Friday, April 26, 2024

Ðấu trường La Mã, kỳ quan mới thế giới

Trịnh Hảo Tâm

Ðấu trường La Mã (hay còn gọi là Roman Colosseum) có bình diện hình bầu dục ở về phía Nam thành phố Rome và nằm bên tả ngạn (bờ Ðông) sông Tiber, nước Ý.

Ðấu trường rất lớn, có chỗ ngồi cho 50,000 khán giả xem những cuộc tranh tài của võ sĩ giác đấu (gladiator), hay màn đánh với thú dữ như sư tử, cọp, hoặc cuộc hành hình đem tử tội cho thú dữ ăn thịt…

Ðấu trường bắt đầu được xây dựng dưới triều Hoàng Ðế Vespasian vào khoảng năm 70-72 Sau Công Nguyên. Người ta dùng vàng bạc thu được từ chiến lợi phẩm trong những cuộc xâm lăng các lân bang để xây dựng vận động trường này. Mục đích xây vận động trường là để làm nơi tranh tài thi đấu, giải trí cho dân chúng vừa là khải hoàn môn nơi tổ chức khao quân ăn mừng chiến thắng.

Hoàng Ðế Vespasian cho lấp ao hồ trong cung điện của bạo chúa Nero trước đây để xây Colosseum. Xây xong tầng thứ ba thì vua băng hà. Năm sau, Vua Titus, con của ông, cho khánh thành đấu trường này. Theo lịch sử ghi chép có khoảng 9,000 thú dữ bị sát hại trong những trận thi đấu trong dịp khánh thành đấu trường.

Ðấu trường được tu bổ thêm dưới thời con út của Vespasian là Vua Domitian. Ông cho xây thêm khu chuồng thú dưới hầm cũng là nơi giam giữ nô lệ, tử tội sắp bị hành hình cũng như xây thêm phần sân thượng để tăng sức chứa cho đấu trường.

Năm 217, đấu trường bị hỏa hoạn vì sét đánh làm thiêu rụi tầng ghế ngồi bằng gỗ, phải đến năm 240 mới sửa chữa và thêm hai đợt tu bổ nữa vào năm 250 và 320.

Bên trong đấu trường một thời được dùng làm pháo đài. (Hình: Trịnh Hảo Tâm)
Bên trong đấu trường một thời được dùng làm pháo đài. (Hình: Trịnh Hảo Tâm)

Theo sử liệu, đấu trường được trùng tu dưới thời Vua Theodosius 2 và Vua Valentinian 3 vì hư hại do trận động đất vào năm 443. Ðấu trường tiếp tục dùng để thi đấu cho đến thế kỷ thứ 6, những trận giác đấu còn được ghi nhận lần cuối cùng vào năm 435 và trò chơi giết thú dữ còn tiếp tục đến năm 523. Từ đó suốt thời gian dài gần 700 năm đấu trường gần như hoang phế.

Thời Trung Cổ, đấu trường La Mã nhiều lần bị thay đổi mục đích sử dụng, khoảng năm 1200 gia đình dòng họ Frangipani chiếm cứ Colosseum, xây thêm công sự phòng thủ và biến đấu trường thành một lâu đài.

Năm 1349, trận động đất lớn làm sụp đổ một phần phía Nam của bức tường ngoài. Ðá đổ xuống, đấu trường lại bị bỏ hoang, người ta lấy đá để xây cung điện, nhà thờ, bệnh viện khắp nơi trong thành Rome. Ðá cẩm thạch dùng để trang trí tiền diện các cung điện, những que đồng giữ đá trên tường được tháo ra khiến bộ mặt Colosseum loang lổ như hiện nay.

Thế kỷ 14, 15, đấu trường nguy nga, hoành tráng ngày nào trở thành mỏ đá lộ thiên để mọi người tự do khai thác.

Cuối thế kỷ 16 một nhà thờ nhỏ được xây trong sân vận động trường rồi sau đó những khoảng trống dưới những tầng ghế ngồi người ta biến thành nhà ở hay xưởng sản xuất đồ gia dụng và một nghĩa địa được thành lập trong sân vận động trường.

Trong hai thế kỷ 16 và 17 sau đó, giáo hội muốn tu sửa đấu trường to lớn này thành một nơi hữu dụng, Giáo Hoàng Sixtus V (1585-1590) muốn biến Colosseum thành xưởng dệt để tạo công ăn việc làm cho các phụ nữ mại dâm trong thành phố nhưng ông mất sớm nên kế hoạch không thành.

Ðấu trường La Mã hoang phế sau hai ngàn năm vì thiên tai động đất. (Hình: Trịnh Hảo Tâm)
Ðấu trường La Mã hoang phế sau hai ngàn năm vì thiên tai động đất. (Hình: Trịnh Hảo Tâm)

Năm 1749, Giáo Hoàng Benedict XIV công bố sắc phong đấu trường La Mã là thánh địa nơi người Thiên Chúa Giáo tử đạo dưới triều các bạo chúa trước thời vua Constantine. Ngày xưa những tín đồ bị giam vào đây và cho thú dữ xé thịt trước sự chứng kiến của dân chúng. Ông cấm việc lấy đá và xem đấu trường như đoạn đường khổ nạn của Chúa ngày trước, ông cho gắn các hình tượng Chúa chịu nạn (Chặn Ðàng Thánh Giá), công bố nơi đây là di tích tôn giáo.

Những thời giáo hoàng sau đó đã trùng tu lại đấu trường, dọn dẹp cây cối hoang tàn, bảo vệ kiến trúc không bị hư hại thêm, tiền diện được gia cố bằng gạch năm 1807 và 1827, bên trong đấu trường được sửa chữa vào các năm 1831, 1846 và thập niên 1930.

Gần đây nhất vì tình trạng ô nhiễm và sự xuống cấp theo thời gian nên đấu trường đã được đại tu bổ từ năm 1993 đến năm 2000 với kinh phí lên đến 20.6 triệu Euro.

Ngày nay đấu trường La Mã là một trong những điểm du lịch thu hút du khách vào bậc nhất ở Rome, đón tiếp hàng triệu người mỗi năm. Trong những năm gần đây đấu trường ngày trước cũng là pháp trường trở thành biểu tượng chống lại án tử hình, nhiều cuộc biểu tình đòi xóa bỏ án tử hình diễn ra nơi đây vào năm 2000.

Gần đây nhất vào Tháng Mười Hai, 2007, Colosseum được chiếu sáng đèn vàng kim khi tiểu bang New Jersey của Hoa Kỳ bãi bỏ án tử hình. Bên trong đấu trường còn ngổn ngang gạch đá nhà cửa thời xưa nên khó tổ chức những buổi ca hát, hòa nhạc ngoài trời nên những buổi trình diễn này thường được diễn ra ở bên ngoài đấu trường như của Ray Charles (5-2002), Paul McCartney (5-2003) và Elton John (9-2005).

Vào ngày 7 Tháng Bảy, 2007, đấu trường La Mã được bình chọn là một trong bảy kỳ quan mới thế giới (New Seven Wonders of the World).

Mời độc giả xem video: Điểm tin buổi sáng Thứ Sáu, ngày 14 tháng 10 năm 2016

Tác giả Trịnh Hảo Tâm đã xuất bản tám quyển ký sự du lịch gồm: Trên Những Nẻo Ðường Việt Nam; Miền Tây Hoa Kỳ; Ký Sự Du Lịch Trung Quốc; Mùa Thu Ðông Âu; Tây Âu Cổ Kính; Miền Ðông Nước Mỹ và Canada; Hành Hương Thánh Ðịa Do Thái; Nhật Bản, Hồng Kông-Macau, Thái Lan.

Sách dày trên 300 trang, trình bày đẹp, mỗi quyển giá $15 (bao cước phí trong nước Mỹ), xin liên lạc Trịnh Hảo Tâm qua số điện thoại (909) 489-2451, email: [email protected].

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT