Thursday, May 16, 2024

Vương Đình Huệ thăm Trung Quốc để ‘bảo vệ đảng, chế độ’

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – “Bảo vệ đảng, bảo vệ chế độ” là một trong các mục đích chuyến thăm Trung Quốc của ông Vương Đình Huệ, chủ tịch Quốc Hội Việt Nam, dự kiến từ ngày 7 đến 12 Tháng Tư.

Báo Thanh Niên hôm 5 Tháng Tư dẫn lời bà Lê Thu Hà, phó chủ nhiệm Ủy Ban Đối Ngoại của Quốc Hội Việt Nam, ca ngợi chuyến đi của ông Huệ.

Ông Vương Đình Huệ (trái), chủ tịch Quốc Hội Việt Nam, đón tiếp ông Tập Cận Bình, chủ tịch Trung Quốc, hồi Tháng Mười Hai năm ngoái. (Hình: Gia Hân/Thanh Niên)

Theo lời bà Hà, trong khuôn khổ sự kiện nêu trên, Quốc Hội Việt Nam và Nhân Đại Toàn Quốc Trung Quốc, tức cơ quan lập pháp của nước này, “sẽ ký thỏa thuận hợp tác mới với những nội hàm mới.”

Bà Hà khẳng định, bên cạnh chuyện “bảo vệ đảng, bảo vệ chế độ,” ông Huệ còn đặt mục tiêu “thúc đẩy lòng tin chính trị cao hơn, củng cố nền tảng xã hội vững chắc hơn, góp phần nâng tầm và làm sâu sắc quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt-Trung.”

Hiện chưa rõ chuyến thăm Trung Quốc của ông Vương Đình Huệ đã được lên kế hoạch trước hay sau thời điểm ông Võ Văn Thưởng, chủ tịch nước Việt Nam, bị hạ bệ hôm 21 Tháng Ba.

Tuy vậy, việc một giới chức “tứ trụ” thăm Trung Quốc vào thời điểm Việt Nam đang để trống ghế chủ tịch nước khiến giới quan sát không loại trừ khả năng bàn thảo về công tác nhân sự cấp cao giữa hai đảng Cộng Sản.

Thậm chí, một số ý kiến gay gắt còn suy đoán rằng ông Huệ đi Bắc Kinh để nhận “huấn thị” trong lúc ông này có cơ hội nhận chức tổng bí thư sau khi ông Nguyễn Phú Trọng rời ghế.

Chuyến đi Bắc Kinh của ông Vương Đình Huệ diễn ra chưa đầy một tháng sau khi Việt Nam lên tiếng kêu gọi Trung Quốc “tôn trọng Luật Biển” trong bối cảnh Bắc Kinh công bố đường cơ sở Vịnh Bắc Bộ.

Bà Lê Thu Hà, phó chủ nhiệm Ủy Ban Đối Ngoại của Quốc Hội Việt Nam, ca ngợi chuyến thăm Trung Quốc của ông Vương Đình Huệ. (Hình: Gia Hân/Thanh Niên)

Hồi đầu Tháng Ba, Trung Quốc công bố đường cơ sở mới ở Vịnh Bắc Bộ, đưa ra bảy “điểm cơ sở” khi nối với nhau tạo thành một đường cơ sở mới nhằm tuyên bố lãnh hải ở Vịnh Bắc Bộ. Các điểm cơ sở này không hề tồn tại trước đây.

Sự việc khiến “Việt Nam lên tiếng đề nghị Trung Quốc tôn trọng và tuân thủ một hiệp định về phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa giữa hai nước trong Vịnh Bắc Bộ ký hồi năm 2000.

Tuy vậy, mỗi khi Trung Quốc có hành động gây hấn tại Vịnh Bắc Bộ và Biển Đông, phía Việt Nam thường được ghi nhận có phản ứng chậm trễ và chủ yếu lặp lại các phát ngôn cũ trước đây. (N.H.K) [qd]

MỚI CẬP NHẬT