Monday, April 29, 2024

Chưa cấm, nhưng không cho chơi Pokemon nơi ‘nhạy cảm’

Một trong những lý do dẫn tới việc cấm game thủ chơi gần hay ở trong những nơi “nhạy cảm” chính trị quân sự, Bộ TT&TT Hà Nội nói rằng, “Chính phủ nhiều nước trên thế giới cũng lo ngại ảnh hưởng đến an ninh quốc gia vì có thể bị thu thập dữ liệu, hình ảnh ở khắp nơi trong các tòa nhà, địa điểm, vị trí xung quanh người chơi để gửi về máy chủ nhà phát hành. Thậm chí game mới phát hành ở Việt Nam được vài ngày thì người chơi đã chia sẻ nhau cách sửa bản đồ Việt Nam thông qua công cụ Map Maker của Google.”

Ngoài nhưng nơi “nhạy cảm” chính trị quân sự, Bộ TT&TT chế độ Hà Nội còn khuyến cáo người ta, “Không chơi khi đang tham gia giao thông, không chơi ở các khu vực nguy hiểm như: đường sắt, đường cao tốc, sân bay, sông, hồ, đồi, núi…”

Trong một chương trình thảo luận bàn tròn trực tuyến của VietNamNet với chủ đề “Có nên nói không với Pokemon Go?” diễn ra buổi sáng ngày 17 tháng 8, 2016 ông Lê Quang Tự Do, phó cục trưởng Cục Phát Thanh Truyền Hình và Thông Tin Ðiện Tử, Bộ Thông Tin và Truyền Thông cho hay bộ “định hướng thông tin” của ông “chưa đặt vấn đề cấm hay không cấm chơi Pokemon Go lúc này.” Nhưng cho biết, “Cục đã làm việc với nhà phát hành game để đưa ra các yêu cầu cần thiết.”

“Pokemon Go được cung cấp từ nước ngoài, máy chủ cũng đặt ở nước khác, nhà phát hành, nhà sản xuất đều ở nước khác và họ cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nan. Trò chơi này không được cấp phép hoạt động ở Việt Nam.” Ông nói.

Theo tin tức, người ta thấy nước Iran cấm chơi Pokemon Go hoàn toàn, một số nước khác cũng giới hạn chơi trò chơi điện tử này như Nga, Trung Quốc. Theo bản tin hãng Reuters, tuần vừa qua, chính quyền Cambodia đã cấm người ta chơi Pokemon Go tại nhà bảo tàng tội ác diệt chủng của Khmer Ðỏ, khi người chơi game cầm điện thoại di động tìm kiếm con thú ảo ở trung tâm tra tấn và nhà tù. Thái Lan cũng đang định cấm chơi Pokemon Go ở những địa điểm như hoàng cung, chùa và bệnh viện. (TN)

MỚI CẬP NHẬT