Friday, April 26, 2024

Bảy năm đi chợ nấu cơm miễn phí cho người nghèo Sài Gòn

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Mỗi tuần ba ngày lẻ, dù đi bán vé số, nhặt ve chai… ở đâu thì nhiều người nghèo cũng canh giờ trưa mà về trụ sở ban điều hành khu phố 5, phường Bình Trưng Đông, quận 2, để dùng cơm miễn phí.

Theo báo Thanh Niên, đúng 10 giờ sáng các ngày Thứ Ba, Năm, Bảy hằng tuần, dù đi bán vé số ở đâu, ông Nguyễn Văn Viện, ngụ khu phố 1, phường Bình Trưng Đông, cũng đạp chiếc xe đạp cà tàng, tay cầm xấp vé số đến đến trụ sở ban điều hành khu phố 5 nhận cơm trưa miễn phí. Ở đây có hội nấu cơm phục vụ người nghèo suốt bảy năm qua.

Bà Võ Thị Kim Phụng, bếp trưởng bếp cơm, cho biết gia đình ông Viện là hộ nghèo trong phường, nhà có sáu người, bản thân ông lại cụt tay do tai nạn, các con đang đi học, vợ thì đau ốm liên miên nên thu nhập chính của gia đình trông cậy hết vào nguồn thu từ xấp vé số của ông.

“Tôi đến nhận cơm ở đây cũng hơn hai năm rồi, nhờ bếp cơm tình thương này cũng như ban vận động và các nhà hảo tâm giúp đỡ cho những người nghèo, tật nguyền… có được bữa cơm ngon. Hy vọng có nhiều nhà hảo tâm quyên góp để duy trì bếp cơm này,” ông Viện chia sẻ.

Đến 10 giờ 30 phút sáng, nơi đây bắt đầu đông đúc hẳn lên, mọi người xếp hàng trật tự, trên tay cầm phiếu nhận cơm miễn phí được phường phát chờ đến lượt. Cầm hai hộp cơm, ông Nguyễn Khoa Huân, quê ở Phú Yên vào Sài Gòn lập nghiệp, ngồi trên chiếc xe lăn, trên tay cầm xấp vé số nói: “Hôm nay tôi lấy hai hộp, một hộp ăn trưa còn một hộp để dành chiều ăn. Tôi nhận cơm ở đây cũng ba năm rồi, anh chị ở đây nhiệt tình lắm, cơm thì ngon đầy đủ có canh, món xào, đồ mặn. Đến đây nhận cơm đã như một thói quen của bà con nghèo xung quanh, không còn lo chạy cơm từng bữa.”

Phát xong hàng trăm phần cơm miễn phí, đến 11 giờ “quán” bắt đầu phục vụ cơm tại chỗ. Bà Phụng cho biết, bếp ăn này được thành lập năm 2010, từ sáng kiến của mấy bà nội trợ ở khu phố 5, phường Bình Trưng Đông. Lúc bếp cơm mới thành lập chỉ có sáu thành viên góp tiền lại, cộng với việc vận động xin ve chai bán để duy trì hoạt động. Tính đến nay, bếp cơm tồn tại cũng gần bảy năm, với 30 thành viên đều là chị em phụ nữ trong phường.

“Hồi đó, số tiền có chỉ đủ nấu cháo dinh dưỡng đem tặng người nghèo, người già, người bệnh, mấy em nhỏ suy dinh dưỡng. Rồi từ bếp cháo nâng cấp thành bếp cơm từ thiện,” bà nói.

Sau hai năm hoạt động, phường Bình Trưng Đông nhận thấy bếp cơm rất ý nghĩa, giúp được rất nhiều hộ gia đình khó khăn trên địa bàn, nên đã quyết định quyên góp, vận động các nhà hảo tâm ủng hộ. Lúc đầu mỗi ngày chỉ nấu được 150 suất, nhưng đến nay đã tăng lên 400 suất, trong đó bệnh viện quận 2 nhận 60 suất cơm để phát cho bà con nghèo trong bệnh viện, mỗi suất 2,000 đồng.

Còn lại, phường tìm hiểu xem hộ nào nghèo, bệnh tật… thì phát cho mỗi hộ một vé nhận cơm miễn phí, còn những trường hợp khác như học sinh, sinh viên và những người bán vé số, lượm ve chai… đến đây ăn cơm thì hội lấy họ 3,000 đồng/hộp để có tiền mua hộp bao nilon, để họ không cảm thấy ngại khi đến ăn.

Bà Võ Thị Thanh Huyền, người trực tiếp điều hành bếp ăn này, cho biết các thành viên chia làm ba ca Thứ Ba, Năm, Bảy, mỗi ca bảy hoặc tám người thay phiên nhau. Các ngày nghỉ, các chị đi chợ chọn thực phẩm, sơ chế thịt cá, rau củ bỏ tủ lạnh cho tươi sống. Bà con ở chợ biết mua thức ăn về nấu từ thiện nên cũng ủng hộ bằng cách bớt chút tiền con cá, mớ rau…

“Lúc đầu bếp cơm còn thiếu thốn nhiều thứ như thau, nồi,… thì chị em ở đây nhà ai có gì thì đem vô ủng hộ cái đó, số tiền 3,000 đồng thu của một số khách đến ăn có bao nhiêu gom vào mua thức ăn chứ không dùng sắm sửa dụng cụ bếp núc,” bà cho hay.

Từ thành công của bếp cơm nghĩa tình phường Bình Trưng Đông, chính quyền quận 2 “khai trương” thêm một bếp cơm tình thương nữa của quận. Bếp nấu vào các ngày Thứ Hai, Tư, Sáu hằng tuần, cung cấp hai bữa cơm sáng, chiều cho những hộ gia đình khó khăn trong quận.

Bên căn bếp nhỏ nóng bức, nhưng đầy tình yêu thương, chưa bao giờ thấy vơi những tiếng cười đùa của những đứa trẻ đến lấy cơm và các cô dì trong bếp vừa làm, vừa trò chuyện rôm rả. (Tr.N)

Mời độc giả xem phóng sự Còn những cảnh nghèo

MỚI CẬP NHẬT