Friday, April 26, 2024

Ăn cơm gạo lức

Tạ Phong Tần

Cuối Tháng Mười là lúc lúa chín vàng ruộm khắp nơi, dân quê tôi người người hoan hỉ cùng nhau đi gặt lúa. Lúa gặt xong, họ cột lại thành từng bó lớn để trên bờ ruộng. Ruộng nào khô, người ta lấy cây đóng xuống ruộng, lấy mê bồ (miền Bắc kêu là cót ép) quây kín ba bên, chừa một bên có chỗ hở như là cái cửa sổ lớn để đập lúa vào đó. Xong xúc lúa vô bao chất lên cái cộ cho trâu kéo về nhà. Ruộng nào còn nước xăm xắp, người ta lấy nguyên bó lúa chất lên cộ cho trâu kéo về nhà đập.

Những bó lúa đập xong thảy ra cọng rơm thẳng băng, thơm phức mùi lúa mới cũng được gánh về sân phơi luôn. Phơi chừng vài nắng cho rơm khô co lại thì đám con nít chúng tôi có “nhiệm vụ” tước cọng rơm lấy phần lõi để bó chổi rơm, phần ngoài cọng rơm bỏ ra được người lớn dùng cây sào dài đánh thành từng đống cao nghệu ngoài sân để dành cho trâu ăn, làm chất đốt thay củi nấu cơm hằng ngày.

Có khi người ta không tước rơm mà để nguyên bó đem phơi cho heo héo, chất thành đống cao chừng nửa thước, bốn cạnh vuông vức mỗi cạnh cỡ một thước, xong tưới nước có pha thuốc và meo nấm rồi lấy vải nilon ủ nó lại, mỗi ngày giở ra phun nước hai lần, vài ngày sau nấm mọc lên, có dạng tròn tròn trắng trắng rất đều nhau, nhỏ hơn trái bóng bàn một chút, kêu là nấm rơm. Loại nấm này đều cái và trắng, không đen và lớn nhỏ lủ khủ như nấm mọc tự nhiên ở những chân cây rơm mục nên đem ra chợ bán được giá hơn.

Theo sau “đội quân” gặt lúa là “đội quân” đàn bà, con nít cắp cái thúng đi mót lúa. Người miền Nam mót lúa cũng “sang trọng” lắm, chỉ lượm những bông lúa rơi rụng còn nguyên, chớ không phải lấy miếng nùi giẻ thấm nước quấn vô ngón tay chấm lượm từng hột lúa như ở nơi khác. Mỗi ngày, người nào siêng năng có thể mót được cả thúng lúa đầy.

Miền Bắc, theo lời kể của nhà văn Chu Văn thì những năm làm hợp tác xã đói kém, lúa gặt ngoài đồng về không “suốt,” không đập mà chia ngay cho xã viên. Những con người đang “đói vàng cả mắt” ấy đem lúa mới được chia về nhà, lấy chân đạp cho ra hạt thóc rơi ra, rồi bỏ thóc vào cối đá giã, xong đổ nước vào quấy cho vỏ trấu nổi lên, lấy nước bột gạo mới đó nấu cháo ăn.

Miền Nam những năm sau ngày 30 Tháng Tư, 1975 cho đến hết thập niên 80, tháng giáp hạt chờ lúa mới, tuy không đến nỗi có nhiều người chết đói như miền Bắc trong những năm đói kém, cũng không đến nỗi giã lúa tươi lấy bột như nông dân miền Bắc, nhưng gạo dự trữ trong lu cho gia đình cũng eo hẹp lắm.

Người miền Nam không thích ăn cơm gạo mới, vì chê gạo mới khó nấu cơm, nếu không “cao tay ấn” thì nấu ra nồi cơm vừa nhão vừa sống, quá nhiều nhựa, hột cơm dính vào nhau chèm bẹp như cục đất sét. Gạo cũ nấu cơm vừa nở nồi (được nhiều cơm), vừa tơi, vừa xốp, dẻo vừa phải, ăn no đến tức bụng rồi mà cái miệng cứ muốn ăn thêm. Tuy nhiên, tháng giáp hạt không cho phép người ta “kén cá chọn canh,” có gạo bỏ vô nồi nấu còn hơn là không có. Vậy là người dân quê tôi không chở từng xuồng lúa đến nhà máy xay lúa xay ra thứ gạo trắng phếu nữa mà chuyển sang ăn gạo lức cho cơm đỡ nhiều nhựa mà thơm. Giá bán gạo mới bao giờ cũng thấp hơn giá gạo cũ.

Lúa mới gặt về, phơi chừng hai nắng là xay được. Năm nào cũng vậy, bác Tư ở xóm tôi phơi lúa xong thì “huy động lực lượng” gồm hai vợ chồng già, hai vợ chồng của hai anh con trai, tất cả là sáu người thay phiên nhau xay gạo lức bán cho cả xóm ăn. Bác Tư lấy hai chiếc đệm bàng (lớn hơn cái chiếu đôi, vuông vức) trải ra sân, cả nhà vần cái cối ra để trên tấm đệm. Anh con trai lắp giần xay rồi cột dây treo lên cây đòn tay trước sân nhà.

Cái cối xay gạo lức rất bự, bề tròn hai thớt cối lớn lơn cái thúng loại bự nhất. Xung quanh thớt cối được đan bằng vỏ tre chẻ mỏng, thớt dưới cao hơn nửa thước, thớt trên cao chừng hai gang tay, có chỗ chứa lúa đổ vào và có cái thanh ngang cắm cái giần xay bằng cây dài chừng hai thước. Giữa hai thớt cối có răng cối lớn bằng chiếc đũa ăn cơm, xoay vòng tỏa ra theo kiểu xoắn ốc. Mỗi lần xay thì một người xúc thúng lúa đổ vô cối, hai người đứng dé chân chèo phía sau nắm giần xay đẩy cho thớt cối trên quay vòng tròn, phát ra tiếng kêu xào xào liên tục. Lúa xay tróc hết vỏ trấu có màu đỏ sậm lẫn lộn với trấu chảy ào ào theo miệng cối xuống chiếc đệm bàng. Một người chuyên châm lúa cứ canh me thấy lúa trong cối tuột thấp xuống là xúc thúng khác đổ vô, hai người đứng đàng sau cứ việc đẩy giần liên tục.

Tôi không biết bên trong thớt cối và răng cối làm bằng thứ vật liệu gì, nhưng nhìn màu sắc thì nó giống như đất sét khô gọt ra vậy. Tất nhiên, thực tế nó không phải là đất sét khô đẽo ra, vì đất sét nào chịu nổi xay hết một đống lúa bự như cái núi mà không bể vụn như cám. Tôi vừa mon men đến gần định thò tay rờ thử cái răng cối đã bị bác Tư thét lớn: “Trời ơi! Con nít tránh ra, nó nghiến nát cái tay mày bây giờ.”

Hai cô con dâu bác Tư thì ra chỗ sân trống, trải thêm hai chiếc đệm khác, bắc cái ghế đẩu bằng cây giữa tấm đệm rồi xúc mỗi lần nửa thúng lúa vừa xay xong leo lên ghế đứng trước hướng gió thổi để giê lúa. Lúa từ trên thúng giê rơi từ từ xuống bị gió thổi bay trấu sang một bên, hột gạo đỏ sẫm nặng hơn rơi xuống mặt chiếc đệm. Khi nào thấy đống gạo cao cao, hai cô xúc vô thúng đem vô nhà chứa gạo vô lu. Mẹ tôi và mấy bà hàng xóm chỉ chờ có vậy là xách thúng qua nhà bác Tư, người mua năm lít, người mua mười lít, nhà nào đông người mua luôn một lúc cả táo (hai chục lít).

Gạo đem về, mẹ tôi lấy cái sàng nhỏ ra sàng sảy lại một lúc “cho nó hết bụi đất trong đó” rồi mới nấu cơm. Gạo lức vo trong nước, lớp vỏ cám bám bên ngoài hột gạo rất chắc, không hề bị tróc khi vo chà mạnh tay, nước vo gạo chỉ hơi đục một chút thôi. Nấu cơm gạo lức mới, đổ nước hơi nhiều một chút thì hột cơm không bị sống ở giữa, nhờ cái vỏ cám dầy nên hột cơm bên ngoài không bị nhão nhoét, thành thử cơm xốp và mềm. Lại thêm mùi cám mới bốc lên thơm phức khi giở nồi xới cơm, hấp dẫn vô cùng. Dân quê đi câu cá, thường dụ cá cắn câu bằng cách rang cám (cám heo ăn) cho thơm rồi trộn với mồi là côn trùng, trùn, tép nhỏ… vê lại thành viên làm mồi câu. Đó là thứ cám heo ăn, có thể để lâu ngày bị mốc, mà rang xong ngay cả người câu cũng muốn “ăn mồi” trước cá, thì mùi cám gạo lức mới nó “tấn công lỗ mũi” hơn cám cũ rang gấp trăm lần.

Thời đó, nấu cơm bằng củi trong nồi gang là ngon nhất. Cái nồi gang dầy, lỡ đốt lửa hay cời than nhiều quá, cơm vẫn không bị cháy khét như nấu bằng nồi nhôm mỏng, mà tạo thành một lớp cơm cháy giòn rụm, nhai nghe rau ráu trong miệng. Nấu thêm nồi canh chua đực, thêm một cái mẻ kho quẹt nữa, cả nhà quây quần ăn quên thôi.

Bây giờ, các chợ ở Sài Gòn có bán một thứ gạo hột ốm dài, màu đỏ huyết đậm, giá ba chục ngàn đồng một ký. Người bán nói đây là gạo huyết rồng nhập từ Cambodia, mắc gấp đôi gạo Nàng Hương Chợ Đào của Việt Nam. Tôi đã mua gạo huyết rồng ăn thử. Khi vo gạo thì nước vo có màu đỏ sậm, càng vo càng ra màu chớ vo nhiều lần không ra nước trong như gạo lức Việt Nam. Lúc nấu xong, hột cơm từ trong ra ngoài có màu đỏ sậm, mùi thơm (không phải mùi cám), cơm dẻo và xốp, nhai cơm không trong miệng cảm thấy vị ngọt như có đường. Còn cái nồi cơm điện nấu gạo huyết rồng thì nó dính một lớp đỏ sậm rửa theo cách bình thường (có dùng nước rửa chén) cũng không hết đỏ.

Gạo lức Việt Nam cũng không rẻ, đến hai mươi ba ngàn đồng một ký. Mà chỉ có duy nhất một loại gạo hột dài, màu đỏ đậm hơi tái. Bà bán gạo nọ thì nói đây là “lức Bắc”, cô hàng gạo kia lại nói với tôi là “lức miền Tây.” Tôi mua ăn thử, cơm gạo lức nấu chín hột cơm xốp mềm, bay mùi thơm của vỏ cám sực nức gợi nhớ những bữa cơm gạo lức lúa mới thuở bé thơ.

Không hiểu sao thời buổi này, tất cả những cái gì có hơi hướm thôn quê, đơn sơ, nguyên thủy của nông thôn đều trở nên đắt giá, trừ những cô gái “chân đất quần phèn” bỏ quê lên thành phố lấy chồng Đài, chồng Hàn với giấc mộng đổi đời.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT