Tuesday, April 16, 2024

Bóng dáng ông Trump ở đại hội đảng Dân Chủ

Nguyễn Văn Khanh

“Ông Trump ăn nói kỳ cục quá,” một đại biểu Dân Chủ nói với những người bạn cùng bàn khi cùng ngồi ăn tối trong lúc chờ xem bài diễn văn Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama sẽ đọc để giới thiệu ứng cử viên Dân Chủ Hillary Clinton với cử tri toàn quốc.

“Kỳ cục cái gì? Phải nói là quái gở mới đúng,” một người khác trả lời.

“Kỳ cục hay quái gở cũng không đúng nốt. Phải nói là cà chớn, đúng là miệng lưỡi của bọn hàng tôm, hàng cá, chứ không phải là ngôn ngữ của người ra tranh cử tổng thống,” người thứ ba chẳng ngần ngại đưa ra nhận xét cá nhân, còn bảo thêm “ăn nói như thế mà trở thành tổng thống được hay sao?”

Từ giữa trưa Thứ Tư (27 Tháng Bảy 2016), chuyện ông Doanld Trump trở thành một trong những đề tài được nói tới khá nhiều ở Ðại Hội Dân Chủ 2016 đang diễn ra tại Philadelphia, đồng thời cũng là đề tài được những người theo dõi sinh hoạt chính trị Hoa Kỳ nói đến, nhiều tới mức có người nói đùa, cho rằng mặc dù ông Trump không có mặt tại đại hội nhưng rõ ràng ai ai cũng thấy “cái bóng” của ông tỷ phú nổi tiếng nhất nước Mỹ hiện giờ.

Ông Trump làm gì để trở thành cái đinh của đại hội? Câu trả lời: ông kêu gọi Liên Bang Nga tấn công email cá nhân của bà Clinton, tìm cho ra 30,000 thư emails mà bà Clinton đã tự xóa bỏ, không nộp cho Bộ Ngoại Giao và cho cơ quan điều tra FBI. Chuyện khó tin nhưng có thật 100% này xảy ra trong cuộc họp báo của ông Trump ở Florida. “Tôi muốn nói với Liên Bang Nga như thế này,” ông bảo, “nếu quý vị đang nghe tôi, tôi hy vọng quý vị sẽ tìm thấy 30,000 thư emails (trong hộp thư cá nhân của bà Clinton mà bà ta tự xóa bỏ).” Không dừng ở đó, ông còn nói thêm nếu “hackers” của Nga làm được điều này, “tôi nghĩ quý vị sẽ được giới truyền thông nước tôi tưởng thưởng thật lớn,” ý muốn nói truyền thông Hoa Kỳ cũng đang chờ đợi, muốn biết nội dung 30,000 emails đó nói gì, có chứa đựng tài liệu mật của quốc gia hay không?

Chuyện ông Cộng Hòa DonaldTrump tấn công bà Dân Chủ Hillary Clinton là chuyện bình thường, nhưng “rủ rê cơ quan an ninh mốt nước khác, nhất là rủ rê bọn tin tặc Nga” tấn công email của đối thủ là chuyện “lần đầu tiên xảy ra trong lịch sử tranh cử của nước Mỹ,” theo nội dung bản tuyên bố mang chữ ký của ông Cố Vấn Chính Trị Jake Sulivan đang làm việc cho tổ chức siêu vận động (Super PAC) Hillary for America. Bản tuyên bố có đoạn viết như sau “đây không là chuyện đùa, cũng chẳng là (ông Trump) cường điệu, cũng chẳng đơn thuần là chuyện chính trị mà là một vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia.”

Cụm từ “an ninh quốc gia” cũng được ông Cựu Giám Ðốc Leon Panetta của cơ quan CIA nói đến khi được yêu cầu đưa ra quan điểm cá nhân về lời phát biểu của ông Donald Trump. “Tôi không thể chấp nhận dược chuyện này, không thể chấp nhận chuyện một ứng cử viên tổng thống Mỹ lại mời tình báo Nga can dự vào chuyện nội bộ của Hoa Kỳ.” Hiện đang đứng trong đội cố vấn chuyên về an ninh, tình báo cho bà Clinton, ông cựu giám đốc CIA nói thêm “ông Trump đã đi quá đà” tin tưởng “ngay cả những người ủng hộ ông ta (Trump) họ cũng không chấp nhận được điều ông nói.”

Trước phản ứng cứng rắn đến từ phía Dân Chủ, ban tham mưu của ông Trump tức khắc tìm cách chữa cháy, nói rằng phát biểu ông tỷ phú đưa ra “chỉ là một lời nói đùa không hơn không kém.” Giữa lúc đám lửa chính trị chưa kịp tàn thì đích thân ông Trump lại gửi tin nhắn cho mọi người, viết rằng “nếu Liên Bang Nga hay nước nào, người nào có được 33,000 emails Hillary Clinton đã tự xóa bỏ, thì (quốc gia hay cá nhân đó) nên chia sẻ với FBI.”

Dựa theo điều này, phát ngôn viên Jason Miller của ông Trump đưa ra một loạt tin nhắn cho báo chí, mở đầu bằng câu “ông Trump không hề rủ rê hay mời Liên Bang Nga hoặc bất kỳ ai tấn công email của bà Clinton,” và kết thúc với tin nhắn cuối cùng trong ngày “điều rõ ràng là ông Trump kêu gọi Nga hoặc bất cứ ai có được 33,000 emails bà Clinton đã tự xóa bỏ một cách bất hợp pháp, thì nên giao cho cơ quan FBI (để tiếp tục điều tra).” Một trong những tin nhắn của ông Miller cũng nhắc lại chính cơ quan FBI từng nói bà Clinton “bất cẩn quá mức, trong số emails nộp cho FBI, có những email chứa đựng tin mật, không được phép phổ biến cho người khác.”

Ông Newt Gingrich, cựu chủ tịch Hạ Viện cũng nhảy vào vòng chiến, tìm lý lẽ để bênh vực ông Trump. Ông bảo “tôi thấy báo chí có vẻ khó chịu về câu nói đùa của ông Trump, quên đi sự thật là bà Clinton (lúc còn làm ngoại trưởng) đã sử dụng email cá nhân, tạo cơ hội cho Liên Bang Nga tấn công, biết được tin tức tối mật của quốc gia.”

Ôn hòa và khéo léo nhất trong chuyện này là thông cáo báo chí gửi từ văn phòng ông Chủ Tịch Hạ Viện Cộng Hòa Paul Ryan. Thông cáo viết rằng “Liên Bang Nga là mối đe dọa của thế giới, được lãnh đạo bởi một kẻ quỷ quyệt, côn đồ” và kết thúc với lời cảnh cáo “Putin phải đứng ngoài cuộc bầu cử này.”

MỚI CẬP NHẬT