Thursday, April 25, 2024

Ngành giáo dục Việt Nam bị chỉ trích vì quá ‘ái mộ’ công an

Nguyên nhân tuy đã rõ nhưng Sở Giáo Dục-Đào Tạo tỉnh Nghệ An vẫn “cương quyết” phải làm cho… rõ hơn: Đề nghị công an tỉnh Nghệ An… điều tra toàn diện.

Đây là lần thứ hai trong kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học toàn quốc năm nay, ngành giáo dục Việt Nam đề nghị công an điều tra học sinh.

Hồi đầu tháng 7, ngay sau khi kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông kết thúc, Sở Giáo Dục – Đào Tạo tỉnh Thừa Thiên-Huế đã yêu cầu công an tỉnh này… điều tra về một video clip do một nhóm học sinh trung học ở Huế thực hiện rồi đưa lên Internet, chế giễu kỳ thi này dưới dạng phỏng vấn với những nhận định kiểu như: Đề thi năm nay là tương đối khó hiểu, nếu đọc một lần thì chắc chắn không hiểu được đề bài, nhưng nếu đọc nhiều lần thì cũng đ.. hiểu được luôn.” “Đề thi năm nay vừa sức với… giáo viên, có những thí sinh ra về sớm vì cho rằng đề thi năm nay quá dễ, sỉ nhục lòng ham học của thí sinh.” “Em vào phòng thi cho có lệ thôi, vì điểm thi đã có ông già em ‘cơ cấu’ hết rồi…”

Tuy ông Phạm Văn Hùng, giám đốc Sở Giáo Dục-Đào Tạo tỉnh Thừa Thiên-Huế, phân bua rằng, sở dĩ ông chỉ đạo thuộc cấp, “báo” công an, yêu cầu điều tra là vì “nội dung trong video clip liên quan đến kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và công an là một thành phần trong Ban Chỉ Đạo kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia” nhưng công chúng vẫn chỉ trích kịch liệt “yêu cầu công an điều tra” bởi đó chỉ là chuyện trẻ con ham vui và thích bắt chước. Năm ngoái, người lớn đã từng thực hiện một video clip với nội dung và lời lẽ tương tự.

Đã có rất nhiều người bất bình khi ngành giáo dục Việt Nam thi nhau nhờ ngành công an điều tra học sinh về những “vụ” như vừa kể. Trong bài viết “Khi giáo dục ‘nhờ’ công an vào cuộc,” tờ Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn nhận định, những vụ như vừa kể vốn thuộc phạm vi trách nhiệm của ngành giáo dục (ngoài truyền thụ kiến thức còn phải giúp học sinh rèn luyện nhân cách) và nêu thắc mắc: Tại sao ngành giáo dục không dựa vào các quy chế có sẵn để xử lý những tình huống này mà phải nhờ công an điều tra?

Theo tờ Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn, chính ngành giáo dục đã từ chối việc thiết lập không gian riêng biệt theo đúng mục tiêu sư phạm. Công an lẽ ra phải đứng bên ngoài hàng rào thì lại được ngành giáo dục mời nhập cuộc để giải quyết mọi tình huống. Kể cả những vụ mất cắp vài ba ngàn đồng. Bởi ngành giáo dục lẩn tránh trách nhiệm rèn nhân cách, xây dựng nhận thức về đạo đức và đẩy học sinh của mình cho công an giải quyết nên đã gây ra nhiều chấn động, chấn thương tâm lý không đáng có.

Cũng theo tờ báo này thì ngành giáo dục Việt Nam đang phớt lờ việc dạy cho học sinh sự tự trọng, kiến thức tự bảo vệ bản thân, phẩm giá và ý thức trách nhiệm. Giao tất cả những chuyện liên quan đến rèn luyện nhân cách, đạo đức cho công an là một trong những điều bất thường của ngành giáo dục Việt Nam. Ngành công an được kêu gọi là nên từ chối tiếp nhận những đề nghị, yêu cầu nhằm lẩn tránh trách nhiệm này của ngành giáo dục. (G.Đ)

MỚI CẬP NHẬT