Thursday, May 9, 2024

Trump chưa chịu nói sẽ chấp nhận kết quả bầu cử

LAS VEGAS, Nevada (NV) – Trong cuộc tranh luận cuối cùng tại đại học University of Nevada, Las Vegas, tối Thứ Tư, 19 Tháng Mười, giữa hai ứng cử viên tổng thống, ông Donald Trump không chịu nói ông sẽ chấp nhận kết quả bầu cử, nếu bị thua.

Khi được điều hợp viên Chris Wallace hỏi lần thứ nhất, ông nói: “Để tôi xem.”

Khi được hỏi tiếp, ông Trump nói: “Tôi không thể nói lúc này.”

Ngoài ra, lúc gần cuối cuộc tranh luận, khi bị bà Clinton nói nói sẽ đánh thuế người giàu để giữ các chương trình xã hội, ví dụ như đánh thuế ông Trump, ông Trump chen vào: “Bà là một người đàn bà thật kinh tởm (such a nasty woman).”

Điều này cho thấy cuộc tranh luận, mặc dù lúc đầu khá trật tự, nhưng về sau bắt đầu nóng lên.

Bắt đầu cuộc tranh luận, hai đối thủ bước lên diễn đàn, chào cử tọa và đi thẳng đến bục phát biểu không chào và bắt tay nhau. Không người nào tỏ vẻ thoải mái vui vẻ như lần đầu.

Ông Trump giữ nét mặt nghiêm nghị, hơi căng thẳng, nói năng ôn tồn hơn thông thường, tuy nhiên, chỉ được 25 phút rồi bắt đầu ngắt lời và nói chen ngang, nhưng rất ít.

Ngược lại, bà Clinton không nhượng bộ và vẫn tiếp tục nói hết phần mình.

Câu hỏi đầu tiên điều hợp viên Chris Wallace của Fox News đặt ra là về việc đề cử thẩm phán Tối Cao Pháp Viện. Ông Trump nói sẽ chỉ định thẩm phán bảo vệ Tu Chính Án số 2, bảo vệ quyền mang súng, cũng như về lập trường chống phá thai.

Mời độc giả xem video: Số nhà mới xây ở Mỹ giảm liên tục trong hai tháng

Bà Clinton nói ủng hộ Tối Cao Pháp Viện “đứng về phía người dân.” Theo bà, Tối Cao Pháp Viện không nên đảo ngược phán quyết về quyền phá thai và hôn nhân đồng tính, nhưng nên thu hồi quyết định “Citizens United,” cho phép “tiền đen” dễ dàng ảnh hưởng tới chính trị.

Ông Trump tố cáo bà Clinton muốn “mở cửa biên giới” để “di dân tràn vào đất nước chúng ta.” Bà Clinton mạnh mẽ bác bỏ lập luận ấy. Bà chỉ trích ông Trump sử dụng di dân bất hợp pháp làm việc và mỉa mai ông là “nghẹn họng” khi không dám đem chuyện ai sẽ trả tiền để làm bức tường giữa biên giới Mỹ và Mexico khi gặp tổng thống quốc gia láng giềng phía Nam của Hoa Kỳ.

Bà cũng phủ nhận lập luận vô căn cứ của ông Trump là bà sẽ tăng thuế gấp đôi. Bà xác định chỉ tăng thuế những người giàu, nghĩa là 1% dân Mỹ và chỉ 4% chứ không phải gấp hai lần.

Ông Trump bác bỏ những điều bà Clinton mô tả ông là ca tụng Nga và cổ vũ phát triển võ khí nguyên tử. Ông khẳng định: “Sai! Sai! Sai!” khi bà chưa trình bày xong, nhưng bà vẫn nói tiếp.

Ông Trump nói có sẵn kế hoạch “giảm thuế rất lớn,” phát triển kinh tế và đòi hỏi các nước đồng minh giàu phải chi tiền để nhận trợ giúp quân sự Mỹ, thương lượng lại các hiệp ước mậu dịch.

Bà Clinton bước tới bắt tay điều hợp viên Chris Wallace trong khi ông Trump vẫn còn đứng ở bục. (Hình: AP Photo/Julio Cortez)
Bà Clinton bước tới bắt tay điều hợp viên Chris Wallace trong khi ông Trump vẫn còn đứng ở bục. (Hình: AP Photo/Julio Cortez)

Đối lại bà Clinton cho là sẽ làm kinh tế phát triển bằng sự chú trọng thăng tiến giới trung lưu và thực hiện các chương trình tạo lập việc làm. Bà cũng bênh vực và đề cao thành quả kinh tế của chính quyền Obama.

Một sự kiện có ý nghĩa quan trọng nhất và được điều hợp viên ép tới cùng là việc ông Trump đã nhiều lần nói hệ thống bầu cử Mỹ gian lận. Ông Trump từ chối không trả lời câu hỏi của Wallace rằng có chấp nhận kết quả vào Tháng Mười Một hay không nếu ông thua bà Clinton.

Bà Clinton phê phán ông Trump không tôn trọng truyền thống sinh hoạt dân chủ của nước Mỹ là ứng cử viên phải chấp nhận kết quả bầu cử, và nói rằng hành động của ông Trump là “kinh sợ (horrifying).”

Bà tìm cách khai thác một chuyện vui là ông Trump cũng đã phê phán giải Emmy Awards là “dàn dựng” khi ba năm liền không trao giải cho chương trình truyền hình thực tế “Celebrity Apprentice” của ông. Lần này ông không giải thích bào chữa, chỉ mỉm cưới rồi nói: “Nên quên chuyện ấy đi,” và cử tọa cười rộ.

Cuối cùng, cuộc tranh luận thứ ba ở Las Vegas cũng đề cập đến đường lối chính sách quốc gia, mặc dù quan điểm của hai ứng cử viên hoàn toàn khác biệt.

Cuộc tranh luận thứ hai bị xem là thấp kém nhất vì những lời lẽ phỉ báng nhau.

Ông Trump cần phải cố gắng tìm cách nổi lên trong cuộc tranh luận lần cuối, nhưng có vẻ ông không tạo được cơ hội thuận lợi.

Giống như lần thứ nhì ở St. Louis, ông cũng đưa ba phụ nữ từng tố cáo cựu Tổng Thống Bill Clinton tới, nhưng Ủy Ban Tổ Chức Tranh Luận không chấp nhận cho vào hội trường, có lẽ vì thấy ông Bill Clinton không phải là ứng cử viên và sự việc lạc đề ấy làm hỏng không khí thảo luận đứng đắn.

Kết thúc tranh luận, dường như hai người tìm cách tránh chạm mặt nhau. Bà Hillary Clinton bước tới phía trước bắt tay điều hợp viên Chris Wallace, trong lúc ông Trump vẫn đứng ở bục tranh luận, cúi mặt xuống, có vẻ lo lắng.

Sau đó, bà Clinton bước xuống bục và bắt tay những người ủng hộ bà.

Chỉ đến lúc đó, ông Trump mới rời bục bước đến bắt tay điều hợp viên.

Cả hai đều không bắt tay trong suốt buổi tranh luận.

Tính chung, trong suốt buổi tranh luận, lần này bà Clinton nói được nhiều hơn.

Tổng cộng, bà nói được 40 phút 49 giây, ông Trump được 34 phút 48 giây, ông Wallace được 15 phút 34 giây.

Về chuyện ngắt lời, ông Trump vẫn nhiều hơn, nhưng lần này ít hơn hai lần trước.

Tổng cộng, ông Trump ngắt lời ông Wallace 30 lần, bà Clinton ngắt lời ông Wallace 17 lần. Ông Trump cũng ngắt lời bà Clinton 37 lần, và bà ngắt lời ông 5 lần.

Sau cuộc tranh luận, 52% khán giả của CNN cho rằng bà Clinton thắng, trong khi có 39% cho rằng ông Trump thắng. Về phương diện “tấn công,” 60% khán giả CNN cho rằng ông Trump tấn công nhiều hơn, và 23% cho rằng bà Clinton tấn công nhiều hơn.

Về phương diện trung thực, 47% cho là ông Trump trung thực hơn, trong khi có 46% đồng ý là bà Clinton trung thực.

Về phương diện ai chuẩn bị tốt hơn trong vai trò làm tổng thống, 59% đồng ý là bà Clinton sẵn sàng hơn, trong khi 35% cho rằng ông Trump cũng sẵn sàng làm lãnh đạo Hoa Kỳ. (HC, Đ.D.)

MỚI CẬP NHẬT