Friday, April 26, 2024

Không thể cản tiến trình hủy diệt đồng bằng sông Cửu Long

VIỆT NAM (NV) – Lào tiếp tục thực hiện dự án thủy điện Don Sahong. Ủy Hội Sông Mekong bất lực. Nguồn lợi thủy sản sẽ cạn kiệt và tương lai đồng bằng sông Cửu Long vốn đã ảm đạm nay thật sự u ám.

Thủy điện Don Sahong tọa lạc ở tỉnh Champassak, cách biên giới Lào-Cambodia khoảng hai cây số và chắn ngang đường di cư của các loại cá. Công trình này chỉ là một trong chuỗi dự án thủy điện trên sông Mekong – dòng sông được xem là lớn nhất trên thế giới, bắt nguồn từ Trung Quốc, chảy qua Lào, Miến Ðiện, Thái Lan, Cambodia, Việt Nam rồi đổ ra Biển Ðông.

Trung Quốc là quốc gia đầu tiên đắp các con đập chắn ngang dòng chính ở thượng nguồn sông Mekong để xây dựng nhà máy thủy điện. Sau đó, Trung Quốc tiếp tục vươn tay ra hỗ trợ Lào vắt kiệt sông Mekong ở đoạn kế tiếp, bất chấp hậu họa đối với môi sinh, môi trường và tương lai của dân chúng các quốc gia thuộc khu vực hạ nguồn.

Sau khi xây dựng đập thủy điện Xayaburi (dự kiến sẽ hoàn tất vào năm 2019), khởi công rồi tạm dừng để nghe “tham vấn” và nay tái khởi công dự án đập thủy điện Don Sahong, Lào sẽ thực hiện thêm đập thủy điện Pak Beng (cách Luang Prabang, cố đô Lào khoảng 100 cây số).

Việc thi nhau xây dựng hàng loạt đập thủy điện trên dòng chính của sông Mekong từng được báo động liên tục bởi sẽ tác động tiêu cực tới cuộc sống của khoảng 60 triệu người và hủy diệt môi trường của bốn quốc gia nằm ở hạ lưu con sông này là Thái Lan, Cambodia, Việt Nam. Trong đó, Việt Nam là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất.

Giới khoa học đã công bố nhiều nghiên cứu, theo đó, các đập thủy điện trên dòng chính của sông Mekong sẽ xóa sổ nghề cá ở lưu vực sông Mekong (có sản lượng cá khoảng 2.5 triệu tấn/năm, tổng giá trị tương đương 3 tỉ Mỹ kim). Chưa kể, các hồ chứa nước của những dự án thủy điện sẽ khiến tốc độ tự nhiên của dòng chảy chậm lại, làm phù sa bồi lắng lớn, động lực dòng chảy thay đổi khiến các đoạn sông ở hạ lưu bị xói lở. Những hồ chứa nước với dung tích lên tới hàng chục tỉ mét khối nước sẽ gây ra địa chấn, đồng thời tạo những tác động tiêu cực cho cả vùng thượng nguồn như: ngập đất, ngập rừng, ngập các di sản, phải di dân và xóa sổ môi trường sống của các loài động vật hoang dã…

Vào năm 1995, Ủy Hội Sông Mekong (bao gồm Việt Nam, Lào, Cambodia, Thái Lan) từng thông qua một hiệp định, theo đó, mọi dự án tác động đến dòng chính sông Mekong phải tham vấn bốn quốc gia thành viên. Các thành viên có quyền phủ quyết dự án, nếu dự án có hại cho mình.

Dựa vào hiệp định vừa kể, Việt Nam, Cambodia, Thái Lan đã phản đối những dự án thủy điện của của Lào nhưng Lào lập luận giống như Trung Quốc rằng, Lào chỉ có trách nhiệm thông báo chứ không cần nghe ý kiến đa số. Hiệp định về sông Mekong, với “Quy trình ra quyết định về các đập trên dòng chính,” với các bước như: Thông báo, tham vấn, thỏa thuận trước,… cuối cùng chỉ giống như trang sức. Phản ứng của Việt Nam, Cambodia, Thái Lan về tác hại của các đập thủy điện đối với môi trường, hệ sinh thái và ngư nghiệp ở khu vực hạ lưu Mekong không ngăn được Lào ngưng dự án thủy điện Don Sahong.

Ngoài Việt Nam, Cambodia và Thái Lan, giới bảo vệ môi trường trên thế giới cũng đã lên tiếng chỉ trích dự án thủy điện Don Sahong kịch liệt. Bà Ame Trandem, giám đốc Ðông Nam Á của tổ chức Sông Ngòi Quốc Tế (International Rivers), từng cho rằng, đập Don Sahong được đặt ở vị trí tồi tệ nhất mà người ta có thể tưởng tượng ra. Những chỉ trích đó cuối cùng cũng chẳng đến đâu.

Khoảng 80% vốn đầu tư vào thủy điện Don Sahong (khoảng 500 triệu Mỹ kim) do tập đoàn Mega First bỏ ra. Mega First được giới thiệu là một tập đoàn của Malaysia. Tuy nhiên các tổ chức bảo vệ môi trường và báo giới đã điều tra và phát giác Mega First là con đẻ của tập đoàn Sinohydro ở Trung Quốc. Sở dĩ Sinohydro lánh mặt vì đã bị quá nhiều tai tiếng về những công trình trình thủy điện hủy diệt môi sinh, môi trường.

Năm ngoái, sau khi công bố dự tính thực hiện thêm thủy điện Pak Beng, Lào cũng loan báo luôn là tập đoàn đầu tư hải ngoại Ðại Ðường (Datang) của Trung Quốc đã cam kết vừa cho Lào vay tiền, vừa đảm trách việc xây dựng thủy điện Pak Beng, sau đó sẽ bán khoảng 90% sản lượng (chừng 4.700 gigawatt/giờ điện một năm) cho Thái Lan.

Các chuyên gia Việt Nam từng nhấn mạnh, nếu không hành động, các đập thủy điện trên sông Mekong sẽ đốn ngã hai trụ cột về kinh tế của đồng bằng sông Cửu Long là nông nghiệp và thủy sản. Khoảng 20 triệu cư dân đồng bằng sông Cửu Long, từ nông thôn đến thành thị sẽ bị tổn thương nặng nề và vì không sống được, hiện tượng di cư sẽ diễn ra trên diện rộng.

Năm ngoái, bà Trandem than rằng, trong việc ngăn chặn thực hiện các dự án thủy điện trên sông Mekong, khoa học và chính sách đã thất bại bởi cộng đồng cư dân khu vực Mekong thiếu thông tin, dẫu cho những dự án đó ảnh hưởng đến 60 triệu người là dân của nhiều quốc gia trong khu vực. (G.Ð)

MỚI CẬP NHẬT