Friday, April 26, 2024

Người miền Tây và ‘nước mắt quê hương’

Bùi Long Chánh - Giai Phẩm Người Việt Xuân Đinh Dậu

Khi người miền Nam ví von rượu đế là “nước mắt quê hương,” xét cho cùng cũng không gì quá đáng, nhất là khi nết uống để cho say tới bến có nhiều bợm nhậu thường lộ tánh thương chó, thương mèo, quý cây, trọng cỏ, yêu đất, yêu trời,… tha thiết đến mức khóc hu hu, lo cảnh nhân sinh sắp chịu trận trời sắp sập.

Vì sao tánh nết đờn ông, đờn bà người miền Nam lúc chưa có rượu thì chân chất phóng khoáng, lúc rượu vô, đời lên men cao độ lại hỷ nộ ái ố vô phương chống đỡ? Trăm sự, vạn sự là do rượu ngon, do mồi bén từ đất lành phương Nam sanh chứng.

Rượu đế, còn gọi là rượu trắng ở các tỉnh miền Tây cũng phức tạp như tâm tánh dân nhậu vậy. Tuy cách nấu rượu ná ná giống nhau nhưng tự lâu đời, do khẩu vị cư dân uống rượu mà đã chia ra “hai miền,” rượu đậm và rượu lạt hay còn gọi là rượu cao độ và rượu thấp độ. Dân thường gầy độ nhậu gọi là rượu đế miệt trên và rượu đế miệt dưới.

Nết uống rượu đong bằng xị

Ngày trước, bên này phà Mỹ Thuận ngược lên các xứ Mỹ Tho, Gò Công, Long An, Tây Ninh, Sài Gòn-Chợ Lớn,… dân nhậu nhấp môi vào chum rượu trắng ngậm phải thứ rượu lạt miệt dưới là phun ra phèo phèo, không cần giữ phép lịch sự lớn tiếng chê: Rượu lạt như nước lã.

Vậy rượu gì đáng uống? Ðó là thứ rượu chẳng cần biết bao nhiêu độ, rót ra dĩa nướng khô, nướng mực lửa xanh lè như mắt quan Tây, uống vô tới cuống họng phải khè khè như rắn hổ mang chúa mới gọi là rượu ăn thua.

Bởi uống rượu như uống lửa vậy mới sanh nếp cảm mâm rượu uống chung một ly, rượu rót bằng cái chung sành hoặc cái ly nhỏ, khi rót phải đúng ngấn, lỡ tay rót dù nhiều hơn một chút xíu hay trong nhà không có ly, có chung uống rượu phải dùng cỡ ly khác thì cho là uống rượu quá hớp, muốn người uống phải ngộp thở.

Không phải là dân uống rượu đế cao độ thì không bao giờ thấm thía được chuyện ngậm một ngụm rượu rót dư một vài giọt là quá hớp khiến gây khó chịu đến mức mất vui, mất hứng cuộc nhậu, có khi còn sanh chuyện gây sự rầy rà nữa là. Ấy vậy mà, khi say xỉn tới bến rồi lại gõ chén gõ ly mà hò: “Tửu phùng tri kỷ, thiên bối thiểu.” Rượu ngon cái cặn cũng ngon.

Rượu đế hay còn gọi là rượu trắng ngày xưa ở miệt trên thường nấu bằng nếp, có một loại nếp chuyên nấu rượu giờ hầu như đã mất giống là nếp lức, ngay cả men rượu cũng đặc sản địa phương riêng, nên con nít thường mò qua các nhà nấu rượu mà ăn vụng cơm rượu lúc trải trên chiếu chờ rắc men, hèm rượu người ta có thể nhận dưa, trụng rau mà ăn, rượu ngon đến mức hèm rượu cho heo ăn da thịt con heo như mận hồng đào.

Rượu đế nước nhứt trong hơn nước mưa và thơm lừng, uống vô, rượu chảy tới đâu bốc hỏa thấy ông Trời tới đó. Thành ra dân miệt trên uống rượu tính bằng xị, câu quen miệng của dân nhậu hỏi dò trước khi vô bàn là: Ê, tính chơi mấy xị đây. Mần vài xị nghen. Cỡ mày một xị là đớ lưỡi,…

Chuột đồng, món nhậu khoái khẩu của người miền Tây. (Hình: Getty Images)
Chuột đồng, món nhậu khoái khẩu của người miền Tây. (Hình: Getty Images)

Và uống rượu đong bằng lít

Dân nhậu miệt trên một khi qua bên kia phà Mỹ Thuận dài xuống tới Cà Mau, U Minh, gặp tiệc nhậu sao y bổn chánh thời khẩn hoang thường phải chạy dài. Ða phần dân nhậu miệt dưới uống rượu lạt, nhẹ độ; mỗi lần uống, rượu được rót đầy ít nhất là hai phần ba chén ăn cơm hoặc ly bự uống trà. Gọi là uống rượu gì mà thấy tởn. Thấy tởn luôn ở đây không phải do say rượu mà tởn, chỉ do uống no bụng lình bình, ngầy ngật mà tởn. Nhìn cảnh đờn bà, đờn ông gầy nhậu trên sạp nhà cao cẳng mùa nước nổi hay ngoài đê bao mùa khô, rượu rót ào ào tính bằng chén, bằng lít thì khách nhậu phương xa dù giò cẳng còn cứng, còn vững nhưng bụng đầy ứ óc ách rượu lạt, mỗi lần được ợ hơi lên là như được thăng thiên. Thiệt lòng mà nói, về xứ miệt dưới được bầu bạn tình thương mến thương:

“Bắt con cá lóc nướng trui,
Làm mâm rượu trắng đãi người bạn xa.”
(Ca dao miền Tây)

Gặp cảnh đó, dù có nâng vài chục chén rượu lạt cũng đậm đà tình nghĩa hết biết luôn.

Người miệt dưới có nết uống rượu không so bì như dân miệt trên, một khi rượu rót ra tràn chén hay lưng tô không ai màng thắc mắc kiếm chuyện, rủi tay run run lỡ đổ rượu thì cũng không chấp “cắt cổ không bằng đổ rượu.” Ðã uống rượu thì không dòm canh giờ, canh mặt trời lặn chưa, trời có trăng hay không có trăng. Chủ gia, chủ xị chỉ lo thiếu mồi. Xứ phì nhiêu, sản vật thiên nhiên vô song mà nhậu để cho khách thiếu mồi là có tội với đất đai, sông nước. Vậy nên sanh tánh. Ðang nhậu chủ gia cởi áo lội mương, băng đồng thăm lưới, đổ lờ,… kiếm mồi ngon, mồi tươi hay đang ngồi nhậu ngon lành bỗng chụp tay lấy khúc cây, cục đất chọi con gà, con vịt cho gãy chân, gãy cổ mà nấu cháo, xé phay. Rượu lạt của người miệt dưới mặn mòi tình nghĩa như vậy mà ai say không ngã ngang tại chỗ ngủ ngái thì coi như dân khó xài, hết xài.

Rượu nấu bằng gạo của dân miệt dưới gần giống như rượu gạo của người xứ Quảng, Trung phần. Rượu trắng đục gần như nước vo gao, nhẹ độ và thoang thoảng mùi hèm. Thứ rượu này không ai đong bằng chai xị như dân miệt trên, phải từ một lít, chục lít trở lên tới can nhựa 20 lít mới gọi là bữa nhậu thẳng cẳng. Bởi vậy mới có ca dao rằng:

“Ðốt than nướng cá cho vàng,
Lấy tiền mua rượu cho chàng uống chơi.”
(Ca dao Lục Tỉnh)

Nhưng cái nết uống rượu người miền Tây dù là uống rượu đong bằng xị hay rượu đong bằng lít cũng mang tánh tình người không chịu tù túng, luôn hướng về chuyện tung hoành tự tại. Thành ra có câu ca dao truyền đời:

“Rượu hồng đào, trút nhào vô nhạo,
Kiếm nơi nào nhơn đạo hơn anh.”

Người uống rượu tự nhận mình nhơn đạo thì chắc không ai chấp nhứt bắt bẻ chi cho mệt. Nhưng rượu có nhơn đạo không thì lại là chuyện khác. Trước những tệ nạn xã hội do uống rượu quá đà mà sanh chuyện thì các báo lá cải đăng hà rầm, nhưng chuyện hay ho về rượu cũng đâu có thiếu chi.

Người viết bài xin kể một chuyện khó tin về dân say rượu. Số là trong một chuyến ghe đi ra miệt Cần Giờ vào năm 1980. Sau bữa nhậu rượu đế bày trên ghe kéo dài đến nửa đêm, có bợm nhậu tên T, vốn làm nghề bán thịt heo, do say rượu loay hoay sao không biết mà lọt xuống sông Vàm Sát, người cùng nhậu khi biết chuyện thì ghe đã chạy một đoạn xa, quay ghe lại, trong bóng đêm lờ mờ, thấy có khúc củi bự giống như lưng người nổi lình bình trên sông, lấy sào thọt thử coi là người hay là củi, khi biết, mấy người bạn nhậu mới nhảy xuống vớt lên. Lúc đưa bợm rượu này lên được ghe, bợm vẫn còn say ngủ chưa tỉnh. Sáng ra khi biết chuyện bợm này thảng thốt nói, “Trời ơi, tui đâu có biết lội, chắc là nhờ rượu cứu mạng rồi.”

Ðôi điều chuyện về nết uống rượu và rượu của người miền Tây là vậy. Thật ra bàn về chuyện rượu với người miền Tây-Lục Tỉnh thì có nước bàn tới khi thế gian hết rượu mới mong hết chuyện. Thôi thì ngày Xuân mượn câu ca dao từ văn hóa miền Nam thân thương để biện minh chút chút cho nết và tật uống rượu:

“Rượu ngon chẳng nệ, be sành,
Áo rách khéo vá hơn lành vụng may.”

Nếu bà con nào chống rượu và kỵ người uống thì chắc bà con nên kiện người chế ra câu châm ngôn “Vô tửu bất thành lễ” để dễ bề gầy chuyện khuyên can người uống rượu.

Mời độc giả xem phóng sự: Hội Tết Sinh Viên Đinh Dậu 2017 (Phần 2)

MỚI CẬP NHẬT