Friday, March 29, 2024

Hãy thích ứng với Tổng Thống Trump

Hà Tường Cát/Người Việt
(tổng hợp)

Trong mấy ngày gần đây, có những dư luận, hầu hết không phải xuất phát những cơ quan truyền thông chính, dựa trên tính cách phức tạp trong hệ thống bầu cử Mỹ, nói rằng “ông Donald Trump chưa chắc trở thành tổng thống Mỹ thứ 45.” Và theo họ, “bà Hillary Clinton chưa hết hy vọng.”

Chuyện ấy có thể là để an ủi những người bất mãn về ông Trump, nhưng nên kềm chế ở chỗ đừng gây ra cho họ những mong chờ hoang tưởng, cho dù “chuyện gì cũng có thể xảy ra.” Lý luận và giả thuyết của con người là vô tận, nhưng thực tế mọi chuyện xảy ra không bao giờ có thể là vô hạn, vì còn chịu tác động của nhiều yếu tố khác.

Chúng ta, công dân Mỹ, hãy có quan điểm thực dụng là dù muốn hay không muốn, phải tìm cách thích ứng với ông Donald Trump. Trong nhãn quan của người ngoại quốc, ông Trump là một hiện tượng kỳ cục khó hiểu, nhưng dân Mỹ không nhìn mọi sự như thế, tinh thần dân chủ Mỹ là chấp nhận mọi thực tế.

Nhiều người vẫn thường ngộ nhận hay mô tả đơn giản rằng dân chủ là đa số thắng thiểu số. Quan niệm ấy không chính xác. Thật ra dân chủ chỉ là sự xác định nguyện vọng của một tập thể này thắng một hay những tập thể khác mà thôi. Ông Trump thắng cử với ít nhất 270 phiếu đại cử tri, rõ ràng không phải là đa số trong 325 triệu dân Mỹ (kể cả số chưa có quyền bầu cử).

CNN cho rằng, ngăn chặn ông Trump bằng con đường cử tri đoàn là “Mission Impossible,” mượn tên của bộ phim truyện trinh thám rất quen biết. Dù nhiều người không hiểu rõ, hoặc không đồng ý với thể thức cử tri đoàn trong hệ thống bầu cử tổng thống Mỹ, nhưng đây là truyền thống đã giúp cho nền dân chủ Mỹ ổn định từ hơn 240 năm. Muốn thay đổi thể thức ấy, phải qua những thủ tục phức tạp và khó khăn để tu chính Hiến Pháp.

Chính ông Donald Trump và mới đây nhất Thượng Nghị Sĩ Bernie Sanders (Độc Lập-Vermont) cũng như Thượng Nghị Sĩ Barbara Boxer (Dân Chủ-California) cũng cho rằng nên sửa đổi. Tuy vậy, theo ý kiến của những người bênh vực, thì cử tri đoàn là một phương cách hợp lý để dung hòa quyền của dân chúng với quyền của các tiểu bang.

Cũng có những người khác chờ đợi xem việc ông Trump đang còn phải đối phó với một loạt 75 vụ kiện và sẽ phải ra tòa ngày 28 Tháng Mười Một. Nếu ông bị kết án trong một số các vụ ấy thì sẽ không được làm tổng thống. Lập luận ấy không đúng. Cho dù một tòa nào đó có phán quyết trước ngày 20 Tháng Giêng, ngày ông tuyên thệ nhậm chức, vẫn chưa đủ giá trị, vì bị đơn có quyền khiếu nại qua nhiều cấp kéo dài trong thời gian rất lâu. Vì vậy, đó chưa phải là bản án cuối cùng.

Hơn nữa, nếu ông Trump phạm tội, ông có quyền “ân xá cho chính mình” nếu muốn. Điều 2, Chương 2 Hiến Pháp dành cho tổng thống đặc quyền ân xá cho bất cứ tội phạm nào không cần hỏi ý kiến ngành lập pháp hay tư pháp. Năm 1974, Tổng Thống Gerald Ford ân xá cho cựu Tổng Thống Richard Nixon dù ông Nixon chưa bị kết án và cũng chưa bị truy tố. Người ta bàn tán nhiều về việc liệu Tổng Thống Barack Obama có ân xá cho bà Hillary Clinton hay không. Nhưng dự đoán ấy còn quá sớm vì ông Obama còn hơn hai tháng trong nhiệm kỳ, có đủ thời gian để cân nhắc tùy theo tình thế. Bà Clinton không cần phải nạp đơn xin, và cũng có quyền khước từ ân xá, vì nhận thì có nghĩa là bà thừa nhận có tội.

Hiến Pháp trao cho tổng thống quyền ân xá không giới hạn với một ai, có nghĩa là ông Trump có thể ân xá cho chính mình. Tuy nhiên, trong lịch sử Mỹ, chưa bao giờ có tiền lệ ấy, và các chuyên gia pháp lý còn tranh luận nhiều, nhưng đa số đồng ý là ông Trump được quyền làm như thế. Năm 1998, Tổng Thống Bill Clinton được các cố vấn pháp lý khuyên nên ân xá cho chính ông trong vụ tai tiếng Monica Lewinsky. Nhưng ông từ chối dùng quyền ấy và cuối cùng Thượng Viện biểu quyết không truất phế ông.

Tóm lại, rủi ro duy nhất của ông Donald Trump chỉ có thể là Quốc Hội đưa ông ra hạch tội (hay đàn hặc, một danh từ cổ có ý nghĩa tương đương từ thời quân chủ), nếu nhận thấy ông phạm lỗi hay có hành động sai lầm gì sau này. Và duy nhất chỉ có Quốc Hội có thể truất phế ông.

Không chấp nhận ông tổng thống Trump là phản ứng tất yếu của nhiều người dân. Biểu tình phản đối là sinh hoạt chính trị bình thường của người Mỹ, với điều kiện không bạo động và làm rối loạn trật tự xã hội. Cũng nên hiểu rằng, đối phó với tình trạng ấy là trách nhiệm của chính quyền địa phương và tiểu bang chứ không phải liên bang.

Giám đốc tranh cử của ông Trump, bà Kellyane Conway, mắc sai lầm lớn khi cho rằng Tổng Thống Obama và bà Hillary Clinton phải lên tiếng kêu gọi những người biểu tình ngưng ngay. Hai người đã làm đúng bổn phận của họ và không có lý do gì để đòi hỏi thêm. Chính ông Trump cũng sai khi đổ lỗi cho truyền thông xúi giục biểu tình, ông chưa tỏ ra có độ lượng của người thắng cuộc và phẩm cách của một nhà lãnh đạo.

Phong trào biểu tình rộng lớn trên khắp nước Mỹ rồi sẽ tự chấm dứt và kiến nghị yêu cầu duyệt xét lại cuộc bầu cử, với hơn 4 triệu chữ ký, sẽ chỉ có giá trị tinh thần. Không thể dùng phương cách giải quyết nào khác vì sẽ mở đường đưa đất nước vào khủng hoảng như ở các quốc gia độc tài hay chưa có truyền thống dân chủ tự do.

Mời độc giả xem video: Tổng thống Obama cho rằng xã hội dân chủ giúp kinh tế tăng trưởng

Tổng Thống Obama chắc chắn là một trong những người thất vọng nhất đối với người kế nhiệm mình. Ngay lúc này, ông chỉ có thể tỏ bày hy vọng ông Trump không làm theo tất cả những điều đã tuyên bố khi tranh cử. Không phải ông Obama ngây thơ tin rằng ông Trump sẽ tự chế, biết cân nhắc và tôn trọng truyền thống của các nhà lãnh đạo nước Mỹ. Đó chỉ là tâm trạng của bất cứ ai khi thất bại trong ý muốn bảo vệ những thành quả mình đã nỗ lực thực hiện ở quốc nội cũng như quốc ngoại. Một ông tổng thống sắp mãn nhiệm không có khả năng vượt lên hơn được hoài vọng ấy, nếu có chăng, chưa biết trong hai tháng cuối cùng ở Tòa Bạch Ốc ông có thể tạo được ảnh hưởng gì khác bằng thương lượng chính trị hay không.

Người dân Mỹ, chống hay mong đợi ông Trump, ngay lúc này nên bày tỏ tinh thần hiểu biết, tránh những thái độ cùng hành động thiếu xây dựng, gây chia rẽ và khó khăn cho xã hội. Chỉ bằng suy nghĩ hay chỉ căn cứ trên một vài sự kiện ban đầu xung quanh, người dân Mỹ có hàng trăm điều bi quan đồng thời với những lạc quan, quá mức. Rồi còn vai trò quốc tế của nước Mỹ, đặc biệt là tương lai của Biển Đông, đến nay hoàn toàn mới chỉ là suy luận không có căn cứ cụ thể, chỉ nên xem xét khi biết chuyển biến thực tế thế nào.

Trong khuôn khổ của loạt bài hậu bầu cử này, chúng tôi sẽ lần lượt đề cập và phân tích đầy đủ hơn các vấn đề ấy, không vội vã và tránh lầm lẫn, vì hầu hết đều mới chỉ trong vòng dự đoán.

MỚI CẬP NHẬT