Thursday, March 28, 2024

Biết tin ai bây giờ?

Ngô Nhân Dụng

Trong cuộc họp báo ngày 31 Tháng Tám, 2016 tại Hà Nội, khi nhà báo hỏi về vụ án mạng tại Yên Bái, ông bộ trưởng văn phòng chính phủ cho biết có một phó thủ tướng đã gửi “công văn chỉ đạo cơ quan công an khởi tố, điều tra, xác định nguyên nhân vụ án cấp dưới dùng súng sát hại cấp trên.”

Qua câu nói của ông Mai Tiến Dũng, người ta thấy ông Trương Hòa Bình, phó thủ tướng, đã xác định trong vụ Yên Bái “cấp dưới,” tức ông Ðỗ Cường Minh, đã “dùng súng sát hại cấp trên,” tức hai ông bí thư và chủ tịch tỉnh. Xác định đích danh thủ phạm trước khi cảnh sát tư pháp công bố kết quả điều tra, trước khi có một tòa án xét các chứng cớ và nghe tranh luận rồi tuyên phán; đó là cung cách làm ăn của guồng máy tư pháp Cộng Sản.

Một xã hội tự do dân chủ sống theo lối khác. Người ta chỉ được dùng hai chữ “nghi can” để gọi những người bị nghi ngờ là hung thủ, dù 99% tin chính hắn giết người. Không ai được phép gọi nghi can là thủ phạm, khi tòa chưa tuyên án.

Công an chỉ nhận được lệnh “điều tra,” và “xác định nguyên nhân vụ án.” Họ không có phận sự tìm thêm kẻ tình nghi nào nữa. Gia đình, vợ con Ðỗ Cường Minh cũng không được phép hoài nghi, nghĩ chồng, cha mình là vô tội. Nhưng nếu Ðỗ Cường Minh là hung thủ, thì ông ta cũng chết rồi. Ngay buổi sáng ngày 18 Tháng Tám, ông Ðặng Trần Chiêu, giám đốc công an Yên Bái đã nói rằng vì nghi can Ðỗ Cường Minh đã qua đời cho nên không còn ai để truy tố nữa. Vậy khi ông phó thủ tướng ra lệnh cơ quan công an “khởi tố” thì khởi tố ai? Chắc họ sẽ phải đưa ra trước tòa một cái ghế trống, hay một hình nộm, gọi đó là hung thủ! Vợ con Ðỗ Cường Minh có quyền ra trước tòa hay mời luật sư ra tòa đưa các chứng cớ phản bác hay không?

Xem thêm bình luận: Nghi vấn vụ án mạng tại Yên Bái phần 1

Một câu của ông Mai Tiến Dũng, thuật lại ý của ông Trương Hòa Bình không giải tỏa được thắc mắc nào mà lại khiến dư luận càng thêm bối rối! Bài trước trong mục này đã nêu lên nhiều câu hỏi về vụ án, nhưng dư luận bên ngoài còn đưa thêm hàng trăm câu hỏi khác. Nhiều tin đồn đãi mới được tung ra mỗi ngày, ngày càng moi móc trong thâm cung bí sử của chế độ độc tài. Bài trước đã hỏi: “Người dân biết tin ai bây giờ?”

Biết tin ai bây giờ?

Câu hỏi này mô tả một cuộc khủng hoảng lớn, lớn hơn vụ án mạng Yên Bái, lớn hơn vụ Formosa, lớn hơn cả chế độ cai trị của cộng sản. Cuộc khủng hoảng lớn của dân tộc bây giờ là khủng hoảng lòng tin. Không ai tin nhà nước, không ai tin cảnh sát công an, không tin báo chí, không tin cả lòng dạ người khác.

Con người sống hạnh phúc vì có thể tin tưởng. Tin được người khác, trong lòng sung sướng lắm. Lòng nghi ngờ sẽ gây đau khổ, sẽ khiến chính mình xấu hơn, ác hơn, có thể sinh bệnh tâm thần. Trong cuộc sống riêng tư, con có thể tin cha mẹ, anh chị em hay vợ chồng tin nhau. Nhìn rộng ra, chúng ta cảm thấy an toàn, bớt lo sợ, hạnh phúc hơn, nếu có thể tin mọi người trong xã hội. Tin rằng đa số người ta ai cũng tôn trọng đạo lý và pháp luật, mình cảm thấy sống an toàn. Giống như người lái xe trên đường mà trong lòng tin rằng những người khác chung quanh mình đều tôn trọng luật đi đường; trong một ngàn người họa hiếm mới có một người đang say rượu hay đang muốn tự sát.

Một xã hội có lòng tin là xã hội ổn định. Người du lịch đến nước Nhật cảm thấy an toàn, vì không lo bị trộm cắp, sống sung sướng trong khi ngoạn cảnh. Ðến nước Ðức, nước Mỹ thấy mình được hưởng an toàn pháp lý, biết rằng nếu mình theo đúng luật thì không lo bị bắt bớ, giam cầm vô lý. Ði qua cửa khẩu các nước đó cũng yên tâm vì không thắc mắc mình có phải hối lộ ai hay không. Người dân các nước đó sống an toàn nhờ họ có thể tin tưởng xã hội họ sống trong nền đạo đức và hệ thống pháp luật đàng hoàng.

Nhờ đâu đa số dân các nước có thể tin vào xã hội chung quanh mình? Vì họ có những định chế thiết lập được lòng tin, bảo vệ niềm tin. Sống chung trong một quốc gia cũng giống như sống với một bản hợp đồng. Có những hợp đồng viết ra chữ rõ ràng, là những hiến pháp, luật lệ. Có những bản hợp đồng ngầm, mọi người đều biết và tôn trọng, là các quy tắc đạo lý, phong tục, tập quán. Có những “hợp đồng ngầm” giúp cho các bản hợp đồng chính thức có hiệu lực hơn. Ðó là lòng tin. Một nước có đủ thứ Hiến Pháp và luật lệ nhưng mọi người còn phải tin rằng các thứ đó được tôn trọng, tin rằng mình chỉ cần sống theo đúng luật thì được an toàn. Nếu không thì đó chỉ là những trang giấy đầy chữ nhưng vô tích sự. Niềm tin chung này cũng là căn bản của những bản hợp đồng ngầm. Ðó là niềm tin giữa con người với con người. Nhờ có niềm tin đó nên phong tục, tập quán, và đạo lý đóng đúng và đầy đủ vai trò bảo vệ xã hội ổn định, người dân sống an toàn, hạnh phúc.

Nhờ đâu dân Mỹ cảm thấy an toàn về pháp lý, dân Nhật cảm thấy yên tâm về mặt đạo lý? Vì trong các xã hội đó người ta có những định chế được xây đắp từ đời này sang đời khác. Người Mỹ thường hay nghiên cứu tâm trạng của dân chúng, đặt những câu phỏng vấn, như “Bạn có tin được các những người làm nghề sau đây hay không? Liệt kê ra: Các thẩm phán? Các bác sĩ? Luật sư? Các chính trị gia? Các tu sĩ? Nhà báo? Nhà giáo? Người bán xe hơi? Người môi giới mua nhà cửa, bảo hiểm, vân vân. Giữa số không và số 10, xin cho biết bạn tín nhiệm các giới người trên đến mức nào? Người ta còn hỏi về mức độ tín nhiệm đối với hệ thống tòa án, với quốc hội, đối với các xí nghiệp kinh doanh, với cơ quan tiên đoán thời tiết, với cảnh sát, với tôn giáo nói chung, vân vân. Tại sao người ta tò mò như vậy? Ðể đo lường lòng tin của người dân vào tất cả xã hội chung quanh.

Người Nhật có một niềm tin sâu xa vào những người chung quanh. Vào các định chế trong xã hội. Một người thợ máy nói, “xe ông hư, cần phải sửa,” tức là xe cần sửa thật. Ai tỏ ý không tin, người ta sẽ kinh ngạc, không hiểu nổi người này mới ở trên mặt trăng xuống hay sao! Bỏ quên một cái túi trên xe lửa, người ta yên tâm, vì biết không ai lấy của người khác. Về nhà gọi điện thoại tìm, chờ một thời gian sẽ được báo tin cái túi lớn nhỏ như thế, nhãn hiệu và mầu sắc đó, đang được cất giữ ở đâu. Thời Phan Bội Châu qua Nhật cụ đã thán phục cái tính tốt đó. Hơn 100 năm họ vẫn sống như vậy.

Sống như vậy thật là hạnh phúc. Tin tưởng người khác là hạnh phúc. Học trò tin thầy cô chỉ muốn cho mình giỏi chứ không nghĩ đến tiền bạc, bệnh nhân tin thầy thuốc có khả năng và tận tụy, dù cũng không biết trị mọi bệnh tật hoàn toàn. Tin rằng hệ thống pháp luật công bằng, minh bạch. Tin rằng các báo, đài đều loan tin có thật và bình luận công bằng. Tin rằng nhà buôn không dối trá bán hàng giả. Tất cả tạo ra một xã hội ổn định, an toàn.

Xem thêm bình luận: Nghi vấn vụ án mạng tại Yên Bái phần 2

Muốn xây dựng một mạng lưới xã hội như vậy, phải mất hàng trăm năm. Trong lúc lòng người còn đầy rẫy nghi ngờ, phải xây dựng lòng tin bằng cách nào? Phải bắt đầu bằng luật pháp. Trong lúc người ta còn chưa tin được mọi người đều sống lương hảo, đạo đức, ít nhất hãy giúp mọi người tin rằng xã hội có pháp luật, pháp luật được tôn trọng. Nói ít nhất. Vì đó là chuyện tầm thường nhất trong một xã hội văn minh. Không có, thì chưa văn minh. Bắt đầu với pháp luật, vì việc đó tương đối dễ. Dễ hơn việc xây dựng đạo đức nghề nghiệp. Dễ hơn việc làm sao học sinh, sinh viên tin tưởng vào trường học, vào thầy cô. Khi bắt đầu tin xã hội có pháp luật công bằng rồi, những niềm tin khác xây dựng dễ hơn.

Nhưng muốn tạo niềm tin vào pháp luật, phải bắt đầu bằng việc tôn trọng các quyền công dân căn bản. Người ta chỉ vui vẻ tuân theo luật lệ, không tìm cách xé rào, không lòn qua khe hở, trốn tránh luật lệ, khi nào họ thấy luật pháp là do mình chịu trách nhiệm đặt ra, mình được tự do bầu người lên thay đổi luật lệ cho nên phải tôn trọng luật.

Cuối cùng, muốn xây dựng lòng tin, phải được sống tự do, dân chủ. Các xã hội có vốn niềm tin lớn là những xã hội tự do dân chủ. Ngược lại, trong một nước mà người cầm quyền không tôn trọng cả bản hiến pháp và các luật lệ của họ, lại chỉ lo bưng bít tin tức, chiếm độc quyền thông tin để lừa dối toàn dân, thì đừng kể tội người dân sao không tin bất cứ cái gì.

Trong vụ án mạng ở Yên Bái, dân Việt Nam không biết tin ai. Nói chung, đại đa số người dân không biết tin cái gì nữa. Các chế độ độc tài, từ thực dân đến cộng sản đã gieo rắc đại họa đó, hơn một thế kỷ rồi! Không nên trách người dân thiếu tin tưởng. Không ai muốn sống như vậy cả.

Khi được tin tưởng, dù chỉ tin một số điều, tin một số người thôi, chúng ta hạnh phúc hơn nhiều. Cứ nhìn những đồng bào mới đi biểu tình đòi bảo vệ môi trường sống ở Nghệ An, ở Hà Tĩnh. Ði biểu tình, họ đang sống hạnh phúc. Vì họ biết mình làm gì, và tin công việc mình đang làm là đúng. Còn những anh công an, chính họ đau khổ. Ðánh đập người dân xong, tối nằm ngủ sẽ băn khoăn tự hỏi không biết mình có xứng đáng là một con người hay không!

Trong thiên Ly Lâu thượng, Mạnh Tử mô tả tình trạng suy tàn, với các hiện tượng báo trước chế độ sắp sụp đổ: “Thượng vô đạo quỹ dã, hạ vô pháp thủ dã, triều bất tín đạo, công bất tín độ, quân tử phạm nghĩa, tiểu nhân phạm hình, quốc chi sở tồn giả, hạnh dã: Trên không dựa vào đạo lý, dưới không theo luật pháp nào, trong triều vi phạm lễ nghĩa, các công chức phạm hình luật, một nước như vậy mà tồn tại là điều may hiếm có.” [上無道揆也,下無法守也, 朝不信道,工不信度,君子犯義,小人犯刑,國之所存者幸.]

Chế độ Cộng Sản ở Trung Quốc và Việt Nam đang lâm vào cảnh tượng đó. Bên trên thì “Triều bất tín đạo;” Ủy viên Bộ Chính Trị cũng không ai tin vào chủ nghĩa Mác nữa dù nó vẫn ghi trong cương lĩnh. Cả thế giới biết chủ nghĩa đó là tào lao, mình có ngu đâu mà tin? Họ không còn một thứ đạo lý nào để theo, chỉ còn tham vọng quyền lực giúp họ cấu kết với nhau. Bên dưới thì “Công bất tín độ;” Cán bộ, công chức, đám quan lại tham nhũng không ai theo pháp luật, bất chấp những luật lệ mà chính họ có trách nhiệm thi hành. Tất cả trong tâm trạng làm chuyến tàu vét! Chế độ cộng sản chứa đựng đủ các dấu hiệu đang tan rã.

Thời Mạnh Tử các chính quyền chưa có bộ máy công an kìm kẹp. Cũng chưa có các xảo thuật mị hoặc lừa dối dân tinh vi như bây giờ. Sau khi Mạnh Tử nói những lời trên, trong vòng 80 năm các vương quốc, hầu quốc đều tan rã. Nhà Tần lên, chỉ trong một thế hệ cũng tan. Ngày nay chế độ cộng sản có giỏi đàn áp và mị hoặc nhưng cũng không chắc giỏi hơn nhà Tần. Mà người dân bây giờ có ý thức về quyền công dân của mình cao hơn dân Tầu 2,300 năm trước đây. Cho nên theo phân tích của Mạnh Tử, chúng ta biết rằng chế độ Cộng Sản đang trên đà sụp đổ.

MỚI CẬP NHẬT