Friday, April 26, 2024

Chứng ‘phừng phừng’

Bác Sĩ Nguyễn Trần Hoàng
(714) 531-7930
[email protected]

Hỏi:

– Tôi mãn kinh gần một năm nay. Gần đây thấy người rất dễ “phừng phừng,” bực bội, mỗi lần gần chồng thấy khó chịu vì cửa mình rất khô, thỉnh thoảng lại lên những nóng bừng rất khó chịu. Tôi nghe nói các triệu chứng này có thể chữa bằng hormone therapy, nhưng lại có thể làm cho dễ bị ung thư hơn. Xin cho biết có đúng không, và có những cách nào khác chữa trị an toàn hơn?

– Vợ tôi, khoảng hơn năm mươi tuổi, dạo này cứ hay “phừng phừng,” đỏ mặt, bực bội, cáu gắt, dễ “bùng nổ,” mà hình như lại không thích “chuyện đó” như trước đây. Xin cho biết bệnh này có thuốc chữa không?

Ðáp:

Có rất nhiều nguyên nhân khiến cho phụ nữ trở nên nóng bỏng, bùng cháy, bốc lửa (còn gọi là bốc hỏa). Ví dụ như: Thấy (hay thường gặp hơn là, nghi, nghĩ, cho, tin rằng) ông xã đang có chuyện gì mờ ám với một cô (hay bà, hay ông, anh) nào đó; muốn trở nên hấp dẫn hơn với chồng (hay đàn ông nói chung); muốn trở lại thời thanh xuân (còn được gọi là hồi xuân)…

Một trong các nguyên nhân thường gặp nhất khiến phụ nữ bùng cháy, bốc lửa và thường cần sự giúp đỡ của bác sĩ, là các cơn bốc nóng (hot flashes) sau khi đã hết kinh (nguyệt). Chúng ta sẽ tìm hiểu đôi chút về loại “bốc lửa” này.

Cho đến nay, các hormones vẫn là cách thường dùng và có vẻ có hiệu quả nhất trong điều trị các cơn nóng phừng trầm trọng của thời kỳ mãn kinh. Tuy nhiên, chất nội tiết (hormones), thường chỉ được dùng như là bước cuối cùng, vì các chất này có thể đưa đến nguy cơ, tuy không cao, nhưng nguy hiểm, như ung thư vú, bệnh tim mạch, nghẹt mạch máu não hoặc các mạch máu khác.

May mắn thay, có nhiều cách khác ta có thể thử trước khi dùng hormone, nếu muốn tránh các biến chứng có thể gây ra bởi các liệu pháp hormone này.

Có rất nhiều nghiên cứu đang tiến hành, để tìm cách hữu hiệu nhất có thể thay thế các hormones nữ, trong việc trị các triệu chứng mãn kinh, đặc biệt là các cơn nóng phừng (bốc hỏa – hot flashes) rất khó chịu.

Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều thuốc được quảng cáo, tuy nhiên mỗi thuốc đều có thể có các tác dụng không mong muốn khác nhau, và nhiều khi không có hiệu quả.

Hội Chuyên Về Các Vấn Ðề Của Thời Kỳ Mãn Kinh Vùng Bắc Mỹ (North American Menopause Society) đã ra một tuyên bố về nhận định của mình (position statement) trong việc điều trị hotflashes. Bản tuyên bố dài 23 trang này đã lược qua các nghiên cứu đã được tiến hành trong lĩnh vực này. Có một số điều có thể bổ ích, được rút gọn như sau:

Các cách không dùng thuốc được khuyến cáo mạnh mẽ nhất và được khuyên là bước đầu tiên nên được thử trước khi dùng thuốc.

– Một số nghiên cứu và quan sát cho thấy rằng hạ nhiệt độ giúp làm giảm các cơn nóng phừng. Các phương pháp có thể thực hiện là dùng quạt hay máy lạnh, mặc đồ nhiều lớp để có thể từ từ cởi bớt ra, khi nhiệt độ tăng (mặc một lớp dày thì sẽ không thể cởi ra khi đi từ trong nhà có máy lạnh ra ngoài trời đang nóng bức), ăn uống các thức lạnh và tránh các thức nóng.

– Thể dục có thể làm cơ thể nóng lên trong lúc tập và chảy mồ hôi, thế nhưng một số nghiên cứu thấy rằng những phụ nữ sung sức (fit) có tỉ lệ bị các cơn nóng phừng ít hơn những người ít hoạt động cùng tuổi.

– Có chỉ số cân nặng cao (một cách nôm na, dễ hiểu, tức là nặng cân) cũng liên quan đến các cơn nóng phừng trầm trọng và thường xuyên hơn.

– Trong các cách thư giãn, tập thở sâu và đều (paced breathing) có vẻ là cách có hiệu quả nhất giúp làm giảm các cơn nóng phừng. Trong một số nghiên cứu đã được thực hiện, các phụ nữ tập thở có tỉ lệ bị các cơn nóng phừng giảm đi tới 50%.

– Người hút thuốc cũng bị các cơn nóng phừng nhiều hơn. Do đó cai thuốc lá cũng là một cách giúp làm giảm các cơn nóng phừng.

Một số thuốc có thể mua không cần toa bác sĩ và có vẻ có ít tác dụng phụ có thể là một chọn lựa.

– Vitamin E có vẻ không có hiệu quả trong một nghiên cứu lớn kéo dài ba năm trong các năm 1950s, nhưng một số nghiên cứu cho thấy nó có thể có chút ít hiệu quả.

– Black cohosh thường bán với tên Remiferin cũng có thể có chút ít hiệu quả. Tuy nhiên, sự an toàn của thuốc chưa được nghiên cứu rõ, và do đó nó được coi là không an toàn đặc biệt là ở các phụ nữ đã bị ung thư vú, vì nó có thể có các hiệu ứng giống như estrogen (là chất hormone vốn vẫn được sử dụng và cho thấy làm tăng nguy cơ ung thư vú).

– Isoflavones có nguồn gốc từ đậu nành và cỏ ba lá đỏ (red clover) cho thấy có hiệu quả trong khoảng 30% đến 50% trong số phụ nữ sử dụng trong một nghiên cứu được tiến hành tại Nhật. Nhưng các nghiên cứu khác về hiệu quả của đậu nành lại thấy đậu nành không có ích trong việc trị nóng phừng.

– Một số các thuốc khác có thể mua không cần toa bác sĩ, tương đối thông dụng nhưng được thấy không đem lại hiệu quả trong các nghiên cứu là dong quai, ginseng, evening primrose.

Một số thuốc phải được bác sĩ khám và kê toa, chứng tỏ có hiệu quả là:

– Một vài thuốc vốn dùng để trị trầm cảm (trong nhóm SSRI), đã được thấy là có thể giúp giảm các cơn nóng phừng khoảng 60%.

– Một thuốc vốn dùng để trị kinh phong (seizure), gabapentin, dùng với liều thấp, đã làm giảm hotflash đến 45%.

– Thuốc vốn dùng để trị cao huyết áp clonidine dùng bằng đường uống hay dán cũng có thể giúp giảm các triệu chứng hotfflash.

Các thuốc này đều có thể có nhiều tác dụng phụ và tương tác với các thuốc khác, cần sự thăm khám và theo dõi cẩn thận của bác sĩ.

Tóm lại, ngoài các thuốc hormone, mà có nhiều bằng chứng cho thấy có thể làm tăng (đôi chút) tỉ lệ ung thư, bệnh tim, mạch, và chỉ nên được dùng trong trường hợp bị các cơn nóng phừng trầm trọng không thể trị được bằng các phương cách ít nguy hiểm hơn, có nhiều cách khác có thể được sử dụng.

Ðiều đầu tiên nên làm, là các biện pháp không dùng thuốc, như giữ mát cơ thể, thể dục, giảm cân, tránh thuốc và rượu, tập thở.

Nếu không bớt ta có thể thử các thuốc không cần toa bác sĩ cho đến nay có chút ít hiệu quả và ít tác dụng phụ như vitamin E, Isoflavones.

Một số thuốc không phải là hormone nhưng cần toa bác sĩ, nên được kê và theo dõi bởi chính bác sĩ, chứ không nên mượn của người khác. Vì cách dùng mỗi thuốc sẽ được quyết định dựa trên các trường hợp cụ thể riêng của từng bệnh nhân.

Thân mến

Bác Sĩ Nguyễn Trần Hoàng
www.nguyentranhoang.com

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT