Friday, March 29, 2024

Cộng Hòa phẫn nộ vì Trump không bàn với họ về sắc lệnh di dân

WASHINGTON, DC (NV) – Sắc lệnh tạm cấm di dân bảy nước Hồi Giáo nhập cảnh vào Hoa Kỳ của Tổng Thống Donald Trump khiến mối quan hệ mong manh giữa ông với các dân cử Cộng Hòa ngày càng rạn nứt trầm trọng thêm.

Các nhà lãnh đạo Cộng Hòa ở Quốc Hội hôm Thứ Hai giận dữ phản đối rằng lệnh cấm được đưa ra mà không hề tham khảo với họ.

Ít nhất một chục nhà lập pháp Cộng Hòa quan trọng bày tỏ sự sửng sốt khi lệnh hành pháp của ông Trump được ban hành.

Trong số này có các thượng nghị sĩ Bob Corker (Cộng Hòa-Tennessee), chủ tịch Ủy Ban Đối Ngoại Thượng Viện; John Cornyn (Cộng Hòa-Texas), phụ tá trưởng khối đa số Thượng Viện; và Charles E Grassley (Cộng Hòa-Iowa), chủ tịch Ủy Ban Tư Pháp Thượng Viện.

Phát ngôn viên các thượng nghị sĩ, Mike Lee (Cộng Hòa-Utah), Rob Portman (Cộng Hòa-Ohio), và Lindsey O Graham (Cộng Hòa-South Carolina), cũng xác nhận những dân cử này không hề được tham khảo.

Những phát biểu của các lãnh đạo Cộng Hòa ở Hạ và Thượng Viện trái ngược với tuyên bố của ông Sean Spicer, phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc, trước đó trong cùng ngày.

Trong cuộc họp báo ngắn, ông Spicer nói rằng thành viên các ủy ban Quốc Hội liên hệ có hội ý trước khi lệnh hành pháp của tổng thống được ban hành.

Tuy nhiên, ông không chịu nói rõ những thành viên đó là ai.

Đêm Thứ Hai, ông Trump ra lệnh cách chức bà Sally Q Yates, quyền bộ trưởng Bộ Tư Pháp, sau khi bà ra lệnh cho cơ quan này không được bênh vực lệnh hành pháp, đóng cửa biên giới đối với di dân Hồi Giáo của ông Trump.

Tổng Thống Trump nói rằng tuyên bố của bà Yates là phản bội lại đường lối của chính phủ.

Ông Trump chỉ định ông Dana J Boente, công tố viên liên bang khu vực miền Đông tiểu bang Virginia, làm quyền bộ trưởng cho đến khi Thượng Nghị Sĩ Jeff Sessions (Cộng Hòa-Alabama) được Quốc Hội chuẩn thuận là người chính thức đứng đầu Bộ Tư Pháp.

Bà Yates, trong cuộc điều trần trước Thượng Viện vào năm 2015, khi được Tổng Thống Barack Obama đề cử làm thứ trưởng, bị chất vấn rằng bà có dám thách thức lại ông Obama trong trường hợp bà có điều không đồng ý với tổng thống.

Lệnh cấm di dân được giới ủng hộ Tổng Thống Trump hoan nghênh

Người đặt câu hỏi bấy giờ chính là Thượng Nghị Sĩ Sessions.

Ông Sessions lúc ấy nói: “Bà hãy coi chừng vì người ta sẽ yêu cầu bà làm những điều mà bà cần phải biết trả lời ‘không.’ Bà có nghĩ rằng bộ trưởng tư pháp có trách nhiệm phải nói không với tổng thống một khi tổng thống đòi hỏi những điều không chính đáng không?”

Nếu tổng thống muốn thực thi điều xét thấy không hợp pháp thì bộ trưởng hay thứ trưởng tư pháp có trả lời ‘không’ hay không?” ông Sessions hỏi thêm.

Bấy giờ bà Yates đáp: “Thưa thượng nghị sĩ, tôi tin rằng bộ trưởng hay thứ trưởng tư pháp bắt buộc phải làm việc dựa theo luật pháp và Hiến Pháp của Hoa Kỳ, và có nhiệm vụ cố vấn về pháp lý một cách độc lập đối với tổng thống.”

Trong khi đó, cựu Tổng Thống Obama phá vỡ sự im lặng 10 ngày sau khi bàn giao chức vụ cho người kế nhiệm.

Ông đưa ra một thông điệp ngắn, chỉ trích sắc lệnh hành pháp cấm di dân Hồi Giáo đầy tranh cãi của Tổng Thống Trump.

Một phát ngôn viên của ông Obama nói: “Tổng thống (Obama) trên căn bản không tán đồng đối với ý niệm phân biệt cá nhân dựa trên tín ngưỡng của họ.”

Hôm Thứ Hai, ông Kevin Lewis, phát ngôn viên của cựu Tổng Thống Obama, nói: “Trong bài diễn văn chính thức cuối cùng với tư cách một tổng thống, ông ấy (Obama) nói về tầm quan trọng của người công dân và trách nhiệm của mọi người Mỹ là bảo vệ nền dân chủ của chúng ta, không chỉ trong thời gian bầu cử mà còn trong cuộc sống hàng ngày.”

Ông Lewis tiếp: “Người công dân cần thực thi những quyền hiến định như hội họp, tổ chức và làm sao để tiếng nói của họ đến tai các dân cử; đó chính là điều mà chúng ta phải bảo vệ một khi cảm thấy những giá trị của nước Mỹ bị lâm nguy.” (TP)

MỚI CẬP NHẬT