Thursday, April 25, 2024

Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam Orange County vía bà trong 3 ngày

Nguyên Huy/Người Việt

SANTA ANA, California (NV) – Lễ Vía Bà Chúa Xứ Thánh Mẫu núi Sam Châu Đốc năm nay vừa được tổ chức tại Miếu Bà, Santa Ana, vào ba ngày 19, 20 và 21 Tháng Năm.

Lễ hội chính diễn ra tại Điện Thờ Thánh Mẫu vào sáng Thứ Bảy, 20 Tháng Năm, và kéo dài cho đến 4 giờ chiều. Theo truyền thống, vào ngày này có lễ Mộc Dục, tắm rửa và thay áo quần cho Mẫu. Buổi lễ này chỉ cử hành kín trong nội điện và chỉ có các “cô” được chỉ định phụ trách mới được vào trong nội điện. Sau khi lễ Mộc Dục hoàn tất, khách thập phương đến thăm viếng và cầu xin ân phước mới được vào miếu để chiêm ngưỡng và thỉnh lời cầu xin theo nguyện ước của mình.

Cô Tuyết Hồng, quản thủ điện thờ, nói chuyện về tín ngưỡng của hàng triệu người Việt ở miền Nam Việt Nam đối với Bà Chúa Xứ, đồng thời cũng giới thiệu những nam nữ tình nguyện trong việc duy trì tín ngưỡng của người Việt tại nước ngoài.

Cô cho biết: “Qua 16 năm thành lập, đây là nơi thờ vọng bà tại hải ngoại, lưu truyền một nét văn hóa truyền thống của người Việt, dù có xa quê hương nhưng vẫn còn giữ được truyền thống văn hóa của mình. Gần 20 năm qua, tại nơi này, biết bao đồng hương đã về chiêm bái, gặp gỡ nhau mừng vui nhắc lại những ngày xưa cứ hàng năm vào Tháng Tư Âm Lịch là cả trăm ngàn người từ khắp nơi đổ về núi Sam, Châu Đốc, để được chiêm bái bà, cầu an cầu phúc, cầu lộc cho gia đình và thân quyến.”

Tại Miếu Bà, ngày hôm sau lễ chính còn có những buổi chữa bệnh cho thiện nam tín nữ bằng phép thôi miên và tâm lý trị liệu do các chuyên viên từng làm việc tại các bệnh viện phụ trách. Đôi khi ban tổ chức còn thực hiện những buổi thuyết trình về phong thủy, cũng do các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm và dầy công tu học phụ trách.

Người dân miền Nam Việt Nam vào những năm trước 1975, cứ vào Tháng Tư Âm Lịch hàng năm thì có hàng triệu người khắp các nơi đổ về chân núi Sam để đến Miếu Bà, hầu hết là cầu xin ơn phước, làm ăn buôn bán phát tài. Một tục lệ mà người Việt gốc Hoa rất sùng bái khi đến lễ Chúa Xứ Thánh Mẫu là tục “vay vốn” của bà để làm ăn và hàng năm sẽ về lễ bà dâng hương hoa lễ vật như “trả lời trả vốn” cho bà khi làm ăn được phấn chấn. Tiếng đồn lan xa nên hàng năm số người đi lễ Bà Chúa Thánh Mẫu để “vay vốn” rất đông và đến trả vốn cũng không kém vì đã đạt được thành công từ vốn vay của bà.

Bao nhiêu phần trăm là sự thực hình như ít ai được biết, nhưng người tin vào điều này thì không cần biết mà chỉ một lòng thành tin vào điều đó, điều “vay vốn của bà thì làm ăn phát đạt.”

Lễ hội năm nay tại Miếu Bà Orange County cũng có hàng trăm thiện nam tín nữ từ nhiều nơi về tham dự.

Một thiếu nữ còn rất trẻ, theo mẹ trong suốt buổi lễ, cũng quỳ lạy kính cẩn hướng về tượng bà, vừa được thay y phục mới.

Hai mẹ con cô Huỳnh Michelle Thanh Trúc cầu nguyện trước tượng Bà Chúa Xứ núi Sam. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)

Cô cho biết tên là Huỳnh Michelle Thanh Trúc, 16 tuổi, đang học lớp 11 tại trung học Garden Grove.

“Ở nhà cháu thường được nghe bà và mẹ cháu kể về ngày hội trong dịp lễ Bà Chúa Xứ núi Sam Châu Đốc. Trong những lời kể này, cháu thấy phong tục, tín ngưỡng của người Việt rất là phong phú. Gia đình cháu là Phật Giáo nhưng cũng tin tưởng vào những phép lạ mà bà Chúa Xứ Núi Sam ban cho mọi người đến cầu xin,” cô nói.

Cô nói thêm: “Như bà cháu kể thì năm cả gia đình quyết định vượt biên có đến xin bà được bình an thì gia đình cháu đã được toại nguyện. Nên lễ năm nay cháu theo mẹ đi để được chứng kiến tận mắt Bà Chúa Xứ dù chỉ là bức tượng nhưng là biểu tượng của niềm tin cho mọi người. Đây có phải là đời sống văn hóa của người Việt mà cháu thường được nghe các thầy cô tại các trung tâm Việt Ngữ nhắc đến không thưa chú?”

Một thiếu phụ trạc ngoài 40, sau khi hành lễ, dâng một mâm ngũ quả để xin bà “cho vốn làm ăn.”

Một phụ nữ trong y phục tế lễ trong ban tế nũ quan của Hội Miếu Bà Chúa Xứ dâng lời cầu xin này lên bà và sau đó chuyển cho vị tín chủ này một bao bì đỏ trong đó có tờ $1 mới tinh, tượng trưng cho vốn bà đã cho vay.

Trong nét tươi vui hí hửng, vị tín chủ này nói với chúng tôi: “Đây là một tục lệ trong lễ hội Bà Chúa Xứ. Chuyện vay vốn của bà để làm ăn giúp cho mình thêm nhẫn nại cần cù, có niềm tin vào sự thành đạt.”

Sau năm 1975, dưới chính quyền Cộng Sản vô thần, chuyện trẩy hội Bà Chúa Xứ vẫn còn được người dân bảo tồn, vẫn có hàng trăm ngàn người đổ về Miếu Bà ở Châu Đốc mà nhà cầm quyền không thể nào ngăn cấm nổi. Họ đành tương kế tựu kế biến chuyện tín ngưỡng thành chuyện chuyện du lịch. Cơ quan du lịch tại địa phương và trung ương đã cho xây dựng lại miếu để nay trở thành một nơi được liệt vào hàng “di sản quốc gia” để các cơ quan du lịch và chính quyền địa phương tận hưởng được những lợi lộc phát sinh từ những dịch vụ trong lễ hội.

Theo báo cáo của tổ chức du lịch địa phương cho biết, trong năm 2012, số người đi lễ Miếu Bà lên tới 2.5 triệu.

Theo những truyền thuyết trong dân gian, tượng bà ở trên núi cao, khi quân Xiêm đến xâm lược thấy đẹp muốn chuyển về nước nhưng không thể nào xê dịch đi được nên đập vỡ tượng làm gẫy mất một cánh tay. Đến khi rút đi, dân trong vùng theo lời báo mộng của bà đã cử chín (có người nói là 12) cô gái đồng trinh đem bà xuống núi thì các cô gái đã chuyển được tượng xuống núi dễ dàng. Nhưng xuống đến chân núi thì tượng trì lại, không làm sao chuyển dịch được nữa, nên dân mới lập miếu thờ ngay tại chân núi Sam.

Sau đó, miếu thờ bà được trùng tu cẩn thận. Về phương diện lịch sử, vào thời ông Thoại Ngọc Hầu (người cho đào kinh Vĩnh Tế) trấn nhậm xứ này, ông cùng vợ là bà Châu Thị Tế ban lệnh cho trùng tu miếu lớn hơn.

Người Việt “ra đi mang theo quê hương,” lập miếu thờ bà tại nơi mình cư ngụ để cứ đến Tháng Tư Âm Lịch về, lại rủ nhau đến chiêm bái tượng bà và cầu xin ban ơn phước, giữ được truyền thống tín ngưỡng cho các thế hệ con em.

23 triệu người Mỹ mất bảo hiểm với luật bảo hiểm y tế mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT