Friday, April 26, 2024

Bệnh quai bị

Bác Sĩ Nguyễn Trần Hoàng
(714) 531-7930
[email protected]

Hỏi:

  • Tôi bị đau họng, sốt, rêm mình mẩy, rồi sau đó sưng một bên mặt mấy ngày nay. Có người nói là viêm họng nổi hạch, có người nói là sưng răng, khi đi bác sĩ thì được cho biết là quai bị. Làm sao phân biệt được quai bị với bệnh viêm họng và nổi hạch?
  • Có phải bệnh quai bị có thể làm cho đàn ông không thể có con? Cách chữa trị như thế nào để khỏi bị biến chứng này? Bệnh sẽ kéo dài đến khi nào? Làm sao để phòng bệnh này? 

Ðáp:

Quai bị là tình trạng xảy ra do bị nhiễm vi-rút quai bị (tiếng Mỹ gọi là mumps). Vi-rút quai bị lây qua ho, ách xì, và nước bọt, cũng như qua việc tiếp xúc với những nơi, vật (nắm cửa, đồ chơi, giấy lau mũi, dùng chung ly nước chưa rửa sau khi dùng của người bệnh, remote control…) bị nhiễm vi-rút.

Một khi vi-rút quai bị đi vào cơ thể, chúng có thể vào máu, và đi đến các cơ quan, bộ phận khác nhau của cơ thể như:

– Các tuyến nước bọt: Vi-rút quai bị gây ra sưng đau tuyến nước bọt carotid và các tuyến nước bọt khác nằm dưới hàm và lưỡi.

– Tinh hoàn: Vi-rút quai bị có thể làm sưng, đau, đau khi sờ đến (tenderness) và đôi khi có thể làm teo tinh hoàn sau này. Dù là hiếm gặp, hiếm họa, quai bị có thể dẫn đến biến chứng vô sinh.

– Buồng trứng, nếu bị ảnh hưởng, có thể làm đau bụng dưới, nhưng quai bị không gây ra vô sinh ở phụ nữ.

– Tụy tạng (pancreas – còn gọi là lá mía), nếu bị viêm, sẽ gây ra triệu chứng chính là đau bụng.

– Hệ thống thần kinh trung ương, nếu bị ảnh hưởng, có thể gây ra viêm màng não, viêm não. Dù rất hiếm gặp, nếu bị ảnh hưởng ở hệ thống thần kinh trung ương, các biến chứng có thể là điếc, liệt, kinh phong (seizures), ứ nước trong não (hydrocephalus).

Hiếm hoi hơn, vi-rút quai bị có thể ảnh hưởng các phần khác của cơ thể như khớp, tuyến giáp trạng (thyroid gland), hoặc phổi.

Phụ nữ đang có thai nếu bị nhiễm quai bị, có nguy cơ cao hơn bị thai chết trong tử cung, sẩy thai, nếu đang trong ba tháng đầu của thai kỳ. Tuy nhiên, nhiễm quai bị hầu như không làm tăng nguy cơ bị các dị tật bẩm sinh.

Một người bị quai bị có thể lan truyền bệnh trong thời kỳ từ 48 tiếng đồng hồ, và cả từ sáu đến chín ngày sau khi triệu chứng xuất hiện.

Trước khi có thuốc chủng (khoảng cuối thập niên 1960), mỗi năm có khoảng 190,000 trường hợp quai bị xảy ra ở Mỹ. Hiện nay, nhờ thuốc ngừa, tỉ lệ đã giảm hơn 99%, chỉ còn có khoảng một phần triệu người Mỹ bị nhiễm quai bị mỗi năm. 

Các triệu chứng của quai bị

Trong khoảng 15% đến 20% các bệnh nhân, quai bị không gây ra triệu chứng gì cả. Nếu có các triệu chứng, chúng thường xảy ra 14 đến 18 ngày sau khi bị lây lan từ một người đang bị quai bị.

Các triệu chứng thường bao gồm sốt nóng, nhức đầu, đau họng, rêm mình rêm mẩy, chán ăn và mệt mỏi (như hầu hết các trường hợp bị nhiễm vi-rút – mà thường gặp nhất là cảm). Bên cạnh đó, vi-rút quai bị gây ra đau và sưng phía trước của dái tai, do viêm tuyến nước bọt (có tên là) parotid. Vì đau sưng tuyến nước bọt này, việc nhai, nuốt trở nên rất khó khăn, khiến cho bệnh nhân càng không muốn ăn.

Ðôi khi (nghĩa là không thường gặp), đàn ông và các em trai bị quai bị, có thể bị đau và sưng một hay hai tinh hoàn.

Ở phụ nữ, thỉnh thoảng, cũng có thể bị đau bụng dưới vì buồng trứng bị ảnh hưởng.

Hiếm khi hơn nữa, và thường xảy ra hơn ở người lớn, các biến chứng khác có thể xảy ra, dẫn đến:

– Ðau bụng trên, do bị viêm tụy tạng (pancreas-còn gọi là lá mía).

– Nhức đầu, cứng cổ, lơ mơ, do bị viêm màng não bởi vi-rút quai bị.

– Sốt cao, hôn mê, do bị viêm não (xảy ra dưới một phần ngàn các trường hợp). 

Chẩn đoán quai bị

Bác sĩ sẽ cần thăm khám, và đôi khi làm một số xét nghiệm nếu cần khẳng định chẩn đoán.

Bác sĩ sẽ thăm hỏi xem ta có triệu chứng như thế nào, có tiếp xúc với người bệnh quai bị ở nhà, chỗ làm, trường học… hay không, có các triệu chứng gì của các biến chứng có thể xảy ra như kể trên hay không, đã chủng ngừa quai bị đầy đủ chưa.

Trong phần khám, bác sĩ sẽ khám toàn thân, đầu tiên là ở tuyến nước bọt parotid, và sau đó toàn cơ thể để xem có biến chứng gì như đã nêu trên.

Nếu tuyến nước bọt parotid (bên dưới mang tai) hai bên bị sưng, đau ít nhất là hai ngày, và nếu ta có tiếp xúc với bệnh nhân quai bị, bác sĩ sẽ nghĩ nhiều đến chẩn đoán quai bị.

Nếu triệu chứng không rõ ràng, nhưng có dấu hiệu để nghi ngờ quai bị, thử kháng thể với vi-rút quai bị trong máu, hoặc/và tìm vi-rút quai bị trong nước tiểu, nước bọt hoặc dịch não tủy, có thể giúp khẳng định chẩn đoán.

Bệnh thường kéo dài khoảng mười ngày rồi hồi phục. Khi hồi phục, cơ thể ta sẽ có sức đề kháng với bệnh suốt đời.

Trong đại đa số các trường hợp, bệnh nhân bị quai bị thường hồi phục hoàn toàn, và sau đó có sức đề kháng với quai bị suốt đời.

Ở đàn ông, tỉ lệ bị biến chứng vô sinh thường rất thấp, và chỉ xảy ra khi bệnh nhân bị ảnh hưởng cả hai tinh hoàn.

Thân mến

www.nguyentranhoang.com

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT