Thursday, April 25, 2024

Việt Nam muốn hủy một phần dự án Lee & Man Paper

VIỆT NAM – Bộ Công Thương Việt Nam vừa đề nghị chính phủ Việt Nam hủy giấy phép đầu tư nhà máy sản xuất bột giấy của Lee & Man Paper vì không thỏa mãn các tiêu chí về bảo vệ môi trường.

Cách nay tám năm, tập đoàn Lee & Man Paper ở Hồng Kông được cấp giấp phép sử dụng khoảng 82 héc ta đất tại Cụm Công nghiệp Nam sông Hậu, tọa lại tại xã Phú Hữu A, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang để đầu tư một cụm nhà máy, trị giá khoảng $628 triệu. Cụm nhà máy đó bao gồm hai nhà máy biệt lập, một sản xuất bột giấy tẩy trắng, công suất khoảng 330,000 tấn/năm và một sản xuất giấy cứng để làm bao bì cao cấp, công suất khoảng 420,000 tấn/năm.

Nay khi cụm nhà máy sắp khánh thành, Bộ Công Thương Việt Nam lại đưa ra đề nghị vừa kể. Nếu đề nghị được chấp thuận thì dự án đầu tư của tập đoàn Lee & Man Paper tại Hậu Giang sẽ chỉ còn một nhà máy sản xuất giấy cứng để làm bao bì cao cấp.

Đề nghị mà Bộ Công Thương Việt Nam gửi chính phủ Việt Nam chắc chắn có liên quan tới kết quả thanh tra các tác động đến môi trường từ dự án xây dựng cụm nhà máy của tập đoàn Lee & Man Paper do Tổng Cục Môi Trường thực hiện hồi hạ tuần tháng trước, theo yêu cầu của bộ trưởng Tài Nguyên-Môi Trường Việt Nam.

Đó là cuộc thanh tra ngoài kế hoạch sau khi Hiệp Hội Chế Biến và Xuất Cảng Thủy Sản Việt Nam (VASEP) gửi văn bản cho thủ tướng Việt Nam và Bộ Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn, cảnh báo, nếu cụm nhà máy giấy của Lee & Man Paper xả nước thải ra sông Hậu, con sông sẽ bị ô nhiễm trầm trọng, nguồn lợi thủy sản (tôm, cá) bị tận diệt và ảnh hưởng đến cả sản lượng của vựa lúa ở đồng bằng sông Cửu Long.

Cảnh báo vừa kể vốn đã từng được đề cập cách nay mười năm nhưng lúc đó, chính quyền Việt Nam không thèm bận tâm…

Ông Dương Văn Ni, một chuyên gia môi trường, làm việc tại đại học Cần Thơ, từng kể với báo giới rằng, năm 2006, ông được mời phản biện ý tưởng xây dựng cụm nhà máy giấy của Lee & Man Paper. Vào thời điểm đó, ông Ni đã khẳng định rằng, trên thế giới, chẳng có ai xây dựng nhà máy giấy ở một nơi như đồng bằng sông Cửu Long bởi điều đó sẽ hủy diệt môi sinh, môi trường. Sản xuất giấy cũng như sản xuất hóa chất, thép,& luôn thải ra một lượng nước lớn chứa nhiều chất cực độc. Do rất khó kiểm soát chất lượng nước thải cũng như loại bỏ hoàn toàn những rủi ro trong quá trình xử lý nước thải, ô nhiễm có thể trở thành thảm họa không chỉ với sông Hậu mà còn lan vào hệ thống kênh rạch nối với các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, hủy diệt toàn bộ khu vực Tây Nam sông Hậu.

Cũng theo lời ông Ni, sau khi cảnh báo như thế, ông không được mời góp ý nữa. Ý tưởng xây dựng cụm nhà máy giấy của Lee & Man Paper cạnh bờ sông Hậu, đoạn chảy qua huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang vẫn được chấp thuận. Dự án đầu tư được phê duyệt, giấy phép đầu tư được cấp cách nay khoảng tám năm. Lẽ ra cụm nhà máy giấy này đã hoạt động vào cuối năm 2008 nhưng vì nhiều lý do, tháng này, công trình mới hoàn tất.

Theo quy định của luật pháp Việt Nam, các dự án đầu tư phải tổ chức khảo sát và có báo cáo đánh giá tác động môi trường. Ông Nguyễn Hữu Thiện, một chuyên gia về sinh thái đồng bằng sông Cửu Long, kể với báo giới, báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án xây dựng cụm nhà máy giấy chỉ lấy ý kiến của 20 người dân về tác động của dự án đối với đất, nhà và hoa màu. Do không thông báo những nguy cơ có thể tác động đến nguồn nước, nguồn lợi thủy sản, không khí,… 20 người dân được hỏi ý kiến đều đồng ý nếu bồi thường thỏa đáng. Báo cáo Đánh giá tác động môi trường cũng đã được gửi cho chính quyền và Ủy Ban Mặt Trận Tổ Quốc… xã Phú Hữu A để tham khảo. Nhân danh công đồng, hai tổ chức này hoan hỉ đồng ý.

Vì vào thời điểm vừa kể (2008), nhà máy giấy Lee & Man chưa hoạt động nên tập đoàn Lee & Man Paper của Hồng Kông đã đưa các viên chức Việt Nam từ huyện đến trung ương đi “tham quan” các nhà máy của tập đoàn này tại Thâm Quyến và Quảng Châu, Trung Quốc.

Ông Võ Văn Thắng, phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hậu Giang, lúc đó là phó chủ tịch huyện Châu Thành – một trong những viên chức được tập đoàn Lee & Man Paper của Hồng Kông mời đi “tham quan,” tiết lộ với báo giới: Mẫu nước làm cơ sở cho việc thẩm định và phê duyệt của hàng loạt cơ quan hữu trách tại Việt Nam đối với dự án đầu tư nhà máy giấy Lee & Man hồi 2008 được lấy ở… Quảng Châu!

Bây giờ, nếu chính quyền Việt Nam hủy một phần dự án của Lee & Man Paper thì có lẽ đây là lần đầu tiên chính quyền Việt Nam chú ý tới một đề nghị xét lại một dự án đầu tư vì dự án đó có thể gây nguy hại cho môi trường. Dương như sự phẫn nộ của dân chúng về thảm họa cá chết trắng đoạn bờ biển dài 250 cây số chạy dọc bốn tỉnh phía Bắc miền Trung hồi đầu tháng 4 là yếu tố chính đẩy chính quyền Việt Nam tới chỗ phải thay đổi cách hành xử.

Chắc chắn tập đoàn Lee & Man Paper sẽ đòi bồi thường và chính quyền Việt Nam khó mà tránh né nghĩa vụ này do sự bất nhất của mình. Dẫu còn phải chờ kết luận cuối cùng nhưng ít nhất những dữ kiện liên quan đến dự án xây dựng nhà máy giấy Lee & Man cũng cho thấy, hệ thống công quyền Việt Nam chỉ quan tâm đến một chuyện là thu hút đầu tư ngoại quốc để có thành tích tăng trưởng còn tác động của dự án đầu tư đến môi trường ra sao, dân sẽ sống thế nào là chuyện họ không bân tâm. Bối cảnh như hiện nay khiến chính quyền Việt Nam không thể thản nhiên hy sinh môi trường để lấy thành tích như trước nhưng làm ngược lại thì rõ ràng là không dễ dàng. Chính quyền tiếp tục gật hay lắc thì đối tượng lãnh đủ cũng chỉ là dân. (G.Đ)

MỚI CẬP NHẬT