Thursday, March 28, 2024

Nước Mỹ là thành trì cuối cùng của tự do

Chánh Án Nguyễn Trọng Nho

LTS – Dưới đây là trích đoạn diễn văn của Chánh Án Nguyễn Trọng Nho đọc tại lễ phát thưởng cho 150 học sinh xuất sắc tại St. Louis, tiểu bang Missouri ngày 12 tháng 6 năm 2016. Tòa Soạn đăng lại với sự đồng ý của tác giả.

***

Kính thưa quí vị:

Tôi đến đây hôm nay với lòng kính mến chân thành đối với ban quản trị HKH-NXV, ban tổ chức, quí vị phụ huynh và các còn em sinh viên học sinh của cộng đồng St. Louis Missouri. Hôm nay là một ngày đáng ghi nhớ của các em học sinh được lãnh giải thưởng về những thành quả học vấn trong niên học vừa chấm dứt.

Dĩ nhiên đây cũng là một ngày vui cho phụ huynh của các em. Nhưng tôi không chỉ nhìn thấy niềm vui đó hạn hẹp trong những người đang tham dự lễ này. Tôi thấy niềm vui đó lan rộng đến tất cả mọi gia đình vùng St. Louis, Missouri. Và nó cũng là biểu tượng của niềm vui của mọi gia đình Việt Nam tại Hoa Kỳ vì tôi hy vọng là vào khoảng thời gian này đây ở nhiều nơi có đồng hương sinh sống, sẽ cũng có những buổi phát thưởng tương tự. Và tôi nhìn đến lễ phát thưởng hôm nay với sự có mặt của các phụ huynh, cũng như những người đứng ra tổ chức và đóng góp cho buổi lễ này, và các con em, như là những lữ hành đang nắm tay dìu dắt nhau trên một con đường thật dài, mà điểm đích để đi tới là hai chữ “Tương Lai.”

Những người trong bản quản trị hội KH-NXV, những mạnh thường quân đóng góp cho quỹ học bổng này, những người tình nguyện thời gian, công sức, và tiền bạc, để làm cho có được buổi lễ hôm nay là những ngọn đuốc dẫn đường cho các học sinh cùng tiến bước về phía trước. Buổi lễ này không chỉ bắt đầu ngày hôm nay và chấm dứt trong một vài tiếng đồng hồ. Buổi lễ này thực sự đã bắt đầu từ ý tưởng được nuôi dưỡng bởi tinh thần cộng đồng, tinh thần phục vụ, lòng yêu nước, tinh thần muốn xây dựng một công đồng Việt tốt đẹp, với một tương lai tươi sáng cho người Việt tại Mỹ và một lớp người trẻ Việt Nam sẵn sàng làm rạng danh con cháu Rồng Tiên tại hải ngoại. Tất cả, từng thế hệ, tiếp tục đi về tương lai để gây dựng cho người Việt tại Mỹ có một chỗ đứng tốt đẹp được nể trọng và sẽ đóng góp thật hữu ích cho sự tiến bộ chung của quốc gia Hoa Kỳ và nhân loại.

Chúng ta hãy nuôi dưỡng cuộc hành trình này để nó sẽ không bao giờ chấm dứt. Ngày mai đây, chính các em đang nhận lãnh phần thưởng hôm nay sẽ là những người đưa tay dẫn dắt các thế hệ tiếp nối để tiếp tục thể hiện ý nguyện, thiện chí, hy sinh, đóng góp của những bậc cha mẹ của hôm nay.

Ðây nên là một hành trình dài vô tận, cũng có thể phần nào như hành trình đã dẫn đưa dân tộc Do Thái lầm lũi xây dựng lại giống nòi họ, khôi phục lại quốc gia họ, từ những tan nát trọn vẹn, bi thương để trở nên một quốc gia dù nhỏ bé nhưng rất hùng mạnh có sức đề kháng và tồn tại trước quyết tâm tiêu diệt họ bởi các quốc gia thù nghịch bao quanh tại Trung Ðông.

Tôi xin quí vị hiểu cho là tôi không bàn gì tới những sự việc có thể đã và đang xảy ra tại Trung Ðông dẫn tới việc quốc gia Do Thái bị một số quốc gia dân chủ đề cao nhân quyền ở Tây Âu chỉ trích về những hành vì bị cáo buộc là tàn bạo, vi phạm các nguyên tắc cơ bản về nhân quyền đối với dân Palestine. Tôi chỉ muốn ghi nhận hình ảnh vươn lên của một dân tộc đã bị đuổi khỏi xứ sở, đất đai của họ, tản mát mọi nơi trên thế giới nhưng đã vươn dậy chỉ vì họ có chung một quyết tâm thật vững bền tiếp tục đi về phía trước, để xây dựng lại quê hương và gìn giữ giòng giống của họ. Họ đã thành công vì ở mọi thời gian, mọi giai đoạn nào của lịch sử, dân tộc này luôn luôn đã có những con người nắm tay nhau, thế hệ trước dìu dặt thế hệ sau, để cùng đi tới. Họ đã giữ gìn ngôn ngữ cổ xưa của họ, bảo tồn phong tục tập quán cổ xưa của họ. Bởi vì đó là dấu ấn hay căn cước bất khả hủy diệt để họ nương vào đó mà nhận ra nhau và tồn tại cả trong nghịch cảnh hay những vinh quang, cả hàng nghìn năm.

Tôi nói tới Do Thái vì tôi nghĩ đây là tấm gương sống còn chúng ta cần suy nghĩ để học hỏi trong việc xây dựng lại và bảo vệ quê hương Việt Nam thân yêu của chúng ta trước hiểm họa vô cùng nguy hiểm của người Tàu phương Bắc.

Bây giờ xin cho tôi được nói chuyện với các em học sinh. Tôi xin khen ngợi những cố gắng và thành công của các em. Tương lai tốt đẹp đang chờ đón các em. Tôi hy vọng mỗi em sẽ là một viên đá xây cất ngôi nhà Việt Nam tại đây. Nói tới đây, câu hỏi tự nhiên đến với tôi muốn hỏi các em là “Ðất nước nào là của các em?” “Quê hương nào là của các em?” Tôi hy vọng các em sẽ không ngần ngại trả lời ngay: “Nước Mỹ là quê hương của em!” “Nước Mỹ là đất nước của em.”

Nước Mỹ là quê hương của chúng ta. Tôi hy vọng các em phải luôn giữ gìn lòng yêu thương quê hương này với một sự chung thủy tuyệt đối. Chúng ta sẽ không để bất cứ ai có thể nghi ngờ lòng chung thủy tuyệt đối của chúng ta đối với quê hương này. Khi chúng ta nghĩ đến quê hương này là của chúng ta, chúng ta sẽ không chấp nhận để bị kỳ thị bởi những lời nói vô trách nhiệm và đầy nguy hiểm của những chính trị gia khiêu khích sự kỳ thị và chia rẽ quốc gia này như đường lối và mục tiêu chính trị cá nhân.

Mấy ngày trước đây, khi trả lời tờ báo có khuynh hướng bảo thủ rất có uy tín trên thế giới, The Wall Street Journal, ứng cử viên tổng thống nước Mỹ Donald J. Trump đã đòi hỏi Chánh Án Liên Bang Gonzalo Curiel đang chủ tọa vụ xử án trong đó ông Trump bị hàng trăm người thưa trước tòa là đã gian lận, lừa đảo, dụ dỗ rất đông người ghi tên theo học trường “Ðại học Trump University” của ông.

Ông ta nói đi nói lại nhiều lần là vì Chánh Án Curiel là “người Mễ” nên sẽ không công bằng với ông. Ðể giải thích tại sao ông có cáo buộc như vậy, ông Trump nói tuyệt đối là như vậy vì có những xung đột về quyền lợi. “Tôi sẽ xây một bức tường, con ông ta lại là người Mễ.”

Các em nên biết rằng vị chánh án này sinh ra tại tiểu bang Indiana, con của một gia đình di dân từ Mexico và đã từng là phó chưởng lý liên bang đứng đầu vụ truy tố các tổ chức buôn lậu ma túy từ Mexico sang Mỹ và đã bị các tay băng đảng tội ác ma túy đe dọa thủ tiêu. Ông đã phải sống dưới sự bảo vệ thường trực của cơ quan cảnh sát liên bang trong một thời gian lâu dài. Tôi nói với các em về câu chuyện liên quan đến Chánh Án Gonzalo Curiel chẳng phải để đặt ra một vấn đề liên hệ đến cuộc tranh cử chính trị cho chức vụ tổng thống đang xảy ra. Nhưng tôi muốn nhân câu chuyện đó để nhắc nhở các em rằng mọi người chúng ta phải xác quyết rằng nước Mỹ này là quê hương của chúng ta. Tôi xin chúng ta đừng bao giờ nghĩ rằng đất nước này chỉ là nơi tạm dung.

Tôi rất không thích hai chữ “tạm dung.” Nếu chúng ta coi như đất nước nơi các em sinh ra, hay lớn lên, và trưởng thành chỉ là nơi tạm dung, chúng ta mãi mãi sẽ là những kẻ ăn nhờ ở đậu và chúng ta sẽ vô tình làm cho lời nói đã xử đúng với Chánh Án Gonzalo Curiel trở thành có giá trị.

Mời độc giả xem video: Sát ngày bầu cử, ông Trump nhắc “hy vọng sau cùng”, bà Clinton kêu gọi “lúc suy nghiệm”

Khi mà những lời phát biểu như thế được đưa ra và có được sự ủng hộ của nhiều người thì trên quê hương nơi mà Chánh Án Curiel và các em đã sinh ra, đã trưởng thành này sẽ có hai hay nhiều loại công dân với quyền hạn và giá trị khác nhau: Công dân da trắng và công dân da màu đen, màu vàng, màu đỏ, màu nâu… Ðây là hình ảnh của nước Mỹ đen tối trong quá khứ. Hình ảnh của nước Mỹ được qui định bởi vụ án Dred Scott v. Emerson phát xuất từ chính tiểu bang Missouri này để qui định rằng người da đen có tên là Dred Scott dù sinh ra tại đây không phải là công dân của nước Mỹ và không có quyền thưa người da trắng Emerson trước tòa án liên bang. Hay đây sẽ là nước Mỹ của vụ án Plessy v. Ferguson từ tiểu bang Lousiana với phán quyết của Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ năm… rằng cho dù Hiến Pháp Hoa Kỳ qui định quyền bình đẳng của mọi công dân trước pháp luật nhưng không có nghĩa là những người da màu như Plessy dù có tới 7/8 máu da trắng và chỉ 1/8 máu là da mầu, có quyền được ngồi chung trong một toa xe lửa với người da trắng. Ðó là nước Mỹ được xây dựng trên nguyên tắc phận biệt những bình đẳng. (Separate but Equal). Quê hương này của chúng ta đã đi khá xa khỏi cái quá khứ đáng buồn đó rồi. Chúng ta không thể nào quay trở lại cái quá khứ đó và chúng ta có bổn phận không để cho bất cứ ai đưa quê hương Hoa Kỳ của chúng ta quay trở lại với cái quá khứ đó được nữa. Nên tư pháp sẽ chỉ đóng trọn vẹn vai trò bảo vệ lẽ phải, công lý và sự thật nếu như phán quyết của tòa phải được tôn trọng. Vì vậy sự tấn công vào nên tư pháp của chúng ta qua việc gây áp lực trên chánh án hay phân chia chủng tộc hay tôn giáo như là một yếu tố quyết định về khả năng hay nhân cách của một chánh án sẽ hủy diệt tinh thần độc lập tuyệt đối của tòa án. Nước Mỹ của các em sẽ tan rã nếu như điều ấy xảy ra.

Nước Mỹ của các em là thành trì cuối cùng của tự do và sự bảo vệ các giá trị nhân bản trong thế giới ngày nay. Các em không thể để nước Mỹ của các em xuy yếu. Cho dù các em có khuynh hướng chinh trị tự do hay bảo thủ, các em và tôi có bổn phận phải ghi nhớ rằng không khí tự do, quyền bình đẳng mà chúng ta đang được hưởng hôm nay, như quyền được bình đẳng trong trường học, tại nhà thương, tại các nơi công cộng, trên xe buýt, hay tại các cơ quan công quyền, tại nơi bầu phiếu, trong tòa án,… đã có được là nhờ những nỗ lực và hy sinh quý báu của bao nhiêu người đã đi trước, đã tranh đấu để thực thi ý nghĩa cao cả của Hiến Pháp Hoa Kỳ và của bản tuyên ngôn độc lập tuyệt vời của quốc gia này: mọi người sinh ra đều bình đẳng. Những quyển căn bản này được Hiến Pháp và luật pháp công nhận là tự có ở nơi mỗi người khi sinh ra chứ không phải được ban bố bởi chính quyền. Ngược lại chính quyền có bổn phận phải đưa ra các luật pháp và các biện pháp để bảo vệ những quyền đó cho mọi công dân và mọi người sinh sống trên đất Mỹ nàỵ

Sau hết tôi cũng muốn nói với các em là các em cũng đang mang trong mình giống máu Việt Nam. Tôi mong muốn các em sẽ tìm hiểu ý nghĩa của điều này, học hỏi thêm về lịch sử Việt Nam để có thể hãnh diện về lịch sử oai hùng của một giòng giống đã có một tinh thần độc lập tự chủ hàng ngàn năm. Các em sẽ biết rằng cái nước Việt Nam rất nhỏ bé đã từng đánh bại quân Tàu xâm lược rất nhiều lần để bảo vệ sự vẹn toàn của nòi giống Việt hàng ngàn năm. Các em sẽ biết được những tấm gương hy sinh đoàn kết để bảo vệ đất nước và nói giống của tổ tiên với những anh hùng Trưng, Triệu, Lý Thuờng Kiệt, Lê Lợi, Trần Hưng Ðạo, Quang Trung. Các em sẽ cảm thấy một niềm vui lớn lao tràn ngập trong tim mình vì đang luân lưu trong tâm thức và thế xác chúng ta có cái tinh túy của Việt Nam, một dân tộc thật oai hùng, đã đứng vững hàng ngàn năm và sẽ tiếp tục muôn ngàn năm sau. Tôi xin chúc các em luôn thành công để đem lại niềm hãnh diện cho chính bản thân, cho gia đình, cho cộng đồng người Mỹ gốc Việt và cho cả dân tộc Việt Nam nói chung.

Xin cảm ơn các em và xin chân thành cảm ơn toàn thể quí vị.

MỚI CẬP NHẬT