Thursday, April 25, 2024

Duterte, ‘cái gai’ trong chính sách của Mỹ ở Châu Á?

Hà Tường Cát/Người Việt
(tổng hợp)

Trong lúc các nước Đông Nam Á đang tìm cách hợp lực đối phó với sự bành trướng của Trung Quốc trong vùng Biển Đông, thì tân tổng thống Philippines, ông Rodrigo Duterte, có những hành động và phát biểu tỏ ra muốn theo một đường lối khác.

Kể từ khi tuyên thệ hôm 30 Tháng Sáu, trong vòng chưa đầy ba tháng, vị tổng thống thứ 16 của Philippines tạo ra nhiều quan tâm trong dư luận quốc tế. Hàng ngàn thành viên băng đảng và tội phạm ma túy bị sát hại không qua thủ tục pháp lý và tình trạng vi phạm nhân quyền này đã khiến Tổng Thống Barack Obama của Mỹ có ý định đặt vấn đề với ông Duterte nhân khi cùng tham dự một hội nghị thượng đỉnh tại Lào tuần trước.

Nhưng cuộc họp bị Tòa Bạch Ốc loan báo hủy bỏ khi ông Duterte cho rằng Mỹ can thiệp vào chủ quyền nội bộ Philippines và ông có lời lẽ xúc phạm Tổng Thống Obama. Sau đó hai nhà lãnh đạo chỉ gặp gỡ nhau sơ sài và không có thảo luận chính thức. Thế rồi, ông Duterte lại nói là chính ông đã yêu cầu hủy bỏ cuộc gặp gỡ. Tòa Bạch Ốc không bình luận gì thêm về chuyện này.

Đến ngày Thứ Hai, ông Duterte lên tiếng cho rằng quân đội Mỹ nên rời khỏi quần đảo Mindanao, phía Nam Philippines. Một đơn vị lực lượng đặc biệt Mỹ hiện đang hoạt động trên đảo này để trợ giúp Philippines dẹp nhóm Hồi Giáo ly khai Abu Sayaf nổi dậy từ hàng chục năm nay. Ông cũng nói quân đội Philippines sẽ không tham gia những cuộc tuần tiễu hỗn hợp trên Biển Đông với Mỹ hay các nước khác, vì có thể rủi ro gây nên xung đột ở những vùng biển tranh chấp. Việc tuần tiễu hỗn hợp như thế đã được thực hiện từ đầu năm nay trước khi Tổng Thống Duterte lên nắm quyền.

Ông Duterte còn cho biết Philippines muốn xem xét có thể mua trang bị quân sự của Trung Quốc và Nga sau khi đã được đề nghị cho vay tín dụng hoàn trả dài hạn. Ông yêu cầu bộ trưởng Quốc Phòng Philippines đi thăm hai nước này để nghiên cứu khả năng.

Tuy đưa ra những lời lẽ ấy, ông Duterte vẫn xác định với quân đội Philippines rằng ông không ý định cắt đứt quan hệ với Washington. Bộ Ngoại Giao Mỹ cho rằng một số những ý kiến của ông Duterte là “không có lợi ích,” nhưng quyết tâm gắn bó của Mỹ với Philippines vẫn không thay đổi. Phát ngôn viên John Kirby của Bộ Ngoại Giao Mỹ tuyên bố: “Chúng tôi vẫn tin vào tầm quan trọng của mối quan hệ song phương này.”

Chuẩn Tướng Resttituto Padilla, phát ngôn viên quân đội Philippines, muốn làm nhẹ căng thẳng trong việc Tổng Thống Duterte muốn Mỹ rút quân, giải thích là nhà lãnh đạo Philippines chỉ đề nghị quân Mỹ rút khỏi Mindanao nhằm tránh những va chạm vô ích và có hại cho họ vì không hiểu rõ nội tình phiến quân Abu Sayyaf.

Một giới chức cao cấp Bộ Ngoại Giao Nhật nói rằng Tokyo và Washington có cùng mục tiêu ở Philippines, nhưng theo những cách tiếp cận khác nhau. Về Biển Đông và biển Hoa Đông, hai nước gắn bó với nguyên tắc dàn xếp tranh chấp bằng công pháp quốc tế. Đầu tháng này, Nhật đã chấp thuận viện trợ cho Philippines hai tầu tuần biển cỡ lớn và 10 tàu tuần duyên nhỏ, chiếc đầu tiên đã được chuyển giao từ hôm 18 Tháng Tám. Ngoài ra, Nhật nhượng cho Philippines quyền sử dụng năm máy bay tuần thám TC-90.

Điều mà người ta chú ý bây giờ là quan hệ Trung Quốc-Philippines sẽ phát triển như thế nào. Theo dự đoán, Chủ Tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc sẽ đề nghị một thỏa hiệp tránh đụng chạm đến vấn đề chủ quyền hải đảo. Mỹ và Nhật là hai đối tác thương mại quan trọng nhất của Philippines. Bây giờ, nếu Philippines lôi kéo thêm được Trung Quốc thì về mặt kinh tế sẽ là thêm lợi ích.

Ký giả Norman Aquino của hãng tin Bloomberg nhận xét rằng ông Duterte là con người khó hiểu, không thể nào dự đoán ông muốn gì. Lúc thì ông ca tụng Trung Quốc “hào phóng,” khi khác lại hăm dọa Trung Quốc sẽ phải đổ nhiều máu nếu có ý định xâm lăng Philippines. Tuy vậy, điểm quan trọng nhất cần lưu ý là thái độ của ông Duterte đã làm phương hại nỗ lực kết hợp những đồng minh của Mỹ ở Châu Á, từ Nhật đến Việt Nam và Úc, trong chiến lược ngăn chặn Trung Quốc bành trướng.

Chuyển hướng về phía Trung Quốc của ông Duterte tuy nhiên không phải là đơn giản. Nếu Trung Quốc không chịu dành cho Philippines nhượng bộ có thực chất như là chủ quyền và quyền đánh bắt hải sản trong vùng bãi đá Scarborough ở Biển Đông thì ông Duterte sẽ đụng phải các phản úng từ quốc nội. Mà muốn làm vừa lòng Trung Quốc trong việc bảo vệ quyền lợi của họ trên các đảo nhân tạo ở Trường Sa thì Philippines phải cắt bỏ các quan hệ an ninh với Mỹ, Nhật, và Úc, chưa kể trong tình huống ấy, Philippines sẽ là đảo quốc ở vị trí cô đơn với các nước ASEAN.

Và cũng không nên quên rằng về mặt kinh tế, trước đây Philippines chỉ đứng hạng cao hơn Bangladesh, cho đến thời Tổng Thống Benigno Aquino III bằng chính sách phát triển quan hệ với Mỹ, đã tiến lên hàng thứ 70 trong 160 quốc gia theo xếp hạng của Index of Economic Freedom 2016.

Như vậy, liệu Philippines có thể dễ dàng thiên về Trung Quốc và làm trở ngại cho chiến lược Châu Á của Mỹ hay không?

MỚI CẬP NHẬT