Friday, March 29, 2024

CSVN tuyên truyền dối trá về bội chi ngân sách

HÀ NỘI (NV) – Nhà cầm quyền CSVN đưa ra những con số về thâm hụt ngân sách trước sau không giống nhau, cho thấy sự tuyên truyền dối trá về thực tế kinh tế tài chính của chế độ.

Hôm Thứ Hai, 27 tháng 11, tờ Thời Báo Kinh Tế Việt Nam (TBKTVN) đưa tin “Mức bội chi ngân sách 11 tháng” của nhà nước “đã lên tới 176,900 tỷ đồng, tương ứng gần $7.6 tỷ.”

Trong bản tin này, tờ TBKTVN dựa vào “báo cáo tình hình kinh tế-xã hội vừa công bố của Tổng Cục Thống Kê, tổng thu ngân sách nhà nước tính đến ngày 15 tháng 11 ước đạt khoảng 851,800 tỷ đồng, bằng 84.1% dự toán cả năm 2016. Trong đó, thu nội địa đạt 683,500 tỷ đồng, bằng 87.1% dự toán năm, thu từ dầu thô chỉ đạt 34,500 tỷ đồng, đạt 63.4% dự toán. Thu cân đối từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt 131,300 tỷ đồng, bằng 76.3% dự toán năm.”

Trong đó cho thấy thất thu khá nặng về dầu thô và cũng thất thu trong cả hoạt động xuất nhập khẩu.

Cũng tồi tệ không kém là các xí nghiệp quốc doanh chỉ nộp cho ngân sách nhà nước được 176,600 tỷ đồng, tức là chỉ được 68.9% dự toán năm khi chỉ còn có một tháng nữa là sang năm 2017. Ðiều này chứng tỏ hệ thống quốc doanh “lãi giả, lộ thật” đang là gánh nặng.

Trong khi đó, theo tờ TBKTVN thuật theo Tổng Cục Thống Kê (trực thuộc Bộ Công Thương) thì “tổng chi ngân sách tính đến ngày 15 tháng 11 ước tính đạt 1,024,700 tỷ đồng, bằng 80.5% dự toán năm. Trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 167,700 tỷ đồng, bằng 65.8%; chi phát triển sự nghiệp kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý hành chính đạt 713,900 tỷ đồng, bằng 86.6%; chi trả nợ và viện trợ đạt 136,000 tỷ đồng, bằng 87.7%.”

Làm con tính trừ giữa chi và thu, TBKTVN nói “sau 11 tháng, ngân sách quốc gia bội chi khoảng 172,900 tỷ đồng, tương ứng gần 7.6 tỷ USD. Theo kế hoạch thu chi ngân sách năm 2016 đã được phê duyệt, mục tiêu thu ngân sách cả năm là 1,050,400 tỷ đồng, chi ngân sách là 1,273,200 tỷ đồng.”

Tuy nhiên, chỉ hơn một tuần lễ trước đây, ngày 17 tháng 11, 2016, tờ Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn (TBKTSG) cũng đã dựa vào các con số từ Tổng Cục Thống Kê, đưa ra con số bội chi của ngân sách CSVN lớn hơn nhiều, chỉ tính tới cuối tháng 10.

TBKTSG viết rằng, “Số thu đang đứng trước nguy cơ không đạt kế hoạch năm, nhưng bội chi ngân sách 10 tháng qua lại lên đến 188,000 tỉ đồng (khoảng $8.084 tỉ), tương đương 6.2% GDP của chín tháng đầu năm.”

Hệ quả của sự khiếm hụt ngân sách vì thất thu, TBKTSG nói nhà cầm quyền “chỉ còn cách gia tăng vay nợ và hệ quả là phát hành trái phiếu năm nay đã được nâng lên 281,000 tỉ đồng, tăng 53% so với tổng lượng phát hành của năm ngoái. Mức trần nợ chính phủ 50% đã bị phá vỡ do phát hành trái phiếu chạy quá nhanh trong khi tăng trưởng GDP chậm lại. Ðiều này đã buộc Quốc Hội cho phép nâng trần nợ chính phủ lên 54%.”

Vẫn theo tờ TBKTSG, “Giả sử con số tuyệt đối bội chi ngân sách năm nay giữ nguyên so với năm ngoái, tức khoảng 10 tỉ đô la Mỹ, thì ngay cả trong trường hợp đó tấm đệm bội chi vẫn tiếp tục ngày một dày thêm. Những biện pháp ‘giật gấu vá vai’ đang được thực hiện ngày càng nhiều từ gia tăng thu tiền sử dụng đất đến thoái vốn nhà nước khỏi các doanh nghiệp quy mô. Tuy nhiên dư địa cho những nguồn thu ‘giật gấu vá vai’ cũng không nhiều nhặn gì.”

Mời độc giả xem phóng sự: Thư viện nhỏ chốn quê nghèo

Theo các con số mà TBKTSG đưa ra, “Phát hành trái phiếu năm nay đã được nâng lên 281,000 tỉ đồng, tăng 53% so với tổng lượng phát hành của năm ngoái. Mức trần nợ chính phủ 50% đã bị phá vỡ do phát hành trái phiếu chạy quá nhanh trong khi tăng trưởng GDP chậm lại. Ðiều này đã buộc Quốc Hội cho phép nâng trần nợ chính phủ lên 54%.”

Ngân Hàng Nhà Nước CSVN cũng từng tiền hậu bất nhất về tình trạng nợ xấu trong hệ thống ngân hàng tại Việt Nam khi nhiều khi ít nhưng tất cả đều rất thấp so với các ước lượng của giới tài chính quốc tế. Ngày 16 tháng 8, 2016 tờ TBKTSG đưa tin, chính ông Vương Ðình Huệ, phó thủ tướng của chế độ thừa nhận “số liệu thống kê không xác thực nhiều lúc đã làm chính phủ rất lúng túng trong điều hành kinh tế.”

Trong buổi “làm việc” với Tổng Cục Thống Kê và các bộ, ngành sáng ngày 16 tháng 8 tại Hà Nội, ông Huệ trích dẫn số liệu thịt heo xuất khẩu là 200,000 tấn, theo Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, trong khi con số này lên tới 300,000 tấn, theo Bộ Công Thương, rồi nói: “Chúng tôi không biết tin vào số nào để điều hành kinh tế vĩ mô,” tờ TBKTSG kể. (TN)

MỚI CẬP NHẬT