Friday, April 26, 2024

Nhật tăng số tùy viên quân sự tại Việt Nam và Philippines

HÀ NỘI (NV) – Những tuyên bố và hành động gần đây của Trung Quốc tại Biển Đông lẫn biển Hoa Đông góp phần hữu hiệu trong việc củng cố và phát triển một liên minh chống Trung Quốc.

Bằng chứng mới nhất về một liên minh chống Trung Quốc vượt ra bên ngoài khu vực Đông Nam Á là Nhật quyết định tăng số lượng tùy viên quân sự từ một thành hai tại cả Việt Nam lẫn Philippines, theo nhật báo The Japan Times hôm Thứ Năm, 11 Tháng Tám.

Quyết định vừa kể được xem như một cách cảnh cáo Trung Quốc. Sự hung hăng của Trung Quốc trong cả ngôn từ lẫn hành động khiến Nhật quyết định gia tăng hợp tác quốc phòng với Việt Nam và Philippines.

Trước đây, hợp tác về an ninh và quốc phòng giữa Nhật với Việt Nam và Philippines chỉ được mở rộng qua các tuyên bố, thêm viện trợ, thăm viếng nhiều lần hơn và thường xuyên hơn. Nay, việc gia tăng các tùy viên quân sự đồng nghĩa với việc gia tăng thu thập – chia sẻ thông tin, phối hợp thực hiện các kế hoạch hành động theo hướng chặt chẽ hơn.

Tại cuộc họp báo sau hội đàm song phương về an ninh khu vực và hợp tác thực thi luật pháp trên biển, diễn ra hồi cuối tuần này, giữa ông Fumio Kishida, ngoại trưởng Nhật, và ông Perfecto Yasay, ngoại trưởng Philippines, cả hai đã công khai hối thúc Trung Quốc thực thi ngay những hành động nhằm bảo đảm rằng, an ninh trên biển và luật pháp quốc tế sẽ được tôn trọng vô điều kiện.

Ngoại trưởng Philippines nói thêm, cả Philippines lẫn Nhật đều đã trải qua chuyện bị Trung Quốc dùng vũ lực để hù dọa, khiêu khích nhằm áp đặt đòi hỏi vô lý về chủ quyền tại Biển Đông cũng như biển Hoa Đông. Ông Yasay khẳng định, những hành động đó của Trung Quốc đã vi phạm luật pháp quốc tế. Luật pháp quốc tế đòi buộc tất cả các quốc gia, bao gồm cả Trung Quốc, phải dùng những biện pháp ôn hòa khi có yêu sách về chủ quyền.

Ngoại trưởng Nhật hứa sẽ tiếp tục hỗ trợ Philippines nâng cao năng lực giám sát, thực thi luật pháp trên biển. Theo ông Kishida, cuối tháng này, Nhật sẽ giao cho Philippines những tàu tuần tra mà Nhật đã từng hứa sẽ viện trợ cho Philippines.

Cần nhắc lại rằng, trong hai tuần đầu Tháng Tám, Úc hai lần khẳng định sẽ tiếp tục thực hiện các cuộc tuần tra tại Biển Đông sau khi các viên chức ngoại giao Trung Quốc bảo rằng, việc Úc tham gia bảo vệ quyền tự do lưu thông tại Biển Đông là “thiếu khôn ngoan.” Các cuộc tuần tra tại Biển Đông là sự thách thức Trung Quốc và chắc chắn Trung Quốc sẽ trả đũa thích đáng.

Tuần trước, Pháp cũng mới lên tiếng đáp lại những tuyên bố và hành động hung hăng của Trung Quốc để bảo vệ cái gọi là “chủ quyền bất khả tranh biên” ở Biển Đông, bằng tuyên bố sẽ tổ chức các cuộc tuần tra tại Biển Đông và hối thúc 27 quốc gia thuộc Liên Hiệp Châu Âu (EU) sớm liên kết để cùng thực hiện những cuộc tuần tra như vậy nếu khối này muốn duy trì trật tự thế giới, loại bỏ các rủi ro đối với quyền tự do lưu thông.

Ông Jean-Yves Le Drian, bộ trưởng quốc phòng Pháp, nhắc EU rằng, quyền tự do lưu thông là điều có ý nghĩa sống còn đối với mọi nền kinh tế và khẳng định nếu cộng đồng quốc tế để mất quyền tự do lưu thông tại Biển Đông thì có thể sẽ xuất hiện những rắc rối tương tự như ở Bắc Băng Dương hoặc Địa Trung Hải.

Đáng lưu ý là Trung Quốc vẫn không bận tâm đến những dấu hiệu bất lợi cho mình đang xuất hiện càng ngày càng nhiều.

Trước tin Việt Nam bài bố các giàn hỏa tiễn trên năm hòn đảo mà Việt Nam đang kiểm soát tại quần đảo Trường Sa, hệ thống truyền thông của chính quyền Trung Quốc đồng loạt nhận định Việt Nam đã phạm một “sai lầm nghiêm trọng.” Truyền thông Trung Quốc còn khuyên Việt Nam nên ôn lại các bài học lịch sử để luôn nhớ rằng, Trung Quốc chưa bao giờ thất bại trong các cuộc xung đột Trung-Việt!

Hệ thống truyền thông của chính quyền Trung Quốc cũng vừa dùng giọng điệu trịch thượng như vậy để dạy dỗ Ấn Độ, sau khi có tin ông Narendra Modi, thủ tướng nước này, sẽ thăm Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 10 năm New Delhi và Hà Nội thiết lập quan hệ đối tác chiến lược. Theo hệ thống truyền thông của chính quyền Trung Quốc thì Ấn Độ nên tránh xa vấn đề Biển Đông nếu không muốn đối diện với những rắc rối không cần thiết! Hệ thống truyền thông của chính quyền Trung Quốc nhắc Ấn Độ rằng Trung Quốc hiện là thị trường nhập cảng lớn thứ hai trên thế giới và nếu Ấn Độ không xử sự đúng đắn thì các doanh nghiệp Ấn Độ khó mà tìm được đường vào thị trường Trung Quốc.

Trung Quốc từng dùng chiêu này với Úc nhưng hiệu quả không như mong đợi. Người ta tin Ấn Độ cũng không muốn ngoan ngoãn như Trung Quốc đang chỉ dạy. (G.Đ.)

MỚI CẬP NHẬT