Friday, April 26, 2024

Việt Nam: 5 năm qua đã khó, 5 năm tới còn khó hơn

HÀ NỘI (NV) – Ðó là nhận định của ông Trần Ðình Thiên, viện trưởng Viện Kinh Tế Việt Nam. Ông Thiên khuyến cáo chính quyền Việt Nam phải thay đổi cách nhìn về phát triển.

Viện trưởng Viện Kinh Tế Việt Nam dẫn chứng, năm ngoái, cho dù tỷ lệ tăng trưởng GDP chỉ có 6.21% so với năm 2015, dẫu biết sẽ không đạt mục tiêu (6.7%) nhưng chính phủ Việt Nam không điều chỉnh mục tiêu.

Ông Thiên cho rằng, đó là vì Việt Nam vẫn bám theo chủ nghĩa thành tích ngắn hạn. Trước giờ, đối với phát triển, Việt Nam chỉ “nhìn xuống chân chứ không chịu ngẩng đầu lên nhìn xa hơn.”

Ông Thiên nhận xét, mục tiêu tăng trưởng GDP của Việt Nam là “ăn đong” theo từng năm, thậm chí từng sáu tháng, khi nhắm không đạt được mục tiêu đã được Quốc Hội Việt Nam đề ra thì chính phủ Việt Nam xin Quốc Hội Việt Nam điều chỉnh, thành ra lúc nào chính phủ Việt Nam cũng hoàn thành nhiệm vụ. Ðó cũng là lý do khiến những yếu kém có tính nền tảng, dài hạn không được thảo luận để giải quyết một cách nghiêm túc.

Trong một cuộc trao đổi với tờ Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn, ông Thiên nhấn mạnh, phải thay đổi cách nhìn về phát triển, không nên bận tâm đến tỷ lệ tăng trưởng GDP là bao nhiêu phần trăm nữa mà phải dồn sức tái cơ cấu nền kinh tế, gia tăng nội lực để có thể đứng vững khi hội nhập càng lúc càng sâu, càng rộng.

Giống như nhiều chuyên gia kinh tế khác, viện trưởng Viện Kinh Tế Việt Nam tỏ ra rất bi quan, theo ông 5 năm vừa qua là 5 năm khó khăn nhất từ khi Việt Nam bắt đầu đổi mới (1986) và đáng ngại là năm năm tới, kinh tế Việt Nam có thể còn khó khăn hơn 5 năm vừa qua, thành ra chính quyền Việt Nam phải tự thay đổi.

Ông Thiên không đồng tình với ý tưởng tái cơ cấu nền kinh tế để “tháo gỡ khó khăn” vì chỉ “tháo gỡ” thì không giải quyết được vấn đề. Thực chất của tái cơ cấu nền kinh tế là thay đổi mô hình tăng trưởng và vì thế chỉ “tháo gỡ khó khăn” sẽ chẳng làm được gì.

Ông Thiên nêu thắc mắc, cứ “tháo gỡ” thì bao giờ mới hết “khó khăn”? Ông không hiểu tại sao chương trình, kế hoạch nào cũng chỉ đề cập đến “tháo gỡ” mà không minh định là phải “thay đổi.”

Ông Thiên lập lại hai vấn nạn mà rất nhiều chuyên gia đã khuyến cáo.

Vấn nạn thứ nhất là tác động của biến đổi khí hậu đến đồng bằng sông Cửu Long. Nước ngọt giảm dần, nước biển càng ngày càng lấn sâu vào đất liền có thể phá vỡ toàn bộ cấu trúc ở đồng bằng sông Cửu Long. Ðó không phải là thiên tai đơn thuần mà là vấn nạn càng ngày càng lớn. Vấn nạn này tác động đến cả kinh tế lẫn xã hội. Ông Thiên lưu ý, ở miền Bắc hay miền Trung, đói khổ đến đâu thì người ta cũng ráng chịu để trụ lại nhưng ở miền Nam, đói khổ có thể sẽ khiến cả làng bỏ xứ… Do vậy, tác động của biến đổi khí hậu đến đồng bằng sông Cửu Long đòi phải suy tính về điều kiện, cách thức phát triển của cả một khu vực lâu nay vốn rất trù phú.

Vấn nạn thứ hai là qui mô doanh nghiệp Việt Nam càng ngày cảng nhỏ và yếu. Năm ngoái, có khoảng 110,000 doanh nghiệp ra đời nhưng lại có 64,000 doanh nghiệp phá sản. Tại Việt Nam, hiện có 70% doanh nghiệp vận hành theo dạng gia đình, mục tiêu chỉ nhằm kiếm sống chứ không phải làm giàu. Lẽ ra khi qui mô càng nhỏ – ông Thiên ví von là “li ti như cám” – thì doanh nghiệp phải liên kết với nhau theo chuỗi để mạnh dần nhưng ông Thiên than rằng “doanh nghiệp của chúng ta thì không.”

Viện trưởng Viện Kinh Tế Việt Nam liên tục lập đi lập lại rằng, “nếu không lựa chọn một phương thức phát triển khác,” Việt Nam sẽ tiếp tục thụt lùi. (G.Ð)

MỚI CẬP NHẬT