Thursday, April 18, 2024

Nguyễn Tuấn, ‘sống vô gia cư, chết vô thừa nhận,’ đã có nơi an nghỉ cuối cùng

Hà Giang/Người Việt

GARDEN GROVE (NV) – Sau một thời gian dài nằm chơ vơ trên chiếc kệ trong nhà kho của nghĩa địa quận Los Angeles, chiếc hộp màu nâu mang tên ‘John Doe No. 278,’ nhỏ gọn và dày hơn cuốn sách bìa cứng một chút, bên trong đựng tro cốt của Nguyễn Tuấn, một người chết vô thừa nhận, vừa được quận Los Angeles cho phép thầy Phong Nguyên, đại diện Hòa Thượng Thích Chơn Thành, mang về chùa Liên Hoa, thành phố Garden Grove, chờ ngày làm lễ cầu siêu.

Buỗi lễ cầu siêu đầy tình đồng hương này sẽ được Hòa Thượng Thích Chơn Thành, viện chủ chùa Liên Hoa, đích thân chủ trì, từ 2 giờ chiều đến 4 giờ chiều, ngày Thứ Bảy, 15 Tháng Tư, tại địa chỉ 9561 Bixby Avenue, Garden Grove, CA 92841.

“A Di Đà Phật! Nghe tin một đồng hương vô gia cư chết đã lâu mà không có ai giúp đỡ, chúng tôi rất hoan hỉ và sung sướng đón nhận anh để làm lễ cầu siêu giúp anh mau siêu sanh tịnh độ.” Hòa Thượng Thích Chơn Thành bày tỏ đồng thời  kêu gọi: “Xin các cơ quan truyền thông báo chí tiếp tay phổ biến tin về ngày làm lễ.”

  • ‘Sống vô gia cư, chết vô thừa nhận’

Nhiều người Việt quan tâm còn nhớ câu chuyện Nguyễn Tuấn, một người Việt vô gia cư, thiệt mạng tại chỗ vào tối 4 tháng Mười, 2014, khi một chiếc xe SUV đâm thẳng vào tiệm Jolly Donuts trên đường Roscoe ở Canoga Park, trong lúc ông đang ngồi uống cà phê ở chiếc ghế quen thuộc hàng ngày bên trong cửa tiệm.

Khi chết, trong người ông Tuấn hoàn toàn không có bất cứ giấy tờ gì, vì thế cảnh sát Los Angeles đặt cho ông cái tên ‘John Doe No. 278.’

Tên ‘John, họ Doe,’ là biệt hiệu thường được cảnh sát đặt cho những người đàn ông vô danh, và 278, là tổng số người đàn ông vô danh chết trong quận Los Angeles, tính cho đến tối hôm ông Tuấn qua đời.

Cổng vào Los Angeles Crematorium Cemetery. (Hình: Hà Giang/Người Việt).
Cổng vào Los Angeles Crematorium Cemetery. (Hình: Hà Giang/Người Việt).

Thám tử điều tra của cảnh sát Canoga Park đến tiệm Jolly Donuts trên đường Roscoe ở Canoga Park, nơi ông Tuấn hàng ngày lui tới, để tìm danh tánh nạn nhân. Ở đây, tuy nhiều khách hàng lẫn nhân viên quen mặt, thậm chí có người rất có thiện cảm với ông, nhưng cũng không thể cho cảnh sát biết gì hơn là “nghe đâu” tên ông là “Tuan” (Tuân hay Tuấn) và họ là “Nguyễn”.

Mong tìm thêm manh mối, cảnh sát đưa dấu tay của ông vào kho dữ liệu, nhưng cũng không tìm được gì, vì ông Nguyễn Tuấn chưa bao giờ bị bắt giữ. Việc đưa tên ông với ước đoán năm sinh vào DMV cũng không mang lại kết quả khá hơn, vì DMV tìm thấy có hơn 600 người có cái tên tương tự sinh cùng năm.

Theo bản tường trình viết ngày 9 Tháng Mười Một, 2014 của phòng giảo nghiệm, người ta không tìm thấy trong máu ông Nguyễn Tuấn có dấu hiệu của một người uống rượu. Cũng không có dấu hiệu hút ma túy, cần sa, thuốc phiện, hay những loại thuốc giảm đau. Nói tóm lại, ông Tuấn là người tương đối có sức khỏe tốt và cuộc sống lành mạnh.

Khi được biết tin chùa Liên Hoa sẽ tổ chức lễ cầu siêu cho ông Tuấn, bà Hoa Tăng, chủ tiệm Violet Nails, cách tiệm Jolly Donuts khoảng một dặm, nơi mà trước đây ông Tuấn thường lui tới, chia sẻ sự ngạc nhiên với nhật báo Người Việt.

“Trời hơn hai năm rồi! Tưởng có chùa nào xin tro ổng về cúng lâu rồi chứ. Bữa hổm đi đến cái chùa nhỏ nhỏ gần đây tôi thấy trên bàn thờ có tấm hình ổng uống cà phê trong tiệm donut trước khi bị đụng chết đó mà.”

“Có chắc là tro của ông Tuấn không chị?” Bà Vân, một người làm nail khác trong tiệm thoáng ngừng cắm cúi săn sóc đôi bàn tay của khách, ngẩng đầu lên hỏi.

Khi được nghe tả sơ về quy luật bảo vệ thân xác của người quá cố kể cả của những người sống vô gia cư, chết vô thừa nhận, cũng như hành trình hơn hai năm của ông Nguyễn Tuấn từ lúc đột ngột qua đời, đến khi hũ tro cốt được quận Los Angeles trao cho thầy Phong Nguyên, bà Vân chép miệng: “Vậy chắc là người ta thờ hình ảnh và thờ hồn ổng thôi!”

Bà Hoa Tăng nhẹ gật đầu như tỏ sự đồng ý với người bạn đồng nghiệp, rồi băn khoăn: “Ổng người tốt mà đàng hoàng lắm. Thôi tụi tôi gửi ít tiền nhờ chị mang về chùa Liên Hoa nhờ thầy cúng dùm cho ổng được không?”

“Lễ cầu siêu ngày 15 hả? Ồ, 15 là Thứ Bảy chắc phải làm không xuống được. Mà xa quá, đi hơn một tiếng, chắc khó xuống lắm. Thôi kệ, chị cứ gửi báo lên đây tôi để trong tiệm, ai biết ổng thì người ta xuống cúng.”

Bà Hoa ngập ngừng đề nghị, rồi không nén được thắc mắc: “Mà hơn hai năm rồi sao chùa Liên Hoa còn theo xin được tro ổng về cầu siêu hay vậy?”

Hũ tro cốt của Tuấn Nguyễn tại Los Angeles Crematorium. (Hình: Hà Giang/Người Việt).
Hũ tro cốt của Nguyễn Tuấn tại Los Angeles Crematorium. (Hình: Hà Giang/Người Việt).
  • Mong một lễ cầu siêu!

Chùa Liên Hoa không phải là nơi duy nhất muốn hương hồn Nguyễn Tuấn có được một lễ cầu siêu tử tế.

Ngay sau khi Nguyễn Tuấn qua đời, ký giả David Montero của báo Los Angeles Daily News đã có một loạt bài viết để tìm tung tích ông, cũng như nói về sự thương tiếc nhiều người quanh vùng Canoga Park dành cho con người tốt bụng mà cuộc đời bất ngờ chấm dứt trong tai nạn thảm khốc đó.

Bài phóng sự điều tra của David Montero khiến nhiều người khắp nơi thương cảm, muốn xin thi hài ông về mai táng ngay khi sự việc mới xẩy ra. Nhưng việc một người xa lạ xin mang một thi hài vô danh, vô thừa nhận về mai táng hoàn toàn không dễ, vì quận Los Angeles, theo quy luật, trong một thời hạn nào đó, phải bảo vệ mọi người khỏi mọi sự lừa đảo, kể cả người đã chết.

Vẫn theo ký giả David Montero, bà Sue Lim, một nhà môi giới địa ốc ở Huntington Beach, từng liên lạc với văn phòng giảo nghiệm tử thi về việc xin một lệnh tòa để cho phép bà chôn cất ông Nguyễn Tuấn một cách hợp pháp, làm buổi lễ đưa ông đến nơi an nghỉ cuối cùng, nhưng lúc ấy, tòa quyết định không trao xác của Nguyễn Tuấn cho ai, cho đến khi được thân nhân nhận diện.

Không chỉ một mình bà Sue Lim, nhiều người khác, xúc động về chuyện của Tuấn Nguyễn, như bà Christina Nguyễn trong cộng đồng người Việt chúng ta, cũng từng theo dõi sự việc, cũng muốn bỏ tiền ra để lo cho ông một đám tang tươm tất, nhưng tất cả, trong thời gian đó, đều đã bị cánh cửa quy luật chặn lại.

Cảm thương cho hoàn cảnh của ông, ký giả Montero từng viết: “Nếu lúc sống Nguyễn Tuấn đã sống trong vòng tay thân thương quen thuộc, đón nhận những cử chỉ ân cần, sự chăm sóc nhỏ bé nhất của những người thương ông và hiểu ông, thì sau khi ông ra đi, những người quen biết ông, xót xa nhất vì cái chết của ông, đã hoàn toàn bất lực không thể làm gì được cho ông…”

Sau gần sáu tháng, khi mọi nỗ lực nhận diện ông đều thất bại, và cũng không ai thành công trong việc chứng minh họ là người thân của ông, quận Los Angeles hỏa thiêu thi hài Nguyễn Tuấn hôm 25 tháng Ba, 2015, và vào sổ hai ngày sau.

Hỏa thiêu xong, họ bỏ tro cốt ông vào chiếc hộp nhỏ dán nhãn ‘John Doe No. 278,’ mang đến trao cho nhà kho nghĩa địa quận Los Angeles. Tại đây, hộp tro cốt của ông được xếp lên một cái kệ, chờ đến tháng Mười Hai năm 2017, khi ông dự trù được mai táng trong cùng một nấm mồ với hàng trăm, có khi cả ngàn những tro cốt vô thừa nhận khác, trong một đám tang tập thể hàng năm của quận.

Buổi chiều hôm 29 Tháng Ba 2017 nắng đẹp nhưng thỉnh thoảng vẫn có những ngọn gió se lạnh ấy, khi tro cốt của ông được đưa từ nhà kho nghĩa địa quận Los Angeles về chùa Liên Hoa, người vô gia cư Nguyễn Tuấn đã đến được nơi an nghỉ cuối cùng.

Tuấn Nguyễn may mắn hơn những người chết vô thừa nhận khác, vì ông là thành viên của một cộng đồng, trong đó mọi người biết thương yêu đùm bọc lấy nhau!

——–

Liên lạc tác giả: [email protected]

Đón đọc kỳ tới: Hành trình hơn 2 năm Nguyễn Tuấn về nơi an nghỉ cuối cùng.

Mời độc giả xem phóng sự: “Nguyễn Tuấn – hành trình hai năm về nơi an nghỉ cuối cùng”

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT