Thursday, April 18, 2024

Bánh ú nước tro

Tạ Phong Tần

Những năm thập niên 70-80 thế kỷ trước, miền Tây Nam bộ trù phú đất đai cò bay thẳng cánh vậy mà dân thị xã Bạc Liêu đói ơi là đói, đói đến mức cơm gạo mốc ngày hai bữa ăn với rau muống sống chấm muối cũng không có mà ăn. Dân Sài Gòn còn được liệt vào loại thành thị không sản xuất lúa gạo và được bán gạo theo tem phiếu, dân Bạc Liêu nửa quê nửa thành mới khổ, bị liệt vào loại nông thôn nhưng không hề có miếng đất nào để chọi chim, thành ra không được bán lương thực như: gạo, khoai, cao lương… theo tem phiếu, mà cũng hổng có trồng được cây gì để ăn hết.

Sau này nghe nói dân ngoài Bắc hàng tháng được bán mấy cân bột mì, không biết làm cách nào để ăn, có nhà đem nhồi nước rồi vo thành cục mà luộc, nướng, có nhà cùng nhau gom lại đem đi mướn cơ sở gia công làm bánh quy, nên mới có câu: “Bơm mực, rửa bút bi/ Lộn cổ áo sơ mi/ Gia công quy gai xốp.” Trong Nam không có nghề “Gia công quy gai xốp” nhưng có “nghề” vá dép mủ (nhựa) và vá thau mủ. Cho nên, thời đó trong Nam nói đến chuyện được ăn bánh thiệt là chuyện giống như khoa học viễn tưởng vậy.

Gần nhà tôi có vợ chồng củ Chệt, củ tức là cậu, Chệt là người Việt gốc Hoa. Bà vợ củ Chệt đi buôn (lậu) đủ thứ thượng vàng hạ cám, hồi đó ai làm nghề này bị nhà cầm quyền kêu là “thành phần mánh mung,” dân thì kêu là mấy “bà mánh,” “ông mánh.” Nhờ vậy mà nhà củ Chệt có đồng ra đồng vô, cơm đủ ăn, áo đủ mặc. Hàng năm bà Chệt đều mua (lậu) được gạo nếp từ trước để dành gói bánh, ngày Tết Ðoan Ngọ nghỉ ở nhà gói bánh ú nước tro, bánh ú nhưn mỡ bán cho hàng xóm cũng kiếm thêm chút tiền lời.

Trong nhà, củ Chệt lúc nào cũng dự trữ sẵn một khạp da lươn lớn chừng bốn chục lít nước, chứa tro củi để lấy nước tro ngâm nếp làm bánh. Nước tro củ Chệt ngâm từ đầu năm, đến giữa năm chắt ra nước tro màu vàng óng, trong vắt. Củ Chệt nói: “Lứ coi nè, trong mà đặc như dầy làm bánh ngon lắm đa.” Nhà tôi có cái gác bằng cây, tôi thường ngồi trên gác nhìn xuống sân nhà củ Chệt học lóm cách củ Chệt làm bánh. Củ Chệt có nhiệm vụ vo nếp sạch, đổ vô thúng tre để ráo nước rồi chắt lấy nước tro lược sạch đổ vô thùng mủ ngâm nếp. Xong củ Chệt đạp xe đi quần quanh khắp chỗ kiếm mua lá tre Tàu, lá nào lá nấy bề ngang lớn bằng bàn tay, dài khoảng hai gang tay, mua lạt gói bánh.

Lá tre đem về gỡ ra từng lá lau sạch, lựa lấy những lá còn nguyên vẹn, dài, bự, cắt bỏ cái cuống lá rồi xấp thành từng xấp nhúng sơ qua nước sôi cho lá mềm đi, xong trải ra cái nia bằng tre để phơi heo héo. Như vậy lá sẽ mềm, dai, khi gói bánh không bị rách. Nhưn bánh cũng đơn giản, chủ yếu là dừa khô rám vỏ xào với đường vàng thành dẻo dẻo, béo béo, thêm chút mùi thơm lá dứa hay mua được vài ống vani trộn vô là quý lắm rồi. Nếp ngâm nước tro qua đêm đem vút sạch bằng nước lã rồi đổ qua rổ tre đan khít cho ráo nước. Cọng lác mọc ngoài bãi sông cắt về chẻ nhỏ phơi khô bán từng bó làm dây cột thì kêu bằng lạt. Lạt đem về cũng phải ngâm rửa bằng nước sạch nó mới dai và mềm, gói bánh siết chặt không bị đứt, bánh mới sạch sẽ. Nhưn bánh sau khi xào xong để nguội củ Chệt sẽ vo thành từng viên bằng cỡ ngón tay cái để sẵn trong cái thau nhôm nhỏ. Mấy vụ này củ Chệt ở nhà làm hết, bà Chệt về chỉ có nhiệm vụ bưng ra ngồi gói bánh thôi, còn luộc bánh vẫn là củ Chệt.

Bánh ú nước tro thật ra rất đơn giản ở khâu chuẩn bị vật liệu. Bánh ngon hay không là ở nếp ngâm nước tro nhiều hay ít, ngâm vừa đủ thì bánh ăn không có vị cay cay của nước tro, vừa dai vừa giòn, mở lớp lá gói ra bánh màu vàng sẫm trong vắt rất đẹp mắt.

Bà Chệt lấy một bó lạt đã chuẩn bị sẵn cột một đầu lên cái khoen cửa, đầu kia thả lỏng. Bà lấy cái lá tre Tàu khoanh lại như hình cái quặng nhọn đầu, dĩ nhiên đỉnh nhọn nằm chính giữa phần gần cuống lá nên cái quặng này nó khít, xúc muỗng nếp đổ vô không rớt ra ngoài, lấy cái muỗng nhỏ múc cục nhưn để lên lớp nếp, rồi múc thêm một muỗng canh nếp đổ phủ lên trên cục nhưn, bang cho đều ra sao cho nếp bao kín cục nhưn và hơi đầy lên một chút. Hai ngón tay trỏ và cái của bà Chệt nhanh chóng bóp hai mép lá dư lại thành cái góc nhọn, lật ngược cái bánh lên úp hai mép lá bóp vô lần nữa, rồi thò tay phải kéo ra một cọng lạt kê vô cái bánh mà cột tất cả ba góc lại siết chặt, phần đuôi lá dư khoảng năm sáu phân vẫn cứ để vậy chỉa ra chớ không cắt bỏ đi. Bánh gói xong cái nào cũng có ba góc tất cả các cạnh đều nhau, cách cột lạt cũng là kỹ thuật, nếu không biết cách cột thì người ngoài không thể hiểu nổi tại sao cái bánh có ba góc nhọn mà cột cọng lạt nó không tuột ra được, mà còn rất chắc là khác. Bà Chệt nói bánh ú nước tro cái kiểu nó như vậy.

Nói thì dài dòng, chớ hai bàn tay bà Chệt gói bánh nhanh thoăn thoắt, trong nháy mắt đã có một chùm mười cái, bà lấy liệng qua cái nồi để lát nữa củ Chệt bưng đi luộc, rồi lại tiếp tục làm cái chùm bánh khác. Lần nào bà Chệt gói bánh tôi cũng ngồi trên gác nhìn học lóm, rồi tôi lấy cát, lấy lá chuối gói thử, y chang luôn, nhưng không thể diễn tả được bằng câu chữ cái cách dùng hai ngón tay bóp mép lá tre thành góc nhọn, cách cột cọng lạt ra làm sao, mà ai muốn học phải thị phạm tại chỗ cho coi thôi.

Gói xong đầy một nồi bánh, củ Chệt lấy bỏ qua cái nồi nhôm có thành cao như cái thùng gánh nước nhưng bự hơn, rồi kê ba cục gạch đốt bếp lửa lên luộc bánh. Bánh ú nước tro nhỏ cái, cỡ trái chanh thôi, nên chỉ cần lửa lớn cho nước trong nồi lúc nào cũng sôi sùng sục luộc từ trưa đến xế chiều là bánh chín, củ Chệt lấy cái đũa tre lớn và dài thò vô vớt từng chùm bánh bỏ qua cái rổ cho nó ráo nước rồi đem treo thành từng chùm trên vách nhà.

Xong rồi bà Chệt lại đi buôn (lậu) tiếp, củ Chệt ở nhà lo bán bánh. Nhà nào trong xóm có đồng ra đồng vô thì mua chùm bánh của củ Chệt, thêm vài thứ trái cây như mận, xoài, ổi, cóc… nữa là có mâm cúng tết Ðoan Ngọ với người ta rồi. Tết Ðoan Ngọ ăn đồ nguội nấu từ hôm trước, không cúng đồ nóng mới nấu như các dịp lễ, tết khác.

Ðơn giản là vậy, nhưng lúc đó nhà tôi cũng không có tiền để mua chùm bánh ú nước tro nhỏ xíu của củ Chệt bán, thiệt là thèm muốn chết luôn. Sau này, tôi đi làm có tiền, bèn tự mình ra chợ mua một đống bánh ú nước tro đem về. Hổng biết bánh ú nước tro của củ Chệt ngày xưa ngon đến cỡ nào, nhưng bánh này nhìn cũng giống y như vậy, cũng gói nhỏ nhỏ bằng lá tre Tàu, mở hết lớp lá ra nhìn thấy những hột nếp màu vàng sẫm trong vắt đã tan ra thành một khối như bột năng, hơi lợn cợn hình dạng hột nếp một chút xíu thôi. Cắn vô nó có một chút giòn giòn, một chút dai dai sần sật, một chút nồng nồng mùi nước tro bếp, hòa với vị vừa ngọt vừa béo của nhưn dừa xào, thiệt giản dị nhưng đó mới chính là hương vị quê nhà.

FBI từng xin trát tòa theo dõi cựu cố vấn T.T Trump

MỚI CẬP NHẬT