Friday, April 26, 2024

Tết đến, viếng các ông Địa bị bỏ rơi vì ‘hết linh’

Trần Tiến Dũng/Người Việt

SÀI GÒN (NV) –  Có lẽ trong cảnh sinh hoạt náo nhiệt, rực rỡ hoa, đèn, rộn ràng trống nhạc từ nhà ra phố của hàng triệu gia đình người miền Nam trước Tết và trong các ngày ăn Tết; ít người để ý bận tâm đến tình cảnh bị phụ bạc của các ông Địa do các gia đình làm ăn thất bại, cửa hàng ế ẩm, phá sản hoặc do ông Địa hư cũ.

Các ông Địa bị hất hủi này phải mang số phận bị đóng dấu “hết linh” và bị đưa ra ở một cái miếu hoang, kẹt đá, cây đa hay ngã ba đường đầy gió bụi sau ngày đưa ông Táo về trời.

“Tội nghiệp ông địa!” Ai cũng nói như vậy khi đi ngang qua “nghĩa trang” của các ông. Ở khắp miền Nam, thời xưa cũng như thời này, rất dễ bắt gặp tình cảnh lăn lóc chẳng ai đoái hoài, hương lạnh khói tàn của các ông Địa. Vậy mà có thời nhiều gia chủ cung thỉnh ông Địa từ tiệm bán đồ cúng, rước thầy khai quang điểm nhãn, dâng đèn, hương trầm, linh đình đồ ăn thức uống… trịnh trọng rước ông Địa lên bàn thờ ngồi ngay nhà trên, cửa lớn. Rồi ngày ngày gia chủ mời ông ly cà phê đen, điếu thuốc ba số năm để họ van vái cầu xin lộc lớn, lộc nhỏ cũng như nhờ phù hộ đủ thứ việc thập cẩm hầm bà lằng, đến cả việc mất chiếc nhẫn, mắt kiếng, con mèo, con chó,… cũng nhờ ông Địa chỉ đường cho sáng mắt tìm.

Ai cũng biết, người Việt, nhất là người miền Nam có tục thờ cúng ông Địa để được yên ổn làm ăn, họ phải khấn vái, cúng kiếng cho các thần trong đó phổ biến nhất là ông Địa, rồi sau này ảnh hưởng người Hoa Minh Hương, họ kèm theo thờ Thần Tài cho ông Địa đủ đôi, để các thần phù hộ cho họ có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc và bình an.

Về hình tượng ông Địa ở Miền Nam, thì tượng ông Địa hay tranh vẽ thường là một người trung niên mập mạp, bụng bự, vú lớn, miệng cười hể hả, tay cầm quạt, tay cầm điếu thuốc lá… trông có vẻ phương phi, hào sảng và mang đầy chất phồn thịnh, cũng mang chút hơi hướm của sự hài hước. Đây cũng là một đặc trưng trong tính cách của người Nam Bộ.

Với người miền Nam ông Địa được thờ cúng trọng vọng là chuyện đương nhiên, nhất là người Sài Gòn, vì ở đô thị này tấc đất là tấc vàng mà ở địa vị Thổ thần cai quản đất đai và phò trợ gia chủ, nghiệp chủ thì ông địa xứng đáng với tâm lý ngày cúng đêm cầu. Nhưng các gia chủ có khi quên mất thần thánh, lúc “lên voi” thì cầu chuyện gì cũng độ được nhưng lúc “xuống chó” thì đâu trợ giúp được chuyện thất mùa, mua bán làm ăn thúi hẻo, thành ra ông Địa mặc cho gia chủ cầu xin van vái hoài không linh, ông Địa đành bất lực xuôi tay để cho gia chủ canh năm hết Tết đến, đem bỏ ở đường vắng, hẻm cụt, có khi bị quăng kênh thúi hay tệ hơn bỏ cạnh bô rác.

Mời độc giả xem phóng sự: Chợ Hoa Tết Sài Gòn

Hôm chúng tôi đi tảo mộ, trên đường đến nghĩa trang Bình Hưng Hòa, dừng lại trước cái miếu nhỏ bên đường vì thấy có quá nhiều ông Địa, Thần Tài và một số vật, ảnh thờ cúng đã mất linh bị bỏ rơi. Ở Sài Gòn ngày nay dù đất chật người đông nhưng vẫn thường thấy những nơi “nghỉ hưu-dưỡng lão” của ông Địa.
Nhìn cảnh miếu buồn hiu, lại nhớ giùm thời huy hoàng của các ông Địa này, thời được gia chủ, nghiệp chủ tặng thưởng cho một ly cà phê đen bên cạnh, một điếu thuốc lá trên tay, có khi là cà phê sữa ngon và một gói thuốc ba số 555 hẳn hoi, có lúc được thưởng cả bánh bao, thịt heo quay nữa mà thấy nao lòng.

MỚI CẬP NHẬT