Thursday, April 18, 2024

Ðinh La Thăng có thật sự ‘bật đèn xanh’ cho công nhân đình công?

NV: Ðiều 210 của Bộ Luật Lao Ðộng về tổ chức và lãnh đạo đình công: “1. Ở nơi có tổ chức công đoàn cơ sở thì đình công phải do ban chấp hành công đoàn cơ sở tổ chức và lãnh đạo. 2. Ở nơi chưa có tổ chức công đoàn cơ sở thì đình công do tổ chức công đoàn cấp trên tổ chức và lãnh đạo theo đề nghị của người lao động.” Luật sư cho biết điều luật này đã gây khó khăn gì cho công đoàn độc lập trong việc tổ chức đình công về mặt pháp lý?

LCÐ: Do công đoàn độc lập chưa được công nhận và cấp phép hoạt động, nên nếu việc tổ chức đình công phải thông qua ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc tổ chức công đoàn cấp trên, thì chắc chắn việc tổ chức đình công của công đoàn độc lập sẽ bị xem là bất hợp pháp. Ðiều này là một trở ngại lớn, vì công nhân sẽ không dám tham gia công đoàn độc lập để bảo vệ quyền lợi của mình.

Xem thêm video: Cựu Giám Đốc sở Tư Pháp từ bỏ Đảng CSVN

NV: Khi Việt Nam tham gia vào TPP và các tổ chức công đoàn độc lập công khai hoạt động thì những điều luật hạn chế này có còn giá trị?

LCÐ: Nếu Quốc Hội các nước thành viên TPP phê chuẩn thỏa ước liên quốc gia về TPP, thì công đoàn độc lập có thể được thành lập một cách hợp pháp tại Việt Nam. Tất nhiên việc ban hành hay duy trì các quy định hạn chế hoạt động của công đoàn độc lập sẽ bị chế tài nghiêm khắc bởi cộng đồng các nước thành viên TPP. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là nhà nước Việt Nam dễ dàng chấp nhận vai trò của công đoàn độc lập và tạo mọi điều kiện để nó hoạt động dễ dàng.

Thái độ thiếu nghiêm túc của nhà nước Việt Nam trong việc thi hành các thỏa ước quốc tế về thương mại trước đây như Hiệp Ðịnh Thương Mại Việt-Mỹ (BTA) năm 2000 và các thỏa thuận của Tổ Chức Thương Mại Quốc Tế (WTO) năm 2007 là bằng chứng thuyết phục để chúng ta quan ngại rằng công đoàn độc lập sẽ không đương nhiên có được một hành lang pháp lý tốt để khai triển hoạt động của mình trong tương lai.

Nhà nước Việt Nam từng tự tiện đặt ra các chính sách và quy định dưới luật để hạn chế quyền của nhà đầu tư và thương nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam, mặc dù các quyền đó được BTA và WTO công nhận theo lộ trình mở cửa thị trường nội địa mà chính Việt Nam đã cam kết thực hiện.

Trên thực tế, trong nhiều năm qua, các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam luôn cố tình dựng lên hàng rào giấy phép vô lý để ngang nhiên cản trở và tước đoạt các quyền kinh doanh hợp pháp của giới kinh doanh quốc tế trong những ngành nghề kinh tế khác nhau, mà không bị trừng phạt nghiêm khắc.

Với não trạng và thói quen quản lý gian lận đó của nhà cầm quyền, có thể tiên liệu rằng các công đoàn độc lập mà TPP yêu cầu thành lập chắc chắn sẽ không có một tương lai rộng mở, nhất là khi đảng Cộng Sản luôn nhìn công đoàn độc lập như những “tổ chức chính trị trá hình” chịu sự chi phối của các “thế lực thù địch.”

NV: Xin cảm ơn luật sư!

MỚI CẬP NHẬT