Sunday, May 5, 2024

Chiến hạm Nhật không đến Biển Ðông, Mỹ ‘hạ giọng’ trước Trung Quốc

TOKYO (NV) – Nhật sẽ không đưa chiến hạm đến Biển Ðông phối hợp với lực lượng Mỹ theo lời Bộ Trưởng Quốc Phòng Tomomi Inada nói với báo giới hôm Chủ Nhật, sau cuộc thảo luận với bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ.

Bà Inada lập lại quan điểm của Nhật là Lực Lượng Tự Vệ Nhật Bản (SDF) không tham gia hoạt động quân sự trên Biển Ðông ngoại trừ các cuộc tập trận với các đối tác ở khu vực.

“Tôi nói với Bộ Trưởng Mỹ Mattis rằng Nhật Bản hậu thuẫn các hoạt động tự do hải hành của Hoa Kỳ trên biển.” Lời bà Inada được hãng tin Jiji dẫn lại trong cuộc phỏng vấn của báo giới. “Nhưng Lực Lượng Phòng Vệ Nhật Bản sẽ không được gửi tới Biển Ðông.”

Tuy nhiên bà cho hay lực lượng Nhật Bản sẽ đóng góp trong vai trò hợp tác quốc phòng và huấn luyện. Nhật đã nhiều lần tuyên bố ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp chủ quyền biển đảo trên Biển Ðông bằng các biện pháp hòa bình theo các luật lệ quốc tế.

Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Jim Mattis tới Hàn Quốc và Nhật Bản hồi tuần qua. Ðây là chuyến công du đầu tiên của ông ngay sau khi được Quốc Hội chuẩn y làm bộ trưởng Quốc Phòng trong chính phủ của Tổng Thống Donald Trump.

Trong một cuộc họp báo hôm Thứ Bảy ở Tokyo, ông Mattis cho hay Hoa kỳ chưa thấy có nhu cầu có những thay đổi lớn về quân sự trên Biển Ðông nhằm đối phó với hành vi bá quyền bành trướng của Trung Quốc cho dù ông chỉ trích Bắc Kinh là “xé tan sự tin cậy của các nước trong khu vực.”

“Tại thời điểm này, chúng tôi không thấy có nhu cầu hành động quân sự mạnh bạo,” ông Mattis nói trong cuộc họp báo như thế và nhấn mạnh rằng nên đặt trọng tâm vào giải pháp ngoại giao.

Lời phát biểu của ông Mattis có vẻ như hạ thấp giọng so với lời phát biểu của ông Rex Tillerson khi ra trước Thượng Viện trả lời chất vấn để được chuẩn nhận làm bộ trưởng Ngoại Giao.

Ngày 10 Tháng Giêng 2017, trả lời một câu hỏi về các hành động của Trung Quốc tên Biển Ðông, ông Tillerson nói không nên cho phép Trung Quốc tiếp cận các đảo nhân tạo mà họ bồi đắp ở khu vực quần đảo Trường Sa. Lời phát biểu của ông đã gây nhiều tranh luận ở Mỹ cũng như phản ứng phẫn nộ ở Bắc Kinh. Làm thế nào để ngăn chặn lực lượng Trung Quốc tiếp cận các đảo này nếu không phát động một cuộc chiến tranh là một câu hỏi lớn. Bắc Kinh thì cho tờ Hoàn Cầu Thời Báo giận dữ thách đố liệu Mỹ có ngăn chặn được một cường quốc nguyên tử như Trung Quốc hay không.

Mời độc giả xem Điểm tin buổi sáng Thứ Hai, ngày 6 tháng 2 năm 2017

“Những gì phải làm là phải tận dụng mọi nỗ lực, các nỗ lực ngoại giao, để cố gắng giải quyết vấn đề này đúng cách, duy trì các đường dây đối thoại,” ông Mattis nói ở cuộc họp báo.

Theo quan điểm của ông vai trò của lực lượng quân sự là hậu thuẫn cho các nhà ngoại giao mà lúc này “chưa thấy cần phải vận động quân” và giải pháp tốt nhất vẫn là được giải quyết bằng ngoại giao. (TN)

MỚI CẬP NHẬT