cả đều bị cáo buộc khai thác thủy sản trong vùng biển của họ mà không có giấy phép hợp lệ, tức đánh cá lậu. Số lượng tàu đánh cá Việt Nam bị bắt giữ nhiều hơn những gì người ta được biết cuối tuần trước.

Kể từ đầu năm ngoái cho đến giữa Tháng Năm này, như vậy, Malaysia đã bắt giữ tất cả 163 tàu đánh cá của Việt Nam trên đó có 1,258 ngư dân. Số tàu và ngư dân bị bắt khá lớn nhưng chỉ thấy báo chí trong nước đưa tin một vài vụ nên dư luận không nhìn thấy rõ tầm nghiêm trọng của vấn đề. (TN)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT