Thursday, April 25, 2024

Dầu mỏ Biển Đông tiếp tục hun nóng quan hệ Việt-Ấn-Trung

BÌNH THUẬN, Việt Nam (NV) – Việt Nam vừa gia hạn cho tập đoàn dầu khí của Ấn Độ, thường được gọi tắt là ONGC Videsh, thăm dò, khai thác dầu khí tại lô 128 thêm hai năm nữa.

Một trong những lãnh đạo của ONGC Videsh vừa tiết lộ điều này với hãng thông tấn Reuters. Theo đó, chuyện thăm dò, khai thác dầu tại lô 128 không đặt nặng yếu tố thương mại mà là một phần trong chiến lược của Ấn.

Đây là lần thứ năm Việt Nam gia hạn cho ONGC Videsh thăm dò, khai thác dầu khí tại đây. Lô 128 nằm ở ngoài khơi Bình Thuận, Việt Nam, vốn nằm trong vùng biển mà Trung Quốc đòi chủ quyền.

Năm 2006, ONGC Videsh ký với Việt Nam hợp đồng thăm dò, khai thác dầu ở hai lô 127 và 128. Do không tìm thấy dầu, ONGC Videsh trả lại lô 127 nhưng vẫn tiếp tục ở lô 128. Dẫu khả năng tìm thấy dầu tại lô 128 không cao nhưng năm 2015, Ấn từng tuyên bố, việc ONGC Videsh tiếp tục thực hiện hợp đồng đã ký là vì các “lợi ích chiến lược.”

Ngoài việc cho phép ONGC Videsh, Việt Nam còn cho phép liên danh giữa Petro Việt Nam với công ty Repsol của Tây Ban Nha và công ty Mubadala Development Co của United Arab Emirates khai thác dầu tại một lô khác mà Reuters phỏng đoán là lô 136/3.

Trước những sự kiện vừa kể, Trung Quốc tiếp tục phản đối việc đơn phương thực hiện các hoạt động bất hợp pháp về dầu mỏ và khí đốt tại vùng biển “thuộc chủ quyền của Trung Quốc.”

Trung Quốc không chỉ bất đồng về chủ quyền với Việt Nam. Vào lúc này, quan hệ Trung-Ấn cũng đang hết sức căng thẳng. Trung Quốc mới lên tiếng tố cáo Ấn “quân sự hóa khu vực Sikkim.”

Sikkim nằm ở phía Đông dãy Himalaya, nơi tiếp giáp giữa Tây Tạng (nay thuộc Trung Quốc) và Bhutan. Tuy khu vực này thuộc Ấn Độ nhưng Trung Quốc vẫn muốn giựt nó ra khỏi tay Ấn và mâu thuẫn giữa hai bên về Sikkim kéo dài suốt từ thập niên 1960 đến nay.

Tháng trước, quan hệ Trung-Ấn trở nên căng thẳng bất thường sau khi Trung Quốc xây dựng một con đường chạy dọc khu vực biên giới Trung-Ấn ở Sikkim. Không chỉ Ấn mà cả Bhutan cũng cáo buộc Trung Quốc lợi dụng việc làm đường để xâm phạm lãnh thổ của mình.

Trung Quốc mới cáo buộc, tháng trước, biên phòng Ấn đã vượt biên giới Trung-Ấn, xâm nhập khu vực Donglang của Trung Quốc và cản trở việc làm con đường chạy dọc biên giới Trung-Ấn ở khu vực Sikkim. Trung Quốc cũng phủ nhận cáo buộc của Ấn Độ là việc xây dựng con đường này có thể “dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng” vì Trung Quốc có thể làm đường trên lãnh thổ của mình. Theo Trung Quốc thì chính Ấn Độ mới là bên gây hấn khi xây dựng nhiều cơ sở quân sự, kể cả triển khai quân lực ở khu vực Sikkim.

Những mâu thuẫn như vừa kể trong quan hệ Trung-Ấn được xem là một trong những nguyên nhân chính khiến quan hệ Việt-Ấn trở nên khắng khít hơn. Ấn Độ thường xuyên bày tỏ sự đồng tình với quan điểm của Việt Nam về chủ quyền ở Biển Đông, kể cả hợp tác thăm dò, khai thác dầu khí.

Không chỉ các chuyên gia mà báo giới Ấn Độ cũng tin rằng, hoạt động của ONGC Videsh tại Biển Đông không chỉ nhằm khẳng định Ấn có các lợi ích thương mại tại vùng biển vốn đang có tranh chấp về chủ quyền giữa Việt Nam và Trung Quốc, mà còn cho cho thấy Ấn đang cùng với Hoa Kỳ và các quốc gia khác ở Châu Á phủ nhận yêu sách về chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông.

Về phía Trung Quốc, song song với việc cảnh cáo Ấn không nên tiến hành bất cứ hoạt động thăm dò dầu khí nào ở các khu vực đang có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, Trung Quốc không ngừng bày tỏ hy vọng cải thiện quan hệ với Ấn để “cùng phát triển.” (G.Đ)

Mời độc giả xem bình luận “Dũng Sĩ và Tiến Sĩ” (Phần 1)

MỚI CẬP NHẬT