Tuesday, April 23, 2024

Ái Hữu Vĩnh Long và cựu học sinh Tống Phước Hiệp hội ngộ Xuân Đinh Dậu

Linh Nguyễn/Người Việt

GARDEN GROVE, California (NV) – Buổi hội ngộ, do hai hội ái hữu Vĩnh Long và Cựu Học Sinh Trung Học Tống Phước Hiệp tổ chức, tưng bừng diễn ra lúc 11 giờ sáng Thứ Bảy, 21 Tháng Giêng, tại nhà hàng Diamond Seafood Palace, Garden Grove.

Ban hợp ca Vĩnh Long-Tống Phước Hiệp trình diễn bài “Ly Rượu Mừng.” (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)
Ban hợp ca Vĩnh Long-Tống Phước Hiệp trình diễn bài “Ly Rượu Mừng.” (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)

“Hai hội chúng tôi phối hợp cùng tổ chức buổi hội ngộ trong bầu không khí thân mật hôm nay, để đồng hương và thầy trò có cơ hội hàn huyên, gặp lại nhau vui mừng trong không khí Tết sắp tới,” ông Phạm Văn Long, hội trưởng Hội Vĩnh Long, phát biểu và chào mừng mọi người tham dự.

Ông Long cũng nhận xét rằng năm Bính Thân là năm mà hội Vĩnh Long có nhiều hội viên lớn tuổi đã ra đi, như cựu Thượng Nghị Sĩ Lê Châu Lộc, Giáo Sư Nguyễn Thanh Liêm và vài người khác.

Trước đó, Giáo Sư Võ Thị Ngọc Dung, hội trưởng Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Tống Phước Hiệp, chào mừng và chúc Tết các cựu giáo chức và học sinh của trường.

Chương trình văn nghệ bắt đầu với bài hợp ca “Ly Rượu Mừng.” Đặc biệt các chị duyên dáng trong những tà áo dài đủ màu sắc với những hình ảnh hoa Tết trên áo, khiến không khí trong nhà hàng trở nên vui nhộn, đầm ấm.

MC Nguyễn Ngọc Long giới thiệu bà Chiêu Fụng, trưởng ban văn nghệ.

“Trước khi vào chương trình, chúng tôi cũng xin nhắc đến cố nhà văn Bùi Bảo Trúc, người mới vĩnh viễn ra đi. Lý do là khi còn sinh tiền, năm nào anh cũng đến với chúng ta. Tôi còn nhớ anh nói ‘anh là người Vĩnh Long, chỉ khác là anh nói giọng Bắc thôi’!” bà nói.

Chương trình được tiếp nối với màn song ca bài “Khúc Ca Miền Nam” do Bích Thủy và Thanh Uyên trình diễn.

Hội Trưởng Phạm Văn Long (bìa phải) và một số đồng hương sinh hoạt với hội từ những ngày đầu. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)
Hội Trưởng Phạm Văn Long (bìa phải) và một số đồng hương sinh hoạt với hội từ những ngày đầu. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)

Ca sĩ Bảo Nam kế tiếp với bài “Phút Giao Thừa” của Trần Thiện Thanh, với lời ca gởi gắm những kỷ niệm về cuộc chiến trước năm 1975.

Sau đó các nhạc phẩm về Xuân được nhiều thân hữu của Hội Vĩnh Long và các ca sĩ ‘cây nhà lá vườn’ trình diễn.

Nhân dịp này Hội trưởng Phạm Văn Long cũng chúc thọ ông Võ Văn Mười, vị trưởng lão, 96 tuổi. Tuy ngồi xe lăn nhưng vẫn đến tham dự.

“Cụ Võ Văn Mười là bạn của người anh cả của tôi. Hai người khi còn trẻ gia nhập đoàn Thanh Niên Tiền Phong của Việt Minh để chống Pháp, nhưng khi biết được sự thật, cụ Mười và anh tôi đã rời hàng ngũ Việt Minh để tham gia Hải Quân VNCH,” ông Long kể.

“Cụ Mười là cựu trung tá hải quân và phục vụ tại Hải Quân Công Xưởng trước năm 1975,” ông nói thêm.

Sau đó chương trình văn nghệ tiếp tục. Mọi người tham dự vui vẻ hàn huyên với những câu chào hỏi và những cái ôm đầy ắp tình đồng hương hay thầy trò.

Tại một bàn, phía trái sân khấu, ông Đào Hữu Ngạn, cựu hội trưởng, giới thiệu người con trai tên Deric Quang Đào, qua Mỹ mới 13 tuổi, nay 47 tuổi và vừa được lên lon đại úy Hải Quân Trừ Bị của Hoa Kỳ.

“Cháu năm nào cũng tham dự ‘Ngày Vĩnh Long’. Đi để biết thêm về quá khứ của các bác lớn tuổi và những điều đặc biệt của Vĩnh Long,” người quân nhân gốc Việt vui vẻ nói với nhật báo Người Việt.

Ông Ngạn cho biết thêm: “Xưa tôi là trưởng ty giáo dục ở Vĩnh Long. Tôi có được năm người con trai, đa số tham gia quân đội Hoa Kỳ, và có hai người con gái. Hồi ở Việt Nam, các cháu hận Cộng Sản không cho đi học nên khi được qua Mỹ, đứa nào cũng nhớ, lo học và được thành tài.”

Trong khi xem văn nghệ, ông Trương Đại Nghĩa, một người tham dự, 76 tuổi, cư dân Stanton, chia sẻ sự hãnh diện của người dân Vĩnh Long: “Vĩnh Long là đất địa linh nhân kiệt. Cụ Phan Thanh Giản từng là kinh lược sứ ba tỉnh miền Tây, sau giữ thành Long Hồ, bị Việt Cộng cho là cụ đầu hàng giặc Pháp và sau cụ tự vẫn chết để phản đối.”

Ông Phạm Văn Long, đại diện, chúc thọ trưởng lão Võ Văn Mười, 96 tuổi. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)
Ông Phạm Văn Long (trái), đại diện, chúc thọ trưởng lão Võ Văn Mười, 96 tuổi. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)

Một người tham dự khác, ông Lê Thành Thưởng, 76 tuổi, cư dân Westminster, chia sẻ những địa danh đặc biệt: “Khi nói đến Vĩnh Long, phải nói đến Trung Học Nguyễn Thông và ‘cây da cửa hữu’ trước Miếu Bảy Bà.”

Ông Nguyễn Lộc Thọ, cựu giáo sư dạy Trung Học Tống Phước Hiệp, bồi hồi tâm sự: “Tôi dạy được bốn năm tại trường nhưng có rất nhiều kỷ niệm với học trò. Tôi buồn nhất là trường bị Việt Cộng đổi tên thành Trung Học Lưu Văn Liệt, một tên đặc công ném lựu đạn vào quán rượu có lính Mỹ, nhưng bị cảnh sát quốc gia bắn chết.”

“Hôm nay đến đây, gặp lại người cùng xứ khiến tôi nhớ lại tượng đài ba con rồng tại chợ Vĩnh Long do tôi xây, sau bốn năm từ ngục tù Cộng Sản trở về.,” ông Lưu Thành, 70 tuổi, hiện cư ngụ ở Anaheim, tâm sự.

Theo lịch sử ghi lại, Vĩnh Long là một tỉnh thuộc miền Tây đồng bằng sông Cửu Long, là một vùng đất địa linh nhân kiệt, trọng nhân nghĩa và đạo học với những nhân tài như các cụ Phan Thanh Giản, Tống Phước Hiệp, Nguyễn Thông, Trương Vĩnh Ký… Người Vĩnh Long hiền hòa vui tính cũng như khí hậu ôn hòa của miền đất trù phú này cống hiến cho xã hội và kinh tế của đất nước nhiều nhân tài, vật lực, trong suốt quá trình lịch sử Việt Nam.

Mời độc giả xem video: Vẻ đẹp lặng lẽ Rừng Trà Trà Sư, An Giang

Liên lạc tác giả: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT