Thursday, May 2, 2024

Yusra: Từ bơi vượt biên đến bơi tranh tài Olympic

BRAZIL – Nữ vận động viên bơi lội gốc Syria, 18 tuổi, Yusra Mardini, thắng một vòng cuộc đua 100 mét bướm tại Olympic Rio, Brazil.

Mặc dầu không được vào tiếp vòng trong, câu chuyện của Yusra được cả thế giới biết đến, và là khuôn mặt được để ý trong cuộc tranh tài thế vận hội năm nay.

Ngay trước khi bước vào cuộc thi, Yusra và 9 vận động viên khác nhận được một bức thư từ Đức Giáo Hoàng Francis.

Đức Giáo Hoàng ngỏ lời chào đến 10 vận động viên này, và chúc họ may mắn.

Không phải ai cũng được vinh dự ấy. Đây là 10 người đặc biệt của Olympic Rio. Cả 10 người này đều là người tị nạn, không quốc tịch, không quốc ca, không quốc kỳ. Họ được Ủy Ban Olympic tạo thành một đoàn riêng, mang tên Đoàn Olympic Của Người Tị Nạn (Olympic Refugee Team).

Phái đoàn này sẽ thi đấu dưới màu cờ của Olympic, và được cư trú ngay trong làng Thế Vận.

Trong số 10 vận động viên tị nạn này, 5 người đến từ Nam Sudan, 2 người từ Syria, 2 người từ Congo, và 1 người từ Ethiopia.

Bức thư của Đức Giáo Hoàng gởi 10 vận động viên đặc biệt này có đoạn: “Ta gởi lời chào đến các con và chúc các con thành công tại Olympic Rio. Sức mạnh và sự can trường của các con được thể hiện qua các cuộc tranh tài Olympic; đóng vai trò cổ xúy cho hòa bình và tình đoàn kết.”

“Trải nghiệm của các con là lời chứng thực cho tất cả chúng ta, và mang lại phúc lợi cho tất cả chúng ta. Ta cầu nguyện cho các con và mong các con cũng sẽ cầu nguyện cho ta.”

Ngay sau khi được đọc bức thư, tay bơi 18 tuổi Yusra bước vào vòng đấu. Cô gái thắng vòng bơi 100 mét bướm, thời gian 1:09:21. Tuy nhiên, cô không vào được vòng trong vì trong bản tổng sắp, cô đứng ở hạng 41 trong khi chỉ 16 người được đi tiếp.

Yusra còn một hy vọng nữa, ở vòng đua 100 mét tự do vào Thứ Tư.

Cách đây 4 năm, ở tuổi 14, Yusra từng đại diện Syria tranh tài các cuộc thi quốc tế 2012.

Cuộc nội chiến Syria phá hủy đất nước này, làm hỏng luôn tương lai của Yusra Mardini.

Tháng Tám, 2015, cô bé Yusra và người em gái quyết định vượt biên.

Họ đến Lebanon, tìm đường vào Thổ Nhĩ Kỳ, rồi từ đây vượt biển đi Hy Lạp. Chiếc tàu bị chìm khi đang lênh đênh trên biển. Hai chị em Yusra và một người nữa phải nhảy xuống nước, vận dụng mọi kinh nghiệm và sức khỏe bơi lội, giúp đẩy tàu cập bến Hy Lạp.

Trả lời báo chí, Yusra nói: “Nếu tôi mà chìm ngoài biển thì quê mặt lắm, vì tôi là vận động viên bơi lội.”

Rồi cô được nhận vào sống và luyện tập tại Wasserfreunde Spandau 04, Đức Quốc.

Tháng Ba vừa qua, Chủ Tịch Ủy Ban Olympic Quốc Tế, Thomas Bach, tuyên bố chọn một phái đoàn vận động viên có gốc tị nạn để thi đấu tại Rio. Yusra là một trong số 10 thành viên của phái đoàn này. (Đ.B.)

MỚI CẬP NHẬT