Tại sao sau khi ăn phải đi cầu ngay

Bác Sĩ Đặng Trần Hào

Trước khi tìm hiểu tại sao ăn vào có một số người phải đi cầu ngay, chúng ta nên tìm hiểu qua hoạt động của gan theo Đông y.

Gan là một trong năm tạng rất quan trọng và có những đặc tính: Thuộc hành mộc, khai khiếu tại mục, liên quan tới gân, giận dữ, khí sinh phát của mùa Xuân, thuộc phong, thích chua.

Gan chủ về sơ tiết, điều hòa dương khí của toàn thân. Khí của gan thường can trường, cấp bức, thích vươn chơi thoải mái, và ghét gò bó, uất trệ.

Nếu gan khí hữu dư làm cho con người hay sợ sệt, kinh khiếp. Nếu gan khí sơ tiết quá độ sẽ xuất hiện chứng đau mắt, choáng váng, mắt đỏ, chảy nước mắt.

Gan khí uất ức, không sơ tiết được thành bệnh gan khí uất kết như chứng tức ngực, nghẹt thở rất khó chịu, tưởng bị tim hành phải đi cấp cứu bệnh viện, đau một hay cả hai bên giang sườn.

Gan tàng (chứa) huyết, nên đêm người thiếu máu không tàng đủ về gan cũng sinh ra mất ngủ, khác với tâm chủ về huyết. Gan tàng huyết là chỉ việc điều tiết lượng huyết.

Khi vận động lượng huyết phải gia tăng, khi nghỉ lưu lượng thông của huyết giảm bớt. Công năng điều tiết lượng huyết như vậy là nhờ vào gan.

Tinh hoa của gan hiện ra ở móng tay, móng chân. Nếu gan bị bệnh trầm trọng có thể làm móng tay đen lại. Gân bám vào xương, gân phần nhiều có liên hệ với gan.

Thí dụ người già động tác chậm chạp, vận động không nhanh nhẹn vì gan không dinh dưỡng đủ cho gân, gây ra co, giãn, duỗi của gân không đàn hồi bình thường, không những vậy còn làm cứng lại mà xuất hiện chứng co giật cấp tính hay vọp bẻ phần nhiều liên hệ tới gan.

Ngoài ra gan còn là một trong những tạng có nhiệm vụ thanh lọc rất quan trọng để bảo vệ sức khỏe của con người. Nhiệm vụ chính của gan là tẩy độc.

Gan sẽ trung hòa tất cả những độc tố trong máu và di chuyển chúng xuống thận. Thận, ruột non và ruột già thanh lọc một lần nữa. Thanh đi ngược lên phế trở lại, còn trọc thì tống ra ngoài theo đường tiểu tiện và đại tiện.

Gan còn chế biến tất cả những đồ ăn chúng ta ăn vào và chuyển hóa thành những dưỡng chất cần yếu để cơ thể chúng ta sẵn sàng hấp thụ.

Theo nghiên cứu của Bác Sĩ Bernad MD, những chất mỡ và cholesterol sau khi gan thanh lọc chuyển xuống thận và ruột để tiếp tục thanh lọc nữa, nhưng muốn thanh tẩy những chất này cần phải có chất xơ.

Có một số người không ăn rau trái và các hạt, nên không có chất xơ để chuyển những cholesterol, mỡ và tế bào ung thư ra ngoài, rồi chúng lại đi ngược về gan và cứ thế làm thành một vòng luẩn quẩn và càng ngày chất độc càng tích lũy càng nhiều mà gây ra bướu và ung thư là như vậy.

Gan là một tạng rất quan trọng, chúng ta có thể qua đời nếu gan ngưng hoạt động trong một vài tiếng.

Thường người ta không để ý đến là gan nhiều, bởi vì là gan không trực tiếp nối với dây thần kinh. Vào lúc mà chúng ta cảm thấy có điều gì không ổn định với tạng này, thì hầu như lúc đó gan đã bị hủy hoại tới 75%. Lúc sự hư hoại đã xuyên qua lớp ngoài của lá gan và chạm tới những dây thần kinh, thì cảm giác đau đớn mới nhận được. Đó là những triệu chứng báo động như viêm gan, xơ gan và ung thư gan.

Gan là nguyên nhân chính đóng góp vào việc ăn phải đi cầu ngay ngoài nguyên nhân do thói quen. Gan khí phạm tì gây ra đi cầu.

Gan thuộc hành mộc và tì thuộc hành thổ, theo ngũ hành mộc và thổ khắc nhau, cho nên bất cứ lý do gì làm gan khí bất thường là ảnh hưởng tới tì, làm tì khí đi xuống mà gây ra đi cầu.

Bao tử và tì là một cặp âm dương hỗ trợ nhau trong tiêu hóa. Bất cứ một sự mất quân bình nào của bao tử và tì gây ra bởi bất cứ lý do nào, cũng làm cho tiêu hóa bị trở ngại.

Mà gan mộc khắc với tì thổ. Một khi gan mất quân bình, sẽ ảnh hưởng qua tì, Đông y gọi là can khí phạm tì. Lý do vì lo âu quá độ, giận dữ, buồn phiền từ ngày nọ qua ngày kia, hay ăn uống quá nhiều chất béo, gan không hóa giải được, mà gây ra gan mất quân bình, phạm qua tì. Trong trường hợp này, thường chúng ta ăn vào là phải đi đại tiện ngay, hay sau khi chúng ta uống cà phê, rượu, ăn trứng….

Có người thì đi đại tiện bình thường, có người đi bị lỏng vì tì khí và thận khí của người đó bị suy.

Bài thuốc
1-Bạch thược 12 grs
2-Hoàng cầm 9 grs
3-Hoàng liên 3 grs
4-Đại hoàng 6 grs
5-Đương quy 9 grs
6-Quế bì 6 grs
7-Mộc hương 6 grs
8-Binh lăng 6 grs
9-Cam thảo 3 grs

-Bạch thược: Vị chính trong thang thuốc, làm giảm tức và đau ở thượng vị.
-Quế bì: Điều hòa khí tại trung tiêu.
-Đương quy: Bổ máu và phối hợp với bạch thược để trị đại tiện lỏng và bụng bị đau.
-Hoàng liên và hoàng cầm: Tiêu tích và đưa xuống ruột.
-Binh lăng: Giáng khí.
-Mộc hương: Trị đau bụng và bao tử.
-Cam thảo: Phối hợp các vị thuốc.

Ngoài ra chúng ta thường đi cầu theo thói quen ngày một lần sau khi ăn sáng là bình thường, không cần phải quan tâm tới đi cầu trước hay sau bữa ăn, nó là do cơ thể của từng người đã hoạt động như vậy.

Giới nhi khoa khuyên đừng cho trẻ em uống nước trái cây