Friday, April 26, 2024

Trung Quốc muốn tàu ngầm nước ngoài nổi trên mặt nước

BẮC KINH (NV) – Trung Quốc muốn tất cả các tàu ngầm ngoại quốc không di chuyển ngầm bên dưới mặt nước tại các vùng biển mà họ tuyên bố chủ quyền, theo tổ chức thông tin điện tử Quartz Media.

Tàu ngầm là một loại tàu được chế tạo để đi ngầm dưới mặt nước. Nhưng Bắc Kinh lại không ưa cái khả năng đó của tàu ngầm nước ngoài.

Theo truyền thông Trung Quốc, nhà cầm quyền Bắc Kinh hiện đang sửa lại “Luật an toàn hàng hải.” Trong đó, các tàu ngầm nước ngoài bị buộc phải chạy nổi trên mặt nước và trương cờ của nước đó. Không những vậy, còn phải xin phép trước khi chạy vào vùng biển chủ quyền của họ.

Theo cái dự luật sửa đổi về “an toàn hàng hải” đó, nhà cầm quyền Bắc Kinh có quyền từ chối cấp phép cho bất cứ tàu nào của nước ngoài mà họ thấy đe dọa đến sự “an toàn và trật tự.” Nếu không tuân hành, số tiền phạt có thể lên hơn $70,000.

Có một vấn đề rất lớn đối với luật này: Trung Quốc ngang ngược tuyên bố chủ quyền hơn 80% Biển Ðông và nhiều khu vực lấn sâu vào các vùng biển chủ quyền của các nước trong khu vực, đặc biệt là Việt Nam và Philippines.

Cái vạch 9 đoạn nối lại thành hình “lưỡi bò” đã bị Philippines kiện ra tòa án quốc tế và tòa này hồi Tháng Bảy năm ngoái đã phán quyết bác bỏ. Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn tuyên bố không công nhận phán quyết của tòa án quốc tế tại The Hague dù họ cũng là một trong những nước ký tham gia Công ước Quốc Tế về Luật Biển. (UNCLOS).

Một rắc rối khác là hầu hết các nước đều coi là vùng biển quốc tế trong khi Trung Quốc lại coi là vùng biển riêng của họ. Theo thỏa thuận các nước ký trong UNCLOS, lãnh hải của mỗi nước chỉ có 12 hải lý (hay 22km) từ bờ biển. Trong phạm vi này, một quốc gia có quyền tự đặt ra luật lệ , tuy nhiên, tàu nước ngoài vẫn có thể đi qua “vô tư” khi không làm gì đe dọa đến an nguy của nước chủ nhà.

Kế đến, 12 hải lý tiếp theo, nước sở tại có thể quy định một số luật lệ. Ngoài xa hơn là vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) kéo dài 200 hải lý (370km) thuộc về nước có bờ biển toàn quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên từ thủy sản đến dầu khí dưới lòng biển.

Việt Nam phản đối lệnh cấm đánh cá của Trung Quốc tại Biển Đông

Trung Quốc là một trong một số ít quốc gia diễn giải UNCLOS theo cách họ có thể đặt ra luật lệ trong vùng đặc quyền kinh tế EEZ. Nếu Bắc Kinh sửa luật, họ sẽ cấm tàu ngầm nước ngoài hoạt động ở những vùng biển mà họ diễn dịch họ có quyền đặt luật lệ trên diện tích phần lớn Biển Ðông.

Theo tờ Hoàn Cầu Thời Báo, cái quy định mới đang được sửa đổi sẽ bắt đầu áp dụng từ năm 2020. Ỷ thế nước lớn, Bắc Kinh nhiều hơn một lần đã đi ngược lại thông lệ quốc tế. Năm 2013, Bắc Kinh đã tuyên bố Vùng Nhận Dạng Phòng Không (ADIZ) trên biển Hoa Ðông dù là không phận quốc tế. Lập tức, phi cơ quân sự của Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc bay qua vùng này và không thông báo như đòi hỏi của Bắc Kinh.

Một số lần, Bắc Kinh bắn tiếng có thể thiết lập Vùng Nhận Dạng Phòng Không trên Biển Ðông những khi có dấu hiệu căng thẳng tranh chấp chủ quyền biển đảo. Một số nhà phân tích thời sự tin rằng sau khi họ đã hoàn tất chương trình xây dựng, biến 7 đảo nhân tạo ở Trường Sa thành 7 căn cứ quân sự khổng lồ trên biển, việc họ thiết lập ADIZ tại Biển Ðông chỉ là vấn đề thời gian. (TN)

MỚI CẬP NHẬT