Friday, April 26, 2024

Vòi hối lộ vẫn cản trở đầu tư tại Việt Nam

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Tệ trạng vòi vĩnh hối lộ vẫn là rào cản làm giới đầu tư ngoại quốc nếu không chấp nhận, bỏ chạy khỏi Việt Nam, dù người ta muốn ôm tiền đến đây kinh doanh.

Ngày 6 Tháng Chín, 2019, trên mục “Góc Nhìn” của báo điện tử VNExpress, một bài viết của tác giả Ngô Trọng Thanh với tựa đề “Chữ ký triệu đô” đã lôi cuốn hàng trăm người viết bình luận. Cho tới ngày 8 Tháng Chín, 2019, tức chưa được bao lâu, đã có 321 người viết bình luận và 731 người “quan tâm.”

Ông Ngô Trọng Thanh thấy được giới thiệu là “chuyên gia marketing, giám đốc điều hành công ty Mancom” kể câu chuyện một người bạn của ông tên Alan Bess đến Việt Nam tìm cơ hội đầu tư sản xuất phụ tùng xe hơi, ông ta thấy vọng bỏ đi vì bị vòi hối lộ rất nặng nếu ông ta muốn có giấy phép đầu tư.

Alan Bess khoảng 60 tuổi, “nhiệt thành và khéo léo trên thương trường quốc tế,” “hiện là CEO một tập đoàn đa quốc gia chuyên sản xuất phụ tùng chi tiết cho máy ô tô đang có nhà máy lớn tại Trung Quốc.” “Bess bảo sẽ sang kiếm tìm cơ hội đầu tư và làm ăn lâu dài tại Việt Nam, và tôi – đồng nghiệp cũ được ông nhờ cậy để chọn nơi đặt nhà máy sản xuất,” ông Thanh kể trong bài viết.

Thế rồi sau vài tháng qua lại Việt Nam như con thoi, một chiều muộn, với giọng ỉu xìu, Bess cho tôi biết chính thức chấm dứt ý định đầu tư vào Việt Nam sau những cuộc thương thuyết dài. “Họ đòi bôi trơn, sao tao có thể chấp nhận điều này,” ông thở dài, “Thành thực mà nói, họ mới phải là người bôi trơn cho tao. Ít nhất, tao mang tiền, mang công việc, và mang thuế đến cho họ. Đúng không, hả Thanh?”

Sau khi nghe kể, ông Thanh viết ông “chẳng ngạc nhiên, vì đây không phải lần đầu tôi gặp tình huống này.”

Nói khác nhà nước CSVN luôn luôn tuyên truyền “trải thảm đỏ” đón giới đầu tư ngoại quốc mang tiền tới Việt Nam nhưng thực tế, dưới tấm thảm ấy là một rừng chông. Muốn bước qua, người ta phải lót bằng tiền.

Ông Thanh nói rằng: “Bess và bộ phận pháp lý của mình đã tham khảo không ít tài liệu về môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Ngày 29 Tháng Giêng năm nay, Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế công bố chỉ số cảm nhận tham nhũng (Corruption Perceptions Index – CPI) năm 2018. Theo đó, Việt Nam đạt 33/100 điểm, xếp hạng 117/180 toàn cầu, và Trung Quốc được 39 điểm, hạng 87/180. Điều đáng nói, cả 2 quốc gia đều tụt 10 hạng so với năm 2017, dù cuộc chiến chống tham nhũng đang diễn tiến ở cả hai quốc gia.”

Chỉ một ngày sau có bài viết “Chữ ký triệu đô,” hôm Thứ Bảy 7 Tháng Chín, 2019, tờ Lao Động đưa bản tin “Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến về đề nghị của Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư về việc triển khai thực hiện kết luận của Thủ Tướng Chính Phủ tại Thông báo số 274/TB-VPCP ngày 2 Tháng Tám, 2019.” Trong đó chế độ Hà Nội đòi “các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện nghiêm các nhiệm vụ tại Công điện 1042/CĐ-TTg ngày 21 Tháng Tám, 2019 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019; đồng thời, rà soát các khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai các dự án đầu tư trọng điểm, cấp bách thuộc lĩnh vực quản lý, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, đề xuất giải pháp tháo gỡ theo đúng thẩm quyền, báo cáo Chính phủ tại phiên họp thường kỳ hằng quý.”

Lệnh lạt thấy vẫn ra đều đều, báo chí thấy tường thuật các vụ bắt giữ đám quan tham ăn bẩn vẫn đầy ra, nhưng đó chỉ là “những đồng chí bị lộ.” Những “đồng chí chưa bị lộ” thì vẫn bình tĩnh ngồi đợi các con mỗi dẫn xác tới nạp mạng.

Trong số 321 độc giả bình luận về bài viết của ông Ngô Trọng Thanh, hầu như đều phẫn nộ và cảm ơn tác giả đã can đảm phơi bày mặt trái của chế độ vẫn đang như thế nào tại Việt Nam.

“Một thực tế chua xót, trong khi các mỹ từ: Trải thảm đỏ tích cực cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư… luôn được đưa ra,” độc giả Đức Lợi viết.

“Bài báo quá hay, cám ơn tác giả. Đọc đến đâu cay đắng đến đó… buồn quá…!”, độc giả canh nguyen viết.

“Cảm ơn anh Thanh đã viết bài này, anh viết về anh bạn Bess mà giống như anh viết về tôi vậy và chắc cũng giống rất nhiều người có tâm huyết kinh doanh khác. Tìm cái gì đó làm mà càng ít đụng tới quan chức càng tốt hoặc định cư ở môi trường khác,” độc giả Dê lang thang viết.

“Từ đầu đến cuối, chỉ cay đắng và chua xót cho nền kinh tế, cho người làm ăn, cho doanh nghiệp đàng hoàng,” độc giả Robert Tý viết.

“Cả dân tộc hãy cầu nguyện những kẻ tham nhũng bị tan biến đi có khi sẽ hiệu quả,” độc giả HHòa An viết. (TN)

MỚI CẬP NHẬT