Wednesday, May 8, 2024

Biểu tình Charlotte lan sang Atlanta; Clinton và Trump hủy viếng thăm

CHARLOTTE, North Carolina (NV) – Biểu tình ở thành phố Charlotte, North Carolina, phản đối vụ cảnh sát bắn chết người da đen, tiếp tục sang ngày thứ tư, và đến Thứ Sáu, lan sang cả Atlanta, Georgia, hình ảnh trên đài CNN cho thấy, trong khi hai ứng cử viên tổng thống hủy bỏ dự định đến thăm thành phố.

Tình hình càng căng thẳng hơn khi gia đình nạn nhân Keith Lamont Scott, người bị cảnh sát bắn chết, tung video cho thấy vụ cảnh sát bắn chết nạn nhân, trong đó vợ nạn nhân, bà Rakeyia Scott, nhiều lần la lớn “Đừng bắn ông ấy, đừng bắn ông ấy, ông ấy không có súng, ông ấy không làm gì mấy ông đâu, ông ấy bị chấn thương não (TBI), ông ấy vừa uống thuốc” trong khi nhiều xe cảnh sát bao vây và các cảnh sát viên đưa súng ra la lớn “Bỏ súng xuống, bỏ súng xuống” nhiều lần.

Rồi bà tiếp tục la lớn: “Keith, đừng để họ đập bể cửa kiếng xe, bước ra khỏi xe đi. Keith! Đừng làm vậy. Keith, ra khỏi xe. Keith! Keith, đừng làm vậy. Đừng làm vậy. Keith! Keith! Keith!”

Kế đến, video cho thấy cảnh sát nổ nhiều phát súng và sau đó bà vợ la lớn: “Mấy ông bắn ông ấy hả? Mấy ông bắn ông ấy hả? Ông ấy không nên chết.”

Thế rồi, một lúc sau, vài cảnh sát viên đứng vây quanh ông Scott mặc quần xanh dương, nằm trên bãi đậu xe, bất động, và sau đó được biết qua đời.

Đoạn phim cũng cho thấy một vật gì đó màu đen, gần nạn nhân, mà khi CNN hỏi các chuyên gia, không ai có thể xác định được đó có phải là khẩu súng hay không.

Trong khi đó, cảnh sát trưởng Charlotte-Mecklenberg, ông Kerr Putney, nhất quyết không công bố đoạn phim mà cảnh sát quay được, nói rằng sự việc đang được điều tra.

Trong ngày Thứ Sáu, hai ứng cử viên tổng thống đều có dự định sẽ đến thăm Charlotte, trong đó bà Hillary Clinton cho biết sẽ đến vào ngày Chủ Nhật.

Nạn nhân Keith Lamont Scott bị cảnh sát bắn chết tại bãi đậu xe. (Hình: Rakeyia Scott/Curry Law Firm via AP)
Nạn nhân Keith Lamont Scott bị cảnh sát bắn chết tại bãi đậu xe. (Hình: Rakeyia Scott/Curry Law Firm via AP)

Sau đó, bà Jennifer Roberts, thị trưởng Charlotte, phải lên đài CNN kêu gọi: “Chúng tôi trân trong sự ủng hộ của các ứng cử viên. Chúng tôi trân trọng họ quan tâm đến Charlotte. Vào thời điểm này, chúng tôi phải sử dụng tất cả nhân viên công lực để bảo vệ an ninh. Nếu có cách nào đó hoãn sự viếng thăm này, để chúng tôi bảo đảm thành phố trở lại bình thường, điều đó thật là lý tưởng.”

Sau đó, cả hai ban vận động của bà Hillary Clinton và ông Donald Trump đều cho biết họ sẽ không đến Charlotte nữa.

Cũng hôm Thứ Sáu, cảnh sát North Carolina nói họ vừa bắt người đàn ông có liên hệ đến vụ anh Justin Carr bị bắn chết ở Charlotte.

Theo CNN, ông Rayquan Borum bị bắt vào sáng hôm Thứ Sáu vì tình nghi sát nhân liên quan đến cái chết của anh Carr, người bị bắn gần một khách sạn vào đêm Thứ Tư, lúc người dân địa phương đang biểu tình phản đối vụ cảnh sát bắn chết một người da đen hồi đầu tuần.

Cảnh Sát Trưởng Kerr Putney cho biết nhà chức trách nhận diện ông Borum là nghi can nhờ hệ thống máy thu hình an ninh.

Đoạn video chưa được công bố và ông Putney cũng không cho biết lý do vì sao anh Carr bị bắn.

Anh Carr, 26 tuổi, bị bắn khi người biểu tình và cảnh sát đối đầu nhau bên ngoài khách sạn Omni Hotel.

Nạn nhân qua đời hôm Thứ Năm, sau khi được đưa đến bệnh viện.

Thoạt đầu, cảnh sát giải thích rằng họ tin là một người thường dân nào đó đã bắn anh Carr nhưng chưa bắt được ai.

Mời độc giả xem video: Biểu tình ở Charlotte tiếp diễn, thống đốc huy động lực lượng Vệ Binh Quốc Gia

Đến hôm Thứ Năm, ông Putney nói, nhà chức trách trong khi xem xét những tố giác nói rằng cảnh sát có thể là người bắn, họ mới duyệt lại các video và từ đó mới xác định được ai là thủ phạm.

Cũng trong hôm Thứ Năm, Dân Biểu Liên Bang Robert Pittenger lên tiếng xin lỗi sau khi phát biểu rằng bạo động ở Charlotte bắt nguồn từ những người biểu tình “ghét người da trắng vì người da trắng thành công hơn họ.”

Ông Pittenger thuộc đảng Cộng Hòa mà địa hạt ông bao gồm nhiều phần của thành phố, nơi vụ biểu tình biến thành bạo động.

Không những phát biểu như vậy, ông Pittenger còn chỉ trích phần lớn họ là những người đang nhận tiền trợ cấp welfare của chính phủ.

Sau đó ông viết lời xin lỗi trên mạng xã hội Twitter, bào chữa rằng, ông thông cảm người Mỹ gôc Phi Châu gặp khó khăn về kinh tế do chính sách thất bại (của chính phủ). (TP, Đ.D.)

MỚI CẬP NHẬT