Thursday, March 28, 2024

Hillary vẫn ‘còn cơ hội’ đắc cử tổng thống

Đỗ Dzũng/Người Việt

Sao lại không?

Vì cuộc bầu cử này có nhiều bất ngờ quá mà!

Chuyện này bắt đầu từ luật bầu cử tổng thống Hoa Kỳ, và chỉ liên quan tới luật.

Theo Hiến Pháp Hoa Kỳ, một người muốn làm tổng thống phải có ít nhất 270 phiếu đại cử tri. Đơn giản thế thôi.

Và ai cũng biết, chỉ khi nào ông Donald Trump đứng trước Quốc Hội Hoa Kỳ, đặt tay lên cuốn Kinh Thánh, tuyên thệ, vào ngày Thứ Sáu, 20 Tháng Giêng, 2017, thì lúc đó ông mới chính thức là tổng thống.

Còn bây giờ ông chỉ là “tổng thống đắc cử,” chưa phải là “tân tổng thống.”

Vào ngày Thứ Hai, 19 Tháng Mười Hai, tới đây, tất cả 538 đại cử tri (elector) đại diện cho 538 phiếu đại cử tri (electoral vote) của 50 tiểu bang và thủ đô Washington, DC, là người bằng xương bằng thịt, thường là sẽ có mặt tại thủ phủ của tiểu bang họ, tùy theo tiểu bang, để chính thức bỏ phiếu cho tổng thống và phó tổng thống.

Ví dụ, 38 đại cử tri của Texas sẽ đến Austin để bỏ phiếu cho ông Donald Trump và ông Mike Pence, vì hai ông thắng số phiếu phổ thông của tiểu bang này, nên lấy hết 38 phiếu đại cử tri. Và theo dự trù, 38 đại cử tri này “nên” bỏ phiếu cho ông.

Tương tự như vậy, 55 người ở California sẽ có mặt tại Sacramento để bỏ phiếu cho bà Hillary Clinton và ông Tim Kaine.

Các tiểu bang khác cũng làm y như vậy, ngoại trừ Nebraska và Maine.

Sau đó, tất cả kết quả được gởi về Quốc Hội Hoa Kỳ, để Phó Tổng Thống Joe Biden, trong vai trò chủ tịch Thượng Viện, tập họp phiên họp khoáng đại lưỡng viện tại Hạ Viện, mở ra, và đọc kết quả chính thức, vào ngày Thứ Sáu, 6 Tháng Giêng, 2017, theo dự trù.

Lúc đó, theo dự trù, ông Trump mới được “xác nhận” là người thắng cuộc bầu cử.

Cho tới ngày Chủ Nhật, 13 Tháng Mười Một, kết quả bầu cử vẫn chưa có đầy đủ, mặc dù ai cũng biết ông Trump đã thắng và bà Clinton đã chấp nhận thua.

Tuy nhiên, vẫn chưa biết, cuối cùng ông Trump sẽ chính thức có bao nhiêu phiếu đại cử tri, nhưng chắc chắn là trên 270.

Theo Hiến Pháp Hoa Kỳ, đại cử tri có toàn quyền bỏ phiếu cho tổng thống và phó tổng thống theo ý mình muốn, mà không bị bất cứ ràng buộc nào.

Trong quá khứ, theo fairvote.org, từng có 157 đại cử tri không bỏ phiếu theo đảng, gọi là “faithless elector,” vì nhiều lý do khác nhau, ví dụ như ứng cử viên qua đời, đại cử tri bị bệnh, và đại cử tri đổi ý.

Hiện nay, vẫn theo fairvote.org, có 29 tiểu bang và thủ đô Washington, DC, bắt buộc đại cử tri phải bỏ phiếu theo đảng. Tuy nhiên, nếu họ làm khác, chỉ bị phạt tiền, chứ không bị tù tội hoặc tịch biên tài sản gì cả.

Đại cử tri là những người hoạt động lâu năm trong đảng, được đảng tin tưởng chọn ra, và đương nhiên thường bầu theo đảng.

Kể từ năm 2004 đến nay, chưa bao giờ có đại cử tri nào bầu khác với đảng mà mình đại diện, theo fairvote.org.

Đến tối ngày Chủ Nhật, 13 Tháng Mười Một, trên trang mạng change.org, đã có hơn 4,250,000 người ký thỉnh nguyện thư yêu cầu các đại cử tri vào ngày 19 Tháng Mười Hai bầu cho liên danh Clinton, thay vì liên danh Trump.

Mục tiêu của thỉnh nguyện này là 4.5 triệu người ký tên.

Trong ngày 19 Tháng Mười Hai, nếu một số đại cử tri Cộng Hòa đổi ý, bầu cho bà Clinton, với số phiếu để bà có đủ 270, theo Hiến Pháp, bà sẽ được tuyên bố đắc cử tổng thống, chứ không phải ông Trump, vào ngày ông Biden kiểm phiếu.

Nếu bà chỉ được 269, có nghĩa là ông Trump cũng được 269, thì Hạ Viện sẽ bầu tổng thống và Thượng Viện bầu phó tổng thống.

Khi Hạ Viện bầu tổng thống, mỗi tiểu bang chỉ được một phiếu.

Tại Thượng Viện, mỗi thượng nghị sĩ được một phiếu khi bầu phó tổng thống.

Liệu những điều trên đây có thể xảy ra không? Cực kỳ khó!

Tất nhiên, những người ký thỉnh nguyện thư là ủng hộ viên của bà Clinton, họ có quyền hy vọng, và có quyền cầu nguyện.

Những người ủng hộ ông Trump cũng vậy, họ có quyền nghĩ những điều này sẽ không xảy ra, và có thể họ cũng cầu nguyện để đừng xảy ra.

Nhưng nếu một trong những điều trên xảy ra thì sao?

Xin đừng ngạc nhiên!

Cuộc bầu cử này có quá nhiều ngạc nhiên rồi, có gì mà phải ngạc nhiên nữa!

MỚI CẬP NHẬT