Friday, April 26, 2024

Little Saigon: ‘Dẫn trẻ qua đường’, nghề của tâm và thiện

Khoa Lại/Người Việt

LITTLE SAIGON, California (NV) – Dẫn trẻ qua đường ở các trường học, công việc tưởng chừng rất dễ, nhưng ở Little Saigon, công việc này phần lớn do người Mỹ trắng đảm trách.

Có người đến với nghề một cách ngẫu nhiên, từ việc đưa cháu đi học rồi đam mê; có người nhiều thời gian rảnh hơn khi về hưu và làm công việc này như cách kiếm thêm thu nhập.

Ông Don Peterson, 82 tuổi, làm công việc đưa học sinh qua đường tại trường Ethan B. Allen Elementary School ở Fountain Valley được 14 năm, chia sẻ ông đến với nghề “một cách rất tình cờ.”

Ông cho biết, vợ ông từng là quản lý của khoảng 40 người dẫn trẻ qua đường cho các khu Fountain Valley, Huntington Beach và Costa Mesa; nên sau khi về hưu, vợ ông giới thiệu ông vào nghề này.

Cũng là cơ duyên

“Vợ tôi không muốn tôi về hưu. Bà hay than phiền thiếu người nên kêu tôi vào làm để bổ sung nguồn nhân lực,” ông Peterson chia sẻ.

Còn bà Leona Shaffer, 85 tuổi, đến với nghề do một người con nuôi của bà từng học tại trường Urbain H. Plavan Elementary School, Fountain Valley. Bà nói, đây là công việc duy nhất đang làm sau khi về hưu … ba lần, và đây cũng là cách kiếm thêm thu nhập để phụ tiền chợ hằng ngày.

“Con gái tôi suốt ngày ở ngoài đường, không lấy chồng hay có con cái gì. Vì thèm có cháu bồng nên tôi đi nhận nuôi một đứa. Khi cháu học cấp một, và khi ấy trường cũng đang thiếu người dẫn trẻ qua đường, tôi xin làm để hằng ngày có thể dẫn cháu mình cùng những đứa trẻ khác đến trường  an toàn,” bà Leona tâm sự.

Bà nói tiếp: “Dù nay cháu đã 26 tuổi, theo học trường Orange Coast College, mỗi lần tôi dẫn các bé qua đường, lại thấy kỷ niệm từ 17 năm trước khi tôi dẫn cháu mình đi học.”

Trong khi đó, ông Tim Jaskell, 66 tuổi, làm việc tại trường Star View Elementary School, Westminster, đến với nghề vì muốn “dùng cơ hội này để ra khỏi nhà, vận động cơ thể, trí óc, và muốn kiếm thêm thu nhập.”

Mời độc giả xem video Điểm tin buổi sáng Thứ Hai, ngày 17 tháng 10 năm 2016

“Tôi tin vào việc nên ra khỏi nhà hằng ngày và làm việc có thời gian biểu. Nên tôi đến công việc này vì tôi tin việc này giúp tôi cân bằng cuộc sống và khiến tôi thấy cuộc đời có ý nghĩa hơn,” ông kể.

Ông cũng cho biết, vốn là một bệnh nhân từng được ghép nội tạng và phải uống thuốc hằng ngày, nhưng do thuốc có nhiều phản ứng phụ, ông không thể ra nắng lâu. Dù vậy ông vẫn làm việc này mỗi ngày, đều đặn. Sau khi tham khảo với bác sĩ nhằm tìm hướng giải quyết, bác sĩ khuyên ông nên đeo găng tay, đội nón và tránh nắng để không bị phản ứng phụ.

“Ở đây, nhân viên nhận được lương tối thiểu là $10 và làm 3 tiếng một ngày không tính Thứ Bảy và Chủ Nhật, nhưng tôi thấy vậy là đủ cho mọi sinh hoạt của mình,” ông Tim nói.

Bà Leona chia sẻ: “Đây là công việc 20 giờ một tuần. Tôi cũng không được nhận thêm tiền nếu ngày làm việc rơi trúng ngày lễ hoặc mùa Hè. Nhưng chúng tôi vừa được tăng thêm 50 cent, nên hiện giờ tôi kiếm được $10.50/giờ. Dù chỉ là 50 cent, nhưng cũng giúp phần nào trong việc chợ búa.”

Bà Leona hiện làm cho công ty All City Management Services Inc., là công ty làm việc cùng thành phố Fountain Valley để phân bố người dẫn trẻ qua đường ở những khu vực cần thiết.

Còn ông Don cho hay, đây là “nghề tay trái” để tăng thêm thu nhập. “Tôi là thành viên của ban nhạc ‘The Trio’, chơi kèn saxophone và trumpet. Chúng tôi chơi vào cuối tuần tại những ballroom và các viện dưỡng lão. Đôi khi, có đến 200 khán giả tới xem buổi diển và họ nhảy theo những bài nhạc của chúng tôi,” ông kể một cách thích thú.

Học sinh lúc tan trường. (Hình: Khoa Lại/Người Việt)
Học sinh lúc tan trường. (Hình: Khoa Lại/Người Việt)

Nguy hiểm hằng ngày

Theo bà Leona, người dẫn trẻ qua đường phải học một khóa tập huấn và mỗi năm phải tham gia khóa huấn luyện kỹ năng. Bà cho biết thêm, người của công ty hay đi qua khu vực để kiểm soát và bảo đảm rằng nhân viên công ty đang làm công việc của mình.

Đối với thành phố Westminster, người dẫn trẻ qua đường phải làm vị trí dự bị một thời gian trước khi được làm chính thức.

“Tôi làm dự bị được hai năm rồi, và bắt đầu ngày 17 Tháng Mười, tôi nhận được vị trí chính thức tại góc đường McFadden với Newland. Nên để trở thành một người dẫn trẻ qua đường chính thức, làm vị trí dự bị là điều bắt buộc,” ông Tim cho biết.

Ông nói thêm: “Ở chỗ tôi luôn có một hay hai người làm vị trí dự bị vì khi một người chính thức nghỉ làm vì bất cứ lý do gì, chúng tôi luôn có người thế vào.”

Ông cho hay, điều khó nhất là người dự bị không biết đến khi nào họ mới nhận được vị trí chính thức vì chỉ khi có ai nghỉ việc hay rời vị trí, thì người dự bị mới có thể thành nhân viên chính thức.

Công việc tưởng chừng đơn giản, nhưng người dẫn trẻ qua đường đã đưa tính mạng và sức khỏe của mình ra, nhằm bảo đảm an toàn cho trẻ em.

Ông Peterson cho biết: “Đôi khi có những xe chạy ngang qua ngay trước mặt tôi. Tôi không hiểu tại sao một số người bắt đầu chạy chậm lại rồi đột nhiên tăng tốc vượt qua khi thấy có người vừa bước xuống đường. May thay tôi làm nghề này đã lâu nên nhận biết được xe nào sẽ chạy chậm lại.”

Bà Leona cũng hay gặp trường hợp tương tự. Bà kể, đôi khi cảnh sát giao thông rượt theo những người tăng tốc khi thấy bà chuẩn bị bước xuống đường để thi hành công việc. “Tùy ngày có hay không, nhưng khu vực này thường có cảnh sát. Nếu như có người vượt qua mặt, tôi sẽ thổi còi của mình và cảnh sát sẽ rượt theo chiếc xe đó,” bà kể thêm.

Ông Tim chia sẻ câu chuyện về một tai nạn xảy ra vài phút trước giờ tan học của các bé: “Tôi nhớ khi ấy là trước khi các bé nghỉ Hè, chắc khoảng Tháng Năm, có hai chiếc xe va vào nhau và một chiếc đâm thẳng vào cột đèn giao thông. Cảnh sát hướng dẫn tôi đi xa một chút rồi hẵn dẫn các em qua vì khu ấy còn là khu vực nguy hiểm. Thế là tôi chấp hành, vì đối với tôi, an toàn của các em là quan trọng nhất,” ông cho biết.

Không lương vẫn làm

Ông Peterson cho biết “rất yêu nghề này và nụ cười của các bé là nguồn động lực” giúp ông có thể làm công việc này mỗi ngày.

“Sau này dù 100 tuổi và khi công ty không trả lương nữa, tôi vẫn muốn làm thiện nguyện để có thể tiếp tục làm việc này,” ông tâm tình.

“Đây là công việc không bao giờ hết vì khi các bé lớp Sáu đi thì có các bé lớp Một vào. Tôi dẫn các bé trong 5 năm nên hầu như tôi nhớ từng khuôn mặt các bé. Các bé cũng rất thích tôi, nên tôi rất yêu công việc này.” Ông Peterson tự hào cho biết.

Bà Leona thì tâm sự, bà nhận được rất nhiều tình thương từ các bé, khiến bà “vô cùng hạnh phúc.”

“Một lần tôi bị té khi đang làm việc nên phải xin nghỉ bốn tuần. Trong thời gian ở nhà, các bé có đến thăm tôi và còn mang theo hoa, kẹo, cùng những tấm thiệp tự làm bằng tay, chúc tôi mau khỏe mạnh,” bà kể.

Phần ông Tim, ngoài tình thương từ các bé, ông nhận được những kỷ niệm không bao giờ quên khi làm công việc này.

“Có bé băng qua nhanh hơn các bạn khác vì bé ấy đi xe đạp, nhưng khi qua tới lề bên kia, bé vẫn đứng lại chờ bạn để tất cả đi về cùng nhau. Việc đó khiến tôi nhớ lại hồi trẻ mình từng có những người bạn cũng chờ mình tan học, rồi cùng về nhà. Công việc này đôi khi giúp tôi nhớ những kỷ niệm hồi còn trẻ,” ông tâm tình.

Khi được hỏi về tầm quan trọng của một người dẫn trẻ qua đường, anh Quang Trần, một phụ huynh có con học tại trường Ethan B. Allen Elementary School, cho biết: “Người dẫn trẻ qua đường rất quan trọng vì họ giúp các bé có ý thức tốt hơn trong việc chấp hành giao thông.”

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT